Quảng Nam: Xin 40 tỷ chống hạn

Trước tình trạng khô hạn kéo dài, gây khó khăn về nguồn nước sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt cho nhân dân, ngày 10/4, tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét hỗ trợ 40 tỷ đồng để chống hạn.

Trên toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 53/73 hồ chứa thiếu nước. Dòng chảy trên sông Vu Gia giảm mạnh, lượng nước đo được tại trạm Ái Nghĩa vào khoảng 2,21m, thấp nhất trong vòng 30 năm qua.

Đặc biệt, tại các địa phương phía bắc của tỉnh như Điện Bàn, Duy Xuyên, mặn liên tục xâm nhập sâu vào sông Vu Gia – Thu Bồn – Vĩnh Điện với nồng độ rất cao khiến hàng loạt trạm bơm phải ngưng hoạt động hoặc vận hành cầm chừng, gây khó khăn cho hàng nghìn ha lúa, hoa màu.

Tình hình hạn hán được dự báo sẽ diễn ra trên diện rộng, kéo dài từ vụ Đông Xuân sang vụ Hè Thu. Riêng khu vực hạ lưu sông Vu Gia, hạn có thể kéo dài đến tháng 9/2013.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các địa phương tập trung cao độ cho công tác chống hạn. Cụ thể, ngoài việc khẩn trương gia cố, sửa chữa các tuyến kênh mương sẽ huy động phương tiện, nhân lực tiến hành nạo vét, khơi thông những bể hút bị cát đá bồi lấp nghiêm trọng để các trạm bơm điện vận hành hiệu quả. Đặc biệt, cắt cử lực lượng túc trực thường xuyên tại một số trạm bơm bị nhiễm mặn để khi nồng độ mặn xuống mức cho phép lập tức vận hành hết công suất máy nhằm kịp thời cung ứng nước cho nông dân để trồng trọt.

Bên cạnh đó, tăng cường những máy bơm dã chiến về các vùng đang bị nhiễm mặn, khô hạn nặng để tận dụng nguồn nước ngọt từ các sông, suối, ao, hồ, đầm, lạch phục vụ việc sản xuất của người dân. Đồng thời bằng mọi cách phải đảm bảo lượng nước tưới cho 11.000 ha/43.500 ha lúa đông xuân bị thiếu nước, khô hạn.

Tỉnh Quảng Nam cho biết, ngay trong quý II này sẽ đắp đập tạm đầu sông Quảng Huế để hạn chế lưu lượng từ sông Vu Gia chuyển qua sông Thu Bồn nhằm đảm bảo cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho các huyện phía bắc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huy Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN