Phí tham quan di tích ở Thủ đô tăng cao nhất gấp 3 lần?
Tại kỳ họp thứ 14, HĐND thành phố sẽ xem xét Nghị quyết điều chỉnh phí tham quan đối với một số di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn theo hướng tăng.
Chùa Hương cũng là một trong những địa điểm tăng phí tham quan theo đề xuất của UBND thành phố Hà Nội
Đề xuất tăng phí cao nhất gấp 3 lần
Theo UBND thành phố Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 10 điểm thu phí tham quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử công trình văn hóa. Bao gồm, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hỏa Lò, Khu di tích Cổ Loa, Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long, đền Quán Thánh, Làng cổ Đường Lâm, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Chùa Hương. Trong đó, mức thu phí áp dụng từ 10.000 đồng/lượt/khách đến 78.000đ/lượt/khách. Tuy nhiên, quá trình hoạt động đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Sau khi rà soát, Ban quản lý một số khu di tích lịch sử cho biết đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và đề xuất điều chỉnh mức thu phí tham quan.
Từ thực tế trên, UBND thành phố Hà Nội đề xuất phí tham quan di tích từ 10.000 đồng/lượt/khách đến 120.000 đồng/lượt/khách tùy từng địa điểm. Trong đó, tăng cao nhất là phí tham quan Trung tâm Hoàng thành Thăng Long với mức phí 100.000 đồng/lượt/khách, tăng hơn 3 lần (hiện tại là 30.000 đồng/lượt/khách); Phí tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được đề xuất là 70.000 đồng/ lượt/khách (hiện là 30.000 đồng/người/lượt khách)…
Thời điểm có phù hợp?
Tuy nhiên, việc Hà Nội tăng phí các điểm tham quan đã khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên. Ông Ngô Trần Ngọc Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Tây Ninh cho rằng, việc Hà Nội tăng phí tham quan đối với một số di tích thời điểm hiện tại là không hợp lý.
Ông Quốc phân tích, hiện nay tình hình kinh tế trong nước có nhiều khó khăn. Hiện, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, người lao động mất việc làm. Những lao động giữ được việc làm thì cũng phải “thắt lưng buộc bụng” tiết kiệm chi tiêu. Các doanh nghiệp du lịch cũng phải cắt giảm chi phí, xây dựng các chương trình khuyến mại nhằm thu hút du khách nhưng tình hình vẫn chưa khả quan.
“Tôi không hiểu sao Hà Nội lại điều chỉnh tăng giá vé tham quan một số di tích vào thời điểm này. Tôi đồng ý rằng thành phố có thể tăng phí tham quan để cân đối thu chi cho các khu di tích nhưng phải ở thời điểm kinh tế phục hồi. Còn hiện tại, đáng ra thành phố phải giảm giá vé để kích cầu tham quan, du lịch”, ông Quốc nói.
Ông Nguyễn Tiến Toàn, Giám đốc một Cty lữ hành ở Hà Nội cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp lữ hành gặp nhiều khó khăn khi lượng khách sụt giảm. Theo ông Toàn, trong cơ cấu giá tua trọn gói, giá trị của giá vé di tích, danh thắng không cao. Tuy nhiên, khi giá vé tham quan tăng, doanh nghiệp cũng phải phải cân đối lại. “Chúng ta đang đang kêu gọi kích cầu khắp mọi nơi, nhưng giá vé vào các danh lam thắng cảnh lại tăng khiến các Cty du lịch gặp khó”, ông Toàn nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Sau nhiều năm hư hỏng, xuống cấp vì không sử dụng, Bốt Hàng Đậu (Ba Đình, Hà Nội) hiện đang được cải tạo, sắp đặt thành không gian nghệ thuật để mở cửa cho người...