Phim quay lén Triều Tiên của BBC bị phản đối

Do đưa phóng viên trà trộn vào một nhóm sinh viên sang Triều Tiên để quay bộ phim tài liệu "Bí mật Triều Tiên", BBC bị một trường đại học của Anh nói rằng “cố tình lừa dối”, đẩy các sinh viên vào hoàn cảnh nguy hiểm.

Khi căng thẳng giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc không ngừng leo thang trong nhiều tuần qua, một nhóm sinh viên của Trường kinh tế London (Anh) sang Triều Tiên để “chứng kiến, gặp gỡ các bộ trưởng, quan chức chính phủ” và các trường học. Nhưng trong số sinh viên đó có 3 phóng viên của BBC trà trộn vào để lén quay phim tài liệu.

Trường đại học của Anh nói rằng BBC “cố tình lừa dối”, đẩy các sinh viên vào hoàn cảnh nguy hiểm, phá hoại công việc của trường ở một quốc gia nhạy cảm chính trị. Vì thế, Trường kinh tế London yêu cầu BBC loại bỏ bộ phim “North Korea Undercover” (Bí mật Triều Tiên) dự kiến được chiếu vào hôm nay, đồng thời đưa ra lời xin lỗi.

Ngược lại, BBC cho rằng phim tài liệu nói về một đất nước quá ít người hiểu rõ là nhằm phục vụ lợi ích chung của mọi người. Trong thông báo đưa ra hôm nay, BBC phản bác cáo buộc của trường. BBC nói rằng các sinh viên đã được thông báo sẽ có 1 phóng viên đi cùng và “họ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng họ hoàn toàn có quyền thay đổi kế hoạch nếu muốn”.

Phim quay lén Triều Tiên của BBC bị phản đối - 1

Người cao tuổi thảnh thơi chơi cờ ở Bình Nhưỡng. (Nguồn: The Journal)

Tuy nhiên, với việc cử 3 phóng viên đi cùng, BBC sau đó thừa nhận đã không thông báo cho các sinh viên về nội dung của bộ phim tài liệu, để chuẩn bị cho tình huống các sinh viên có thể bị phát hiện và bị chất vấn về mục đích của chuyến đi.

Dù ngày nay nhiều khách du lịch đã được phép đến thăm Triều Tiên, nhưng các phóng viên vẫn phải xin phép chính phủ nếu muốn làm phim và phải có người Triều Tiên hộ tống. Năm 2009, hai nhà báo Mỹ là Laura Ling, hồi đó 32 tuổi, và Euna Lee, 36 tuổi, bị bắt và kết án 12 năm tù lao động tích cực vì tội đột nhập trái phép lãnh thổ Triều Tiên để nghiên cứu vấn đề phụ nữ và buôn bán người. Họ chỉ được thả khi Tổng thống Mỹ hồi đó là Bill Clinton bay tới Bình Nhưỡng để đàm phán 4 tháng sau đó.

Alex Peters-Day, đại diện sinh viên của Trường kinh tế London, nói rằng nhóm sinh viên đã nhận được email từ chính phủ Bình Nhưỡng thể hiện sự tức giận về việc có phóng viên trà trộn trong đoàn. Peters-Day cho rằng các sinh viên không được biết đủ thông tin về mục đích của phóng viên BBC.

Phim quay lén Triều Tiên của BBC bị phản đối - 2

Nữ công nhân đang làm sạch vịt tại một nhà máy chế biến gia cầm ở Bình Nhưỡng. (Nguồn: The Journal)

Đây là lần thứ hai trong năm nay Triều Tiên, với hàng loạt căng thẳng ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc, bị xáo trộn bởi các đoàn làm phim nước ngoài. Cuối tháng 2, tạp chí Vice cử Dennis Rodman, cựu ngôi sao bóng rổ của đội Chicago Bulls, đến Bình Nhưỡng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un để sản xuất loạt phim tài liệu hợp tác với đài HBO. Tuy nhiên, Rodman đến Bình Nhưỡng với sự cho phép của chính phủ Triều Tiên.

Những chuyến thăm liên tiếp từ bên ngoài, cùng với vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên để đáp trả Mỹ và các đồng minh, là cơ hội để nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un chứng tỏ mình - ít nhất là đối với người dân Triều Tiên – là người được thế giới bên ngoài coi trọng.

Đây không phải lần đầu tiên BBC bị lên án vấn đề đạo đức. Năm ngoái, phát thanh viên nổi tiếng Jimmy Savile của đài này bị cáo buộc lạm dụng tình dục hàng loạt nạn nhân suốt mấy thập kỷ.

Đến nay mới có hãng tin AP được phép mở văn phòng ở Bình Nhưỡng, từ năm 2012.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo NYT) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN