Quảng bá cho du lịch TQ: Đã xảy ra nhiều lần
"Nước ngoài tham gia hội chợ du lịch cũng gặp sự cố như thế. Trong nhiều trường hợp, đó là những sơ suất cũng không thể tránh khỏi và cũng đã xảy ra nhiều rồi. Phần lớn sơ suất là do thiếu ý thức" - ông Trần Quang Hảo, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch VN, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Tổng cục Du lịch cho biết về sự cố quảng bá du lịch Việt Nam nhưng treo cảnh Trung Quốc.
PV: - Tham gia một hội chợ du lịch lớn nhất thế giới đang diễn ra ở Đức để quảng bá du lịch Việt Nam cho du khách quốc tế nhưng ngay trong gian hàng trưng bày, giới thiệu của Tổng cục Du lịch Việt Nam lại treo một bức ảnh giới thiệu địa danh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc: Ảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, nằm ở miền nam tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc. Ông bình luận như thế nào về điều này?
Ông Trần Quang Hảo: - Tôi đã được nghe lãnh đạo Tổng cục trao đổi ý kiến rồi. Tôi không có ý kiến về việc này.
- Ông có ngạc nhiên hay bất ngờ về sự cố vừa rồi không?
Tôi thấy nhiều khi người ta sơ suất thôi chứ không cố ý. Việc này đã xảy ra nhiều chứ không phải bây giờ mới có. Phần lớn sơ suất là do không có ý thức thôi. Phổ biến xảy ra đối với bản đồ.
Ảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật (Trung Quốc) nằm ngay trong gian hàng của Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế ITB 2013 diễn ra ở Berlin, CHLB Đức - Ảnh: Một doanh nghiệp cung cấp
- Là người tham gia và hiểu rõ về ngành du lịch, ông có thể cho biết đã có những sự cố nào tương tự?
Tương tự như những lần đi Thái Lan, Indonesia, trong các buổi làm việc có tính chất hội thảo, hội nghị, phía đối tác dùng bản đồ du lịch không phù hợp. Tất cả vùng biển của mình họ không ghi là Đông mà họ ghi là South China Sea (Biển Nam Trung Hoa). Chúng tôi cũng yêu cầu họ không sử dụng cái đó nữa, họ cũng bỏ đi.
Cũng phải nói thêm rằng, những ấn phẩm như vậy đến bây giờ mới bị bỏ đi. Mà tôi nhận thấy, cũng vùng biển đấy họ đề là China Beach thì mình không chấp nhận, nhưng họ để là South China Sea thì mình lại chấp nhận. Bản thân tôi cũng chẳng hiểu ra sao.
- Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã khẳng định du lịch là ngành mũi nhọn. Nhưng ông đánh giá như thế nào về cách làm của Việt Nam hiện nay nhất là khi ngành du lịch của chúng ta đang chọn hình thức quảng bá đắt tiền trên các kênh truyền hình quốc tế để giới thiệu hình ảnh VN?
Nói vậy thôi chứ Việt Nam làm gì có nhiều tiền mà chọn những kênh đắt tiền. Tiền quảng cáo của Việt Nam quá ít ỏi. Vì vậy nên quảng bá chỉ như có một tí gọi là tham gia. Còn làm bài bản, rồi đi vào những kênh quảng cáo nổi tiếng của thế giới thực sự đáng đồng tiền bát gạo thì Việt Nam mới chỉ mon men thôi.
- Cung cách quản lý và làm việc như vậy, hình thức quảng bá, hiệu quả quảng bá không có kết quả, trong khi các ngành chức năng luôn than phiền không có tiền để đầu tư hoành tráng. Ông nghĩ như thế nào về ý kiến: du lịch VN quảng bá chưa trúng, xài tiền chưa khôn?
Thực ra du lịch Việt Nam vừa làm vừa học. Kể cả trong khu vực, từ năm 1994 - 1995 mình cũng xếp hạng trung bình, khoảng thứ 5, trong khối ASEAN. Đến giờ thứ hạng ấy vẫn thế thôi.
Cơ cấu tổ chức cũng chưa được hoàn chỉnh, đội ngũ cán bộ rất thiếu và chưa đâu vào đâu cả. Có Luật Du lịch, nhưng luật ấy từ năm 2005 đến bây giờ gần chục năm hướng dẫn vẫn chưa xong.
Đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đầu tư, ngồi chờ thì không thể nào trở thành mũi nhọn được.
Tôi nghĩ điều quan trọng của du lịch Việt Nam bây giờ không phải là quảng bá. Đề cao nó lúc này là chưa phù hợp bởi trong du lịch người ta phải chú ý đến sản phẩm, chất lượng sản phẩm, tạo dựng sản phẩm phù hợp với từng đối tượng rồi người ta mới tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến bán sản phẩm đó.
Trong quá trình khách hàng hưởng thụ sản phẩm đó, họ có những cảm nghĩ của họ để góp ý cho mình sửa đổi, nâng cấp làm sao cho phù hợp hơn nữa. Đó là cả một quá trình mà quá trình mình làm sản phẩm chưa được bao nhiêu. Bây giờ sản phẩm du lịch Việt Nam chủ yếu là tự nhiên và một số di tích lịch sử, di sản văn hóa thiên nhiên, còn cái mà để mình tạo ra để mà ra tấm ra món thì rất hiếm. Nói chung sản phẩm chưa phong phú.
Sản phẩm của mình chưa phong phú thì quảng bá tuyên truyền của mình cũng phải vừa thôi. Sản phẩm chưa có, tiền thì không nhiều làm sao quảng bá rầm rộ được.
- Xin cảm ơn ông!