Phá rừng VQG Ba Bể: Cục Kiểm lâm thừa nhận

Sau một tuần lập tổ công tác đi kiểm tra, Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp) thừa nhận có việc phá rừng xảy ra ở VQG Ba Bể (Bắc Kạn) và đang chỉ đạo xử lý triệt để.

Làm việc với phóng viên ngày 2/7, ông Đặng Quốc Vũ – Phó Đội trưởng phụ trách đội Kiểm lâm đặc nhiệm (Cục Kiểm lâm, thuộc Tổng cục Lâm nghiệp) thừa nhận thông tin mà báo Tiền Phong đăng tải việc lâm tặc hoành hành tại VQG Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là có thật.

Về đối tượng Tuấn V. là “trùm buôn gỗ” ở huyện Chợ Đồn, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn về các cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến gỗ trên địa bàn huyện này thì chỉ có doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ Đức Mạnh do ông Nguyễn Quốc Tuấn làm Giám đốc, là có quy mô lớn nhất. Qua kiểm tra, giám sát của Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn và Đội Kiểm lâm cơ động số 1, số 2 của Chi Cục Kiểm lâm Bắc Kạn thì quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ của doanh nghiệp này từ đầu năm 2012 đến nay chưa phát hiện có sai phạm.

Cục Kiểm lâm cũng cho biết, số liệu báo cáo của VQG Ba Bể qua các cuộc tuần tra truy quét từ đầu năm 2012 đến thời điểm này đã phát hiện 144 cây gỗ nghiến (657,909m3) bị lâm tặc khai thác trái phép. Theo đó, tình hình vận chuyển trái phép gỗ nghiến ra khỏi VQG Ba Bể được hình thành trên các tuyến đường liên xã, gồm: Hoàng Trĩ, Đồng Phúc (huyện Ba Bể) sang xã Bằng Phúc (huyện Chợ Đồn); và từ xã Nam Mẫu (huyện Ba Bể) sang xã Nam Cường đi thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn) theo đường tỉnh lộ 254.

Phá rừng VQG Ba Bể: Cục Kiểm lâm thừa nhận - 1

Gỗ nghiến bị chặt phá tại vườn quốc gia Ba Bể. Ảnh: Tuấn Nguyễn

Ngay khi thành lập tổ công tác kiểm tra tình hình “chảy máu” tài nguyên rừng là gỗ nghiến tại VQG Ba Bể, Cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các trạm kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, thống kê, đo đếm số cây và khối lượng gỗ bị chặt hạ trái phép để báo cáo về Cục Kiểm lâm, Cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Lý giải về nguyên nhân của việc gỗ nghiến trong VQG Ba Bể bị “tận diệt”, đại diện Cục Kiểm lâm cho rằng do lợi nhuận thu được từ việc khai thác, mua bán, vận chuyển gỗ nghiến trái phép rất cao. Trong khi đó, đời sống của người dân trong vùng lõi và vùng lân cận của VQG Ba Bể còn rất khó khăn, đất canh tác ít, nguồn sống chủ yếu phải dựa vào rừng.

Hai là, do tinh thần trách nhiệm của cán bộ, cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ trên địa bàn chưa cao, lơ là trong việc bám sát địa bàn, chậm phát hiện các vụ phá rừng và không có biện pháp để ngăn chặn kịp thời.

Đặc biệt, trong báo cáo số 354/BC-KL-ĐN của Cục Kiểm lâm ngày 2/7/2012 gửi đến báo Tiền Phong đã thừa nhận khiếm khuyết, thiếu hiệu quả, thiếu năng lực để bảo vệ diện tích rừng được giao của BQL bảo vệ VQG Ba Bể.

Bản báo cáo cũng thừa nhận: “Cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt các ban, ngành, đoàn thể tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm và cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn, xử lý các đối tượng phá rừng; có nơi còn biểu hiện bao che, hoặc né tránh, ngại va chạm”.

Sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan chức năng địa phương dẫn đến việc ngăn chặn, xử lý “chảy máu” tài nguyên rừng chưa cao, chưa triệt phá được các đầu nậu, đường dây buôn bán gỗ trái phép trên địa bàn.

Để sớm giải quyết tình trạng “chảy máu” tài nguyên rừng, và nhanh chóng ổn định tình hình, Cục Kiểm lâm đề nghị VQG Ba Bể tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm tra, truy quét lâm tặc khai thác, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép.

Hạt kiểm lâm VQG Ba Bể phải phối hợp chặt chẽ với Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn để kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ trái phép. Cụ thể, Hạt Kiểm lâm Chợ Đồn đã kiểm tra 14 cơ sở chế biến gỗ tại xã Nam Cường, xử lý và đình chỉ hoạt động, thu hội giấy phép ba cơ sở.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm mục đích bảo vệ tài nguyên rừng một cách có hiệu quả.

Cục Kiểm lâm cũng đề nghị Tổng Cục Lâm nghiệp chỉ đạo Sở NN&PTNN, Chi cục Kiểm lâm xem xét, kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm các cá nhân, đơn vị để xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn được phân công quản lý; Tiến hành đánh giá, bố trí sắp xếp lại cán bộ, thuyên chuyển vị trí công tác theo quy định để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phát huy hiệu quả công tác. Lập chuyên án điều tra, xác minh, triệt phá các đầu nậu, đường dây mua, bán lâm sản trái phép trên địa bàn…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn nguyễn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN