Phạt tiền nếu "alo" ở cây xăng: Có khả thi?

Dùng ĐTDĐ ở các cây xăng theo quy định sẽ bị xử phạt từ 2 - 5 triệu, nhưng lực lượng nào sẽ bắt quả tang để xử phạt người vi phạm, thẩm quyền của chủ cây xăng đến đâu… vẫn còn là những điều cần bàn.

Từ 5/8, Nghị định 52 quy định xử phạt trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy sẽ chính thức có hiệu lực. Điểm mới của Nghị định là tăng cường, cụ thể hóa các biện pháp xử phạt cũng như tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm.

Cụ thể, hành vi sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại cây xăng sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng, mức phạt này cũng áp dụng cho hành vi hàn cắt kim loại nhưng không thực hiện các biện pháp phòng cháy. Ngoài ra, những người mang diêm, bật lửa, ĐTDĐ, các thiết bị điện tử hoặc các thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt vào kho vật liệu nổ hoặc những nơi có quy định cấm sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Mức phạt này cũng sẽ tăng lên 500.000 đồng nếu sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt mà không đảm bảo khoảng cách an toàn về phòng cháy chữa cháy (PCCC) theo quy định.

Phạt tiền nếu "alo" ở cây xăng: Có khả thi? - 1

Dùng điện thoại tại cây xăng sẽ bị phạt từ 2 - 5 triệu đồng kể từ ngày 5/8

Mức phạt 2 triệu đồng sẽ do trưởng công an hoặc chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định xử phạt; mức 5 triệu đồng sẽ do trưởng phòng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt, trưởng phòng cảnh sát đường thủy, công an cấp tỉnh và trưởng phòng cảnh sát PCCC cấp huyện hoặc chủ tịch UBND huyện ra quyết định xử phạt…

Anh Minh Tiến (phố Láng Hạ, Hà Nội), khách hàng mua xăng tại cây xăng Thành Công chiều 1/8 cho biết: “Tôi đồng tình với quy định phạt tiền những người cố tình sử dụng ĐTDĐ tại cây xăng, bởi hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho chính bản thân họ mà còn ảnh hưởng đến tính mạng của những người xung quanh”. Song, để quy định này đi vào cuộc sống thì bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm những người vi phạm.

Theo đại tá Thiều, cần phải tăng cường tuyên truyền để cho người dân hiểu đúng, đủ về NĐ 52, giáo dục người dân chấp hành tốt các quy định về an toàn PCCC, đặc biệt là ở những nơi công cộng để tránh việc bị xử phạt.

Đại diện Công ty Xăng dầu khu vực 1 - Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, hiện trên địa bàn Hà Nội có 70 cây xăng do công ty quản lý với lượng xăng dầu bán ra thị trường trung bình trên 1.000m3/ngày. Chính vì vậy, Nghị định 52 có hiệu lực sẽ có ý nghĩa nâng cao ý thức chấp hành các quy định về PCCC của khách hàng khi đến cây xăng, đặc biệt là việc sử dụng ĐTDĐ.

Trao đổi với PV, đại tá Tô Xuân Thiều - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC – Công an TP. Hà Nội cho biết, NĐ 52 có hiệu lực sẽ giúp cho công tác PCCC được nâng cao hơn, đặc biệt với những hành vi trước đây đã bị cấm nhưng chưa có chế tài xử phạt nên chưa mang tính răn đe cao thì nay đã có chế tài cụ thể, khi xử phạt sẽ có tác dụng giáo dục sâu sắc với người vi phạm.

Tuy nhiên, đại tá Thiều cũng băn khoăn trước tính khả thi của việc thực hiện các chế tài khi lực lượng cảnh sát PCCC còn mỏng. Chẳng hạn như với hành vi sử dụng ĐTDĐ tại các cây xăng, theo quy định sẽ phải xử phạt từ 2 – 5 triệu đồng, nhưng lực lượng nào sẽ theo dõi, bắt quả tang để xử phạt người vi phạm, thẩm quyền của chủ cây xăng đến đâu… vẫn còn là những điều cần phải bàn.

Biện pháp trước mắt, theo đại tá Thiều, là cần phải tăng cường tuyên truyền để cho người dân hiểu đúng, đủ về NĐ 52, giáo dục người dân chấp hành tốt các quy định về an toàn PCCC, đặc biệt là ở những nơi công cộng để tránh việc bị xử phạt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kiều Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN