Diễn biến 7 tiếng bão Yagi càn quét Hà Nội
Ba người chết, 10 người bị thương, 17.000 cây gãy đổ, toàn bộ ngoại thành mất điện, gián đoạn internet, nhiều tòa chung cư rung lắc, ngập nước... khi bão vào thủ đô chiều tối 7/9.
- Lúc 20h, tâm bão Yagi quét qua Hà Nội, sức gió mạnh nhất 102 km/h, cấp 10, giật cấp 12. Trong 3 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây với tốc độ 15-20 km/h. Do ảnh hưởng hoàn lưu bão, Hải Dương có gió cấp 12, giật cấp 13; Lục Ngạn (Bắc Giang) cấp 9, giật cấp 11; Hưng Yên cấp 8, giật cấp 11; Bắc Giang cấp 7, giật cấp 9; Bắc Ninh gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. - Dự báo gió bão giật mạnh kéo dài đến 1h sáng mai. Quá trình này, gió có thể lặng trong một thời gian ngắn rồi lại nổi lên. Người dân được khuyến cáo không ra đường hết đêm nay. - Người dân nhiều tòa nhà cao tầng cảm nhận sự rung lắc, có hộ nứt tường, vỡ cửa kính, có tòa nhà sập trần thạch cao hành lang, nhiều căn bị nước tràn ngập sàn. - Vùng ngoại thành mất điện diện rộng, nhà không kiên cố bị sập, cây đổ ngổn ngang. |
Chủ trì họp tại Sở Chỉ huy tiền phương lúc 22h, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nói "đến thời điểm này, có thể khẳng định bão Yagi đã suy yếu nhanh". Ông yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình sớm phối hợp với lực lượng cứu nạn tàu thuyền bị trôi dạt, chìm trong bão cũng như người mất tích.
"Các địa phương phải huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày", ông Hà nói.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà họp Sở Chỉ huy tiền phương chống bão Yagi, tối 7/9. Ảnh: Minh Khôi
Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp điện lực đánh giá thiệt hại, sớm khôi phục lưới điện, điều phối cấp điện cho các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp sản xuất quan trọng. Bộ Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sớm khôi phục lại hệ thống thông tin liên lạc.
Phó Thủ tướng nhắc nhở các địa phương tiếp tục bám sát thông tin dự báo về lũ, bản đồ nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo hoạt động vận hành các hồ chứa, không để lũ chồng lũ.
Loạt cây đổ rạp trên phố Nguyễn Thái Học, trong đó có nhiều cây lớn, đêm 7/9. Ảnh: Gia Chính
Loạt cây đổ trước Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trên phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: Gia Chính
Theo thống kê của thành phố Hà Nội, tính đến 19h ngày 7/9, bão đã làm một người tử vong. Đó là nam giới sinh năm 2002, quê Hưng Yên, bị cây đổ đè lên trên đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy. Như vậy tính từ ngày 6/9 tới nay, Thủ đô đã có 3 người tử vong do cây đổ và 7 người bị thương.
Thành phố có gần 2.800 cây gãy đổ; 13 ôtô và 6 xe máy hư hại; 9 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn tại Ba Đình, Sơn Tây, Ba Vì. Hiện khu vực nội thành không có điểm úng ngập. Khu vực ngoại thành 47 ha diện tích lúa, 26,5 ha rau màu bị ngập, hơn 6.000 ha lúa rau màu và cây ăn quả bị đổ.
Bão quét qua làm gãy gục hàng loạt cây cổ thụ ở Hà Nội, điển hình là hàng cây trước Nhà thờ Lớn, hay cây mít trước trụ sở Liên Hợp Quốc trên phố Kim Mã.
Cổ thụ trước Nhà thờ Lớn đổ gục sau bão. Ảnh: Hà Nội News
Cây đổ trên đường Kim Mã, trước trụ sở Liên Hợp Quốc. Ảnh: Gia Chính
Dọc đường Nguyễn Chí Thanh, cách 5-10 m lại có một cây lớn đổ gục. Nhiều đoạn cây và cột điện nằm chắn ngang đường, xe cộ phải đi sang làn đối diện.
Ảnh: Gia Chính
Ảnh: Gia Chính
Ảnh: Gia Chính
Lúc 22h bão giảm còn cấp 8-9, giật cấp 11, sức gió mạnh nhất 74 km/h. Bão đang theo hướng tây với tốc độ 15-20 km/h.
Tại khu đô thị Ecopark, mưa lớn khiến nước tạt vào một số căn hộ. Các căn này nằm ở mặt tây, bị gió bão thổi trực diện trong khi chủ nhà đi vắng, quên đóng kín cửa hoặc không có vật che chắn kỹ. Từ 19h, Ban quản trị đã kêu gọi cư dân hỗ trợ lau dọn, để đồ đạc lên cao để tránh hỏng hóc.
Khoảng 21h15, cư dân hỗ trợ xong đợt đầu thì trời lặng gió. Người dân hò nhau xuống tầng một chặn cửa, tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống chờ theo dõi diễn biến để ứng cứu tiếp.
Cư dân rủ nhau đi hỗ trợ những hộ bị nước tạt ngập nhà. Ảnh: Huệ Phạm
Trời lặng gió, ngớt mưa, cây cối đứng yên từ lúc 21h, sau hơn một tiếng bão càn quét Hà Nội. Nhiều người dân cảm nhận "không khí tĩnh lặng khác thường", thậm chí có chút ngột ngạt so với trước. Ngoài đường gần như không còn xe cộ cá nhân đi lại, chỉ có xe của lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Trời lặng gió, quang đãng đột ngột sau những cơn giật liên hồi ở khu Vĩnh Tuy, Hoàng Mai. Ảnh: Thu Hằng
Lực lượng chức năng tranh thủ lúc lặng gió để cắt nhỏ cây phượng đổ ngang, chắn đường Tam Trinh tối 7/9. Ảnh: Lê Minh
Gần 22h, gió bắt đầu nổi trở lại, rít lớn ở khu vực Hoàng Mai, Cầu Giấy. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, gió có thể lặng xuống ở vùng mắt bão rồi sẽ tiếp tục trở lại. Vùng mắt bão thường trời quang, mây tạnh, thậm chí còn có thể trông thấy trăng sao vào buổi tối.
Gió lặng, cây cối đứng im lúc 21h45 tại Nam Từ Liêm. Video: Dương Tâm
Video: Ngọc Thành
Cơn bão đã làm một số toà chung cư ở Hà Nội có dấu hiệu lún nứt, vỡ kính, sập trần... gây mất an toàn cho người dân sinh sống.
Sảnh lễ tân một toà nhà quận Nam Từ Liêm bị hư hỏng. Ảnh: Người dân cung cấp
Một chung cư tại KĐT Việt Hưng, phường Giang Biên, Quận Long Biên bị vỡ cửa kính. Ảnh: Thu Hà
Theo Công ty CP Bến xe Hà Nội, từ 15h30, các bến xe và doanh nghiệp vận tải đã được yêu cầu tạm ngừng phục vụ để đảm bảo an toàn cho hành khách, tài sản người và phương tiện.
Tuy nhiên, thời điểm chiều tối vẫn có nhiều hành khách tới bến xe, do đó, Công ty đã chỉ đạo các bến xe kịp thời hỗ trợ miễn phí thực phẩm, nước uống, chỗ nghỉ cho hành khách nhỡ xe tại các bến.
Hành khách được tặng đồ ăn tại bến xe Gia Lâm. Ảnh: Công ty quản lý bến xe HN.
Hành khách, lái xe được hỗ trợ ăn uống tại bến xe Mỹ Đình.
Mưa gió ở Khu đô thị An Khánh, Hoài Đức. Video: Văn Ngọc
Mưa lớn kèm theo gió bão mạnh gây tình trạng nước tràn vào nhà từ cửa sổ, ban công. Tại một chung cư ở quận Bắc Từ Liêm, nước thấm qua các khe cửa sổ tràn vào nhà, khiến các hộ dân phải mang xô chậu hứng, mang khăn, quần áo, ga gường ra thấm, thi nhau vắt nước.
Tại toà nhà Bắc Hà, quận Nam Từ Liêm, nước cũng tràn vào nhiều căn hộ gây ngập lênh láng. Chung cư 151 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, ban công một số hộ dân bị ngập nước do không kịp thoát. Gió bão cũng gây ra tình trạng vỡ, nổ cửa kính của nhiều căn hộ chung cư.
Một số tuyến đường trong các khu đô thị ở Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông... đã bị ngập nước 30 - 50 cm.
Mưa lớn ngập ban công không kịp thoát, tràn vào nhà ở chung cư 151 Nguyễn Đức Cảnh, phường Tương Mai, quận Hoàng Mai. Clip: Phạm Chiểu
Người dân dùng khăn và nylon ngăn nước nhưng không ăn thua.
Nước tràn vào nhà ở khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức.
Anh Phạm Huy, 29 tuổi, cư dân chung cư FLC Mỹ Đình, "hoảng hốt" khi chứng kiến cần cẩu công trình gần nhà quay tít mù trong gió bão từ chiều đến giờ. "Tôi phát run mỗi lần cần cẩu quay về hướng chung cư, cảm giác như sắp va vào cửa kính. Nó mà sập như chiếc ở Hải Phòng thì không biết hậu quả ra sao", anh lo lắng.
Lúc 19h, bão giảm tiếp một cấp còn 10-11, sức gió mạnh nhất 117 km/h, giật cấp 13. Yagi đang theo hướng tây với tốc độ 15 km/h.
Hà Nội hiện mưa lớn, gió giật mạnh làm cửa kính một số khu chung cư bị vỡ. Cư dân sống trên các tầng cao lấy bàn ghế, sofa để chèn chặt tránh va đập.
Một gia đình ở chung cư Nam Từ Liêm lấy sofa để chèn chặt cửa kính. Ảnh: Thuỳ Linh
Cây bật gốc ở khu vực chợ Nam Đồng. Ảnh: Quang Anh
Cây đổ ở ngõ 10 Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy. Ảnh: Hải Triều
Cây đổ ở khu đô thị Vân Canh, Hoài Đức. Theo thống kê nhanh, riêng khu đô thị Vân Canh có khoảng 80 cây đổ, 4 nhà bị tốc mái, đổ tường. Ảnh: Lan Anh
Trung tâm chỉ huy Công an TP Hà Nội cho biết từ chiều qua đến 17h chiều nay đã tiếp nhận hơn 70 tin báo cứu nạn, cứu hộ cây đổ. Lực lượng điều động hơn 140 lượt xe, phương tiện và hơn 1.500 cán bộ, chiến sĩ tham gia.
Trong đó, Công an xã Thanh Mai (Thanh Oai) đưa một cụ già bị lạc về nơi tránh bão an toàn. Công an xã Thụy Lâm (Đông Anh) vận động và hỗ trợ 22 người ở thuyền trên sông Cà Lồ di dời lên bờ. Xe chữa cháy Đội Cảnh sát PCCC Công an quận Nam Từ Liêm cản gió giúp người dân di chuyển đi qua tuyến đường Trần Hữu Dực - Trịnh Văn Bô.
Xe cứu hoả đi chậm cản gió giúp người dân di chuyển trên cầu vượt Xuân Phương. Video: Dương Tâm
Bão Yagi đã gây mất điện tại hầu hết các quận huyện ngoại thành, bao gồm Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Trì, Sóc Sơn, Ba Vì, Sơn Tây, Mê Linh, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên, Thanh Oai và Mỹ Đức.
Người dân tự thu dọn cây đổ ngổn ngang trong khu dân cư ở Trại Mới, Tiến Xuân, Thạch Thất. Video: Minh Thu
Để ứng phó với bão, Điện lực Hà Nội đã huy động khoảng 2.000 nhân viên khắc phục sự cố khi bão đổ bộ vào Hà Nội; trong đó 1.280 người trực liên tục từ 22h ngày 6/9. Đơn vị này cho biết nếu điều kiện thời tiết, giao thông đảm bảo an toàn thì nhân viên điện lực sẽ nhanh chóng xử lý sự cố, cấp điện trở lại cho người dân trong thời gian nhanh nhất.
Với lượng mưa và cấp độ gió của cơn bão tại thời điểm 16h ngày 7/9, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội khẳng định lưới điện được vận hành thường xuyên và liên tục cung cấp điện cho thành phố.
Chiều 7/9, do ảnh hưởng của siêu bão, một số khu vực trên địa bàn Hà Nội mất điện do cây lớn bật gốc đổ vào đường dây, hệ thống điện. Một số quận huyện xảy ra sự cố tại như Ứng Hoà, Thường Tín, Ba Đình, Hoàng Mai. Điện lực TP Hà Nội cho biết họ đang tập trung ứng trực, khắc phục các sự cố trong thời gian nhanh nhất.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Thành viên Hội đồng Thành viên Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, phủ nhận thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về việc Hà Nội sẽ cắt điện toàn thành phố tối nay.
Ông cho biết hiện chỉ có Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng nặng nhất, sự cố nhiều nên phải cắt điện toàn bộ. Còn tại Hà Nội, chỉ một số sự cố lẻ tẻ do cây đổ, cơ quan điện lực đều đã có phương án cấp điện lại ngay cho người dân.
Nhân viên EVN Hà Nội khắc phục sự cố điện tại Hoàng Mai chiều nay. Ảnh: EVNHN
Ngôi nhà khung thép lợp tôn cao 4 tầng đổ sập. Ảnh: Hoàng Vũ
Hôm nay, ga Hà Nội đã tạm dừng khai thác 4 đôi tàu gữa Hà Nội - Hải Phòng là HP1/LP6 và LP2/LP3, LP5/HP2, LP8/LP7.
Trên tuyến đi Nghệ An dừng khai thác đôi tàu NA1/NA2 và tuyến Lào Cai dừng tàu SP3/SP4.
Ngày 8/9, đôi tàu Hà Nội - Hải Phòng là HP1/LP2 cũng dừng hoạt động.
Trên tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Gia Lâm - Hải Phòng và Kép - Hạ Long, tuyến Bắc Nam đã có nhiều cây đổ vào đường sắt, đơn vị đã chủ động khắc phục.
Dọn cây đổ trên đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Ảnh: VNR
Cây đổ chắn ngang trên đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Ảnh: VNR
Tại khu chung cư ở Xuân Phương (Nam Từ Liêm), một số gia đình mở cửa ban công nhằm giảm chênh lệch áp suất, giúp cửa kính bớt rung lắc. Gió lùa vào nhà ra hướng hành lang khiến các tấm trần thả bung, rơi xuống hành lang. Trần bung tạo ra nhiều bụi, kích hoạt hệ thống báo cháy toà nhà khiến người dân lo lắng.
Một phần trần hành lang khu chung cư bị gió thổi sập. Ảnh: Dương Tâm
Tại Long Biên, cửa sổ một khu nhà rung lắc theo từng nhịp gió khiến vữa tường có nguy cơ bị nứt.
Người dân sơ tán gấp vì chung cư rung lắc.
Phương tiện công cộng dừng hoạt động, đường phố Hà Nội chỉ còn xe cộ cá nhân. Gió bão đang mạnh lên, nhiều người dân tan làm, có việc phải ra ngoài bằng xe máy hầu như không thể di chuyển. Một số người tấp vào lề đường, xe vẫn bị gió xô nghiêng ngả. Trên cầu vượt Xuân Phương (Nam Từ Liêm), một số ôtô đi chậm chắn gió cho người đi đường.
Xe máy bị gió xô nghiêng bên lề đường. Ảnh: Võ Hải
Video: Võ Hải - Dương Tâm
Ôtô đi chậm che chắn gió cho xe máy trên đường Hà Nội. Video: Anh Ngọc
Do ảnh hưởng bão, Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo dài thời gian ngừng khai thác tàu bay tại sân bay Nội Bài đến 24h ngày 7/9 thay vì đến 21h như quyết định trước đó. Đây là lần thứ 2 Cục quyết định kéo dài thời gian đóng cửa sân bay Nội Bài vì bão.
Sân bay Vân Đồn, Cát Bi cũng kéo dài thời gian ngừng hoạt động đến 20h ngày 7/9.
Các sân bay được nhà chức trách yêu cầu chuẩn bị nhân lực, phương tiện ứng phó bão và mưa lũ sau bão; khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia ứng phó bão và mưa, lũ.
Máy bay nằm chờ tại sân bay Nội Bài. Ảnh: NIA
Cây cổ thụ bật gốc đổ đè một phần khuôn viên Đại học Quốc gia Hà Nội trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy). Ảnh: Duy Anh
Các kiot nhà ăn bị sập hoàn toàn. Ảnh: Duy Anh
Một số khu vực tại Hà Nội xảy ra tình trạng mất điện do cây lớn đổ vào hệ thống đường dây truyền tải điện. Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVNHANOI) cho hay đang triển khai mọi phương án để đảm bảo an toàn lưới điện, sớm cấp điện trở lại cho nhân dân Thủ đô sinh hoạt.
Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP Hà Nội huy động hơn 20 điều độ viên, gấp 4 lần ngày thường, ứng trực 24/24 sẵn sàng xử lý các tình huống.
Ứng trực tại Trung tâm Điều độ hệ thống điện TP Hà Nội chiều 7/9. Ảnh: Võ Hải
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai cho biết tại họp báo Chính phủ chiều 7/9, với lượng mưa ước tính 300 mmm trong một ngày thì các khu đô thị như Hà Nội, khu công nghiệp "nguy cơ cao sẽ ngập úng".
"Hiện Hà Nội đang vận hành tối đa trạm bơm Yên Sở để rút nước đi, khi mưa về có chỗ chứa", ông Luận cho hay.
Đồng thời, Cục đã chỉ đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng bơm tiêu rút nước trên các kênh, mương, mặt ruộng. Hệ thống trạm bơm tiêu và công trình thủy lợi đã sẵn sàng vận hành tiêu úng để bảo vệ sản xuất lúa và hoa màu.
Theo ông Luận, toàn bộ 500.000 ha lúa khu vực đồng bằng sông Hồng đang trổ đồng, nếu ngập úng lâu "sẽ gây thiệt hại rất lớn về sản xuất nông nghiệp".
Nói về thiệt hại do bão gây ra đến cuối giờ chiều nay, ông Luận cho biết có một người bị chết tại hải Dương do cây đổ; 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ nhỏ bị chìm tại Quảng Ninh; hơn 100 cây xanh bị đổ ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Hiện nhà chức trách chưa thống kê được đầy đủ thiệt hại tại hai địa phương này.
Trên trục đường Nguyễn Chí Thanh - Huỳnh Thúc Kháng thường ngày chật kín phương tiện qua lại thì chiều nay vắng bóng. Gió bắt đầu nổi lên ở khu vực này từ 13h, càng lúc cành mạnh. Đứng ở tầng 15h một toà nhà ven đường có thể nghe tiếng gió rít từng hồi.
Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài vắng bóng xe lúc 17h ngày 7/9. Ảnh: Gia Chính