PTT Nguyễn Xuân Phúc: Số lượng công chức “cắp ô” không nhiều
“Dư luận băn khoăn, đưa ra cảnh báo về con số 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà Phó Thủ tướng từng đề cập đầu nhiệm kỳ. Nay đã cuối nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng cho biết tỷ lệ công chức cắp ô còn bao nhiêu? Giải pháp để hạn chế tình trạng này?”, ĐB Lê Như Tiến chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Cán bộ không biết nói cảm ơn, xin lỗi
Một vấn đề nóng được đề cập trong phiên chất vấn là tình trạng cán bộ công chức, viên chức có biểu hiện xa dân, quan liêu. ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) đánh giá nhiều cán bộ công chức thiếu vắng nụ cười, không biết nói cảm ơn, xin lỗi khi làm việc, tiếp xúc với người dân. Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng chia sẻ: Hiện trong bộ máy hành chính Nhà nước của ta có gần 4 triệu người là cán bộ công chức viên chức làm công việc liên quan tới người dân.
Cũng có nhiều người làm tốt, tận tụy gương mẫu, lễ phép phục vụ nhân dân. Nhưng cũng có một bộ phận xa dân, quan liêu như ĐB Tiến đề cập. “Đây thuộc về đạo đức công vụ”, ông Phúc cho biết và đưa ra những giải pháp cụ thể: Quốc hội đã có Luật Công chức, Luật Viên chức, 18 nghị định hướng dẫn vấn đề này. Chính phủ đã yêu cầu thực hiện nghiêm đạo đức công vụ, sắp tới sẽ tiến hành thanh tra kiểm tra, đổi mới chế độ công vụ, mô tả việc làm, giảm biên chế, tổ chức thi tuyển để tìm những cán bộ tốt phục vụ nhân dân. Đi liền là tăng cường kỷ cương kỷ luật, đánh giá để đưa những cán bộ không đủ năng lực ra khỏi bộ máy, làm trong sạch bộ máy.
Có vẻ chưa thật hài lòng với phần trả lời này, ĐB Lê Như Tiến truy vấn tiếp Phó Thủ tướng với câu hỏi cụ thể hơn: Dư luận băn khoăn, đưa ra cảnh báo về con số 30% cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà Phó Thủ tướng từng đề cập đầu nhiệm kỳ. Nay đã cuối nhiệm kỳ, Phó Thủ tướng cho biết tỷ lệ công chức cắp ô còn bao nhiêu? Giải pháp để hạn chế tình trạng này?
Trả lời ĐB Tiến, Phó Thủ tướng nói: "Chúng tôi muốn nói đây là một tình trạng đang diễn ra, tất nhiên số đó không nhiều. Một mặt ta phải có giải pháp giáo dục, quản lý lao động, đặc biệt là làm tốt bản mô tả việc làm của từng vị trí, rồi giám sát công khai dân chủ ở cơ sở để đưa ra khỏi bộ máy công quyền những người như thế này".
Về con số 30% công chức “cắp ô”, Phó Thủ tướng giải thích thêm: “Con số này là do dư luận nói vậy chứ không phải do Phó Thủ tướng công bố. Tỷ lệ bao nhiêu thì Chính phủ chưa nắm chắc. Nhưng Chính phủ đang nỗ lực hạn chế tối đa tỷ lệ sáng cắp ô đi tối cắp về”.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng cắt ngang luôn: "Phó Thủ tướng cho biết luôn con số “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” có giảm hay không?
Ông Phúc ngập ngừng chút, rồi nói: "Tỷ lệ này là thấp qua báo cáo các bộ, ngành gửi Chính phủ. Vừa rồi Chính phủ có nhiều biện pháp quyết liệt, rồi Nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế cũng đã có. Tôi tin là con số này sẽ giảm, mà đầu tiên phải bắt đầu từ sự quyết liệt của bộ máy hành chính cấp cơ sở".
Vì sao không hỗ trợ trực tiếp thu mua lúa gạo?
Về chủ trương tạm trữ lúa gạo ở ĐBSCL, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) cho rằng đây là giải pháp tình thế. Bà Bé muốn biết giải pháp căn cơ hơn giải quyết khó khăn cho người trồng lúa. “Tại sao không hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân thu mua lúa gạo?”, ĐB này đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề ĐB Kim Bé đề cập, Phó Thủ tướng cho biết Thủ tướng đã quyết định tạm trữ 1 triệu tấn gạo, nhờ chủ trương này mà vụ mùa vừa qua người dân không bị ép giá. Một ý kiến ĐB nêu mà Chính phủ rất suy nghĩ là sao không hỗ trợ trực tiếp nông dân để làm việc này? “Lý do là vì người dân không có kho để dự trữ, để chống ẩm, chống mốc… nên nhà nước phải dùng nguồn lực từ tư nhân để làm việc này. Có nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng có mức dự trữ rất lớn”, ông Phúc nói.
Một ĐB đã đề cập việc chương trình đưa hàng Việt về nông thôn bị lợi dụng, gian lận. “Là Trưởng ban chỉ đạo 389 về chống hàng lận hàng giả, gian lận thương mại, Phó Thủ tướng có giải pháp gì để người dân ở nông thôn được mua hàng tốt?”, ĐB này hỏi.
Trước vấn nạn này, trả lời ĐBQH, Phó Thủ tướng kêu gọi các cá nhân, tổ chức tố giác hành vi, doanh nghiệp vi phạm để xử lý kịp thời. “Hành vi lợi dụng chương trình người Việt dùng hàng Việt đáng bị lên án, phê phán và xử lý nghiêm khắc”, ông Phúc khẳng định.
Trả lời ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Tây Ninh) về vấn đề tin nhắn rác hoành hành lâu nay nhưng cơ quan quản lý (Bộ TTTT) chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm, Phó Thủ tướng chia sẻ và đề nghị: Trách nhiệm của 8 nhà mạng viễn thông phải được nâng cao hơn nữa. Nhà nước phải đẩy mạnh hơn nữa việc xử phạt, tăng cường quản lý đầu vào của các thuê bao ĐTDĐ, internet.