Ông lão cô độc, mù lòa 30 năm ngóng con

Ông Lê Văn Trừng (sinh năm 1938) bị mù cả hai mắt. Hơn 30 năm trước, người vợ không chịu nổi khổ cực đã dắt díu 2 người con ra đi, cũng từng ấy năm ông Trừng sống mò mẫm trong màn đêm, đói rét liên miên và căn bệnh phổi mạn tính cứ hành xác từng ngày…

“Biết kêu ai, khóc ai bây giờ!”

Chúng tôi hỏi đường về tổ 4, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, Hà Nam để tìm gặp ông. Mặc dù ở thị trấn nhưng ông Trừng sống trong ngôi nhà “ổ chuột”, mái nhà thấp lè tè không cao bằng con đê ngăn lũ nằm ở ngay cạnh nhà.

Ông Trừng ra tiếp khách, chân dò từng bước từng bước một chậm chạp, thi thoảng đôi tay quờ về đằng trước tìm đường. Ngồi ở giường ông Trừng thở một hơi dài và tâm sự về những ngày tháng lận đận.

“Hồi trước, tôi bị đậu mùa, bố mẹ túng bấn không có tiền để đi chữa trị, bệnh chạy vào trong khiến mắt tôi kém hẳn rồi thành người mù. Từ đó đến nay, ngót nghét đã 30 năm trời tôi không được thấy ánh sáng.


Ông lão cô độc, mù lòa 30 năm ngóng con - 1

Ngôi nhà của ông Trừng được chính quyền xã cho “mượn” bởi ông không có một mảnh đất cắm dùi

Gia cảnh nhà tôi khó khăn lắm, đến miếng cơm độn khoai cũng không có mà ăn. Tôi thường lê la khắp các quán trong chợ, mọi người thấy thương thì sai làm việc vặt rồi cho ăn. Đến mùa gặt, tôi lại xay lúa giã gạo thuê. Vốn có sức khỏe, tôi làm hăng lắm nên cũng tạm đủ ăn. Xay một thúng thóc thì được 1 nghìn. Ngày nào đi làm được thì có cái cho vợ con ăn, chứ hôm nào không có việc thì lại nheo nhóc lũ lượt. Cảnh kiếm sống khổ lắm chú à, nhưng có chết tôi cũng không đi ăn xin kể cả khi hai mắt không còn nhìn thấy nữa” - ông Trừng kể.

Giọng ông nghẹn lại, mắt ngấn nước khi nhắc đến vợ và con: “Vợ tôi cũng là người làng thôi. Lấy nhau về mà cái đói cái rét cứ bám lấy, đi làm quần quật cũng không đủ ăn. Đến khi đôi mắt tôi ngày càng mờ dần và không nhìn thấy được thì cũng là lúc bà ấy dắt díu 2 người con (Lê Thị Mai, sinh năm 1971 và Lê Văn Đoàn, sinh năm 1969) ra đi. Mấy chục năm qua, chiều nào tôi cũng tựa cửa ngóng tin các con mà vô vọng”.


Ông lão cô độc, mù lòa 30 năm ngóng con - 2

Nỗi buồn của ông Trừng khi nhắc chuyện gia đình

Mọi sinh hoạt, ông Trừng đều cố gắng xoay sở để có thể thể tự làm. “Tôi sợ nhất là cắm cơm, không nhìn thấy được nên nhiều lúc chẳng may sờ vào ổ điện giật cứng đờ cả tay. Mỗi khi nấu canh cũng khốn khổ khốn nạn, nhóm củi mãi không lên, khói ngạt chảy hết cả nước mũi mà không nấu được nồi canh để ăn.

Nhiều đêm bụng đói cồn cào cả ruột gan nhưng biết kêu ai khóc ai bây giờ. Khổ lắm chú à, lắm hôm đói quá không có gì mà ăn, tôi lại phải dò dẫm đi ra chợ mua thức ăn, đi từ sáng đến tối mà không biết đường nào mà về. Hôm trước lạc đường, may sao có bác hàng xóm đưa về chứ không tôi chết ở đường mất. Thấy vậy, hàng xóm thương tình thỉnh thoảng vẫn đi chợ mua giúp tôi lọ mắm, mớ rau”.

Nghèo, đành buông xuôi số phận


Căn nhà lụp xụp, mỗi khi mưa thì dột khắp nhà, trời lạnh thì rét thấu xương. Ông có mỗi một chiếc chăn mỏng, những đêm đông lạnh quá không ngủ được ông bảo chỉ còn biết nằm đợi trời sáng.

Ông chia sẻ: “Những lúc ốm đau thèm lắm có người chăm sóc, nhưng có lẽ chỉ trong giấc mơ tôi mới dám nghĩ tới… Mỗi khi trái gió trở trời, căn bệnh lao phổi mạn tính “trời đánh” lại hành hạ. Có lần không chịu nổi tôi phải nhờ người đưa đi trạm y tế xã để khám, mất 400 nghìn tiền thuốc. Biết thế tôi không đi khám cho xong, tự nhiên mất hơn 2 tháng lương, về chẳng biết lấy gì mà ăn...”

Ông Lê Văn Trừng thuộc diện hộ nghèo, mỗi tháng được 180 nghìn đồng trợ cấp, cộng với 1 suất ruộng ông cho đợ một năm được gần 1 tạ thóc để sống đắp đổi qua ngày. Nhưng với tình trạng tuổi già ốm đau thường xuyên, những thứ đó không đủ để đảm bảo cuộc sống cho ông.

Ông Lê Thế Lực, Tổ trưởng tổ dân phố số 4, thị trấn Quế cho biết: “Ông Lê Văn Trừng bị khiếm thị, gia cảnh khó khăn, không ai nương tựa. Ngôi nhà ông đang ở là UBND xã cho ở nhờ, hồi xưa là kho của hợp tác xã, thấy hoàn cảnh khó khăn quá nên đã tạo điều kiện giúp đỡ. Gần đây, chính quyền xã đã mắc điện và dẫn nước để ông Trừng có nước sinh hoạt”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đình Hường - Việt Đức (Kiến Thức)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN