Quảng Nam: Mở sẵn cửa để chờ… động đất
Ngày hôm qua (18/10), tại TP.Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam và Viện Khoa học – Công nghệ của Bộ KH-CN tổ chức truyền hình trực tiếp để phổ biến kiến thức về động đất và cách phòng tránh, ứng phó khi có động đất xảy ra xung quanh khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 cho nhân dân.
PGS.TS Cao Đình Triều, chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu nhấn mạnh, động đất là sự rung động của trái đất và là sự giải phóng nhanh của năng lượng đàn hồi được tích lũy tại một điểm nào đó trên trong trái đất, gây nên sóng địa chấn và tác động lên bề mặt làm phá hoại các công trình, sự biến dạng bề mặt cũng như gây chết chóc cho con người.
Theo ông, động đất diễn ra xung quanh khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 là động đất do kích thích hồ chứa sau khi tích nước. Trong đó, động đất kích thích hồ chứa luôn là vấn đề quan tâm và được cập nhật thông tin liên tục, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới công tác vận hành của các nhà máy thủy điện.
Buổi truyền hình trực tiếp phổ biến kiến thức về động đất ngày 18/10
Tại đây, ông Lê Văn Tuấn, Chánh văn phòng UBND huyện Bắc Trà My lo lắng khi có sự cố vỡ đập Thuỷ điện Sông Tranh xảy ra sẽ ứng phó như thế nào? Còn ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Quảng Nam nói, các nhà khoa học xác định động đất ở Thủy điện Sông Tranh 2 tối đa chỉ là 5,5 độ richter, liệu đây có phải con số tối đa hay chưa hay đó chỉ là dự báo?
Giải thích các câu hỏi này, PGS.TS Cao Đình Triều cho rằng, động đất kích thích xảy ra bao giờ cũng nhỏ hơn động đất kiến tạo, đồng thời nó cũng xảy ra ở tầng nông hơn nên người dân đã nghe tiếng nổ lớn phát ra từ lòng đất. Chính từ những biểu hiện phức tạp của tình hình động đất tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 nên khuyến khích với người dân trong vùng ảnh hưởng phải luôn chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với động đất. Theo đó, những kiến thức cơ bản như, không treo đồ vật lên cao, luôn mở sẵn cửa… ngoài ra việc thống nhất giữa các thành viên trong gia đình cũng rất quan trọng để sơ tán kịp thời, hỗ trợ nhau trong khi xảy ra động đất.
Ngoài ra, ông Triều cũng kiến nghị với Ban Quản lý dự án thủy điện 3 nên tích nước dần dần, đừng để mực nước hồ biến động quá nhanh sẽ gây ra phản ứng với mực nước, vì điều này đã được minh chứng là gây nên biến động của ứng suất gia tăng làm thay đổi nhanh trạng thái suất lỗ rỗng và có thể gây nên động đất. Bên cạnh đó, Ban quản lý thủy điện cần chú ý đến việc phòng chống sạt lở ở 2 mặt đập, đề phòng lũ quét làm tràn nước gây ảnh hưởng tại hồ Thủy điện Sông Tranh 2.
Thời gian tới, trong quá trình tích nước cần phải theo dõi sát sao diễn biến của hoạt động động đất. Nếu thấy xảy ra các trận động đất nhỏ liên tiếp đi kèm việc dâng lên của mực nước hồ thì phải nghĩ ngay tới một động đất mạnh hơn có thể sắp xảy ra để có biện pháp ứng cứu.
Từ khi Thuỷ điện Sông Tranh 2 tích nước, vùng hạ lưu cạn đáy
Còn TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, hôm nay (19/10), trạm quan trắc động đất đầu tiên tại đập Thủy điện Sông Tranh 2 sẽ được hoàn thành. Đây là cơ sở cho việc nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình động đất ở Bắc Trà My cũng như phục vụ công tác dự báo động đất về sau. Trong thời gian tới, Viện Vật lý địa cầu sẽ mời các chuyên gia về động đất kích thích giỏi nhất thế giới cùng với các chuyên gia đầu ngành trong nước tới Bắc Trà My khảo sát, nghiên cứu tình hình động đất ở đây, giúp cho người dân địa phương hết hoang mang về các vấn đề liên quan đến động đất.
Ngoài ra, Viện Vật lý địa cầu sẽ lắp đặt thêm các trạm quan trắc khác ở khu vực Thủy điện Sông Tranh 2 và vùng hạ du để có thể đo chính xác những trận động đất xảy ra trên khu vực, đồng thời phục vụ cho việc dự báo về động đất có khả năng xảy ra trên khu vực trong tương lai.