Phát hiện hành tinh "vô gia cư" trong vũ trụ
Các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện một hành tinh "vô gia cư" trôi tự do trong vũ trụ và không quay quanh bất kỳ ngôi sao nào.
Các nhà khoa học từ lâu đã nghi ngờ vệ sự tồn tại của một hành tinh cô đơn" không thuộc ngôi sao nào. Mới đây, nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Montreal (Canada) và Cơ quan vũ trụ châu Âu đã chứng minh nghi ngờ trên hoàn toàn chính xác.
Sử dụng kính thiên văn Canada-France-Hawai và kính thiên văn Cực lớn tại Đài quan sát Nam châu Âu để quan sát vũ trụ với diện tích rộng gấp 1.000 lần bề mặt của Mặt trăng, các nhà thiên văn học đã phát hiện thấy một hành tinh mới không thuộc bất kỳ ngôi sao nào trong vũ trụ.
“Trong vài năm qua, một số hành tinh vô gia cư đã được phát hiện, nhưng các nhà khoa học chưa thể khẳng định sự tồn tại của chúng nếu chưa xác định được tuổi của chúng”, tiến sĩ Jonathan Gagni, thuộc trường đại học Montreal, cho biết.
Hành tinh "vô gia cư", được đặt tên là CFBDSIR2149, dường như thuộc một nhóm sao rất trẻ có tên là AB Doradus. Hành tinh CFBDSIR2149, với nhiệt độ khoảng 400 độ C, được xác định hình thành cách đây từ 50 đến 120 triệu năm. Nó có trọng lượng gấp 4 đến 7 lần sao Mộc.
Các nhà khoa học tin rằng nguyên nhân khiến một hành tinh trôi tự do trong vũ trụ là do nó bị bật ra khỏi quỹ đạo của ngôi sao mẹ trong quá trình hình thành.