Nuôi yến: Canh bạc chim trời

Ngồi quanh bàn cà phê trước ngõ vào ấp văn hóa An Hòa, mấy anh nông dân xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM nói vui: “Bây giờ ở đây yến đã nhiều hơn người. Chừng ít năm nữa thôi chắc yến đuổi hết người đi!”.

Câu nói nghe chừng có vẻ thậm xưng, nhưng ngẫm kỹ biết đâu chừng lại đúng, khi làn sóng về quê mua đất xây nhà yến vẫn chưa bao giờ hết sôi động tại làng quê vốn yên ả này.

Mừng như bắt được... phân

Qua phà Bình Khánh, chạy chừng 8km đến cầu Rạch Lá, chạy thêm độ hơn cây số nữa rồi rẽ vào đường Tam Thôn Hiệp, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, hỏi thăm anh Long, chủ nhà yến, thì không ai là không biết.

Lý do khiến anh Long được nhiều người nhớ đơn giản bởi anh là một trong số hiếm hoi người dân chánh gốc Tam Thôn Hiệp có tiền nuôi yến, bán tổ yến giá “mềm” nhất vùng và trụ được với nghề nuôi yến tới giờ này.

Nói chính xác hơn, trong số hàng trăm chủ nhân của hơn 110 nhà yến mọc lên chen chúc ở xã này, chỉ có anh Long và bà Bảy là người bản xứ đeo bám lâu dài với nghề nuôi yến, còn lại là người có tiền ở tứ xứ đổ về. Mà bà Bảy cũng chính là dì ruột của anh Long.

Nuôi yến: Canh bạc chim trời - 1

Dãy nhà lầu san sát ở Tam Thôn Hiệp. Tất cả đều là nhà dành cho chim yến

Cầm chắc tay lái chiếc xe máy chở tôi băng qua con đường lổn nhổn đá dăm, anh Long - tên trong giấy tờ là Võ Văn Dũng - một chủ nhà yến tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ - luôn miệng giới thiệu: “Mấy căn nhà đang thi công ven đường này toàn là nhà xây cho yến đó!”.

Thợ hồ vùng này bây giờ hầu như không ngớt việc. Dọc phố nhà yến Tam Thôn Hiệp là những căn nhà cao 3-4 tầng kiên cố, với hàng trăm ngàn cửa sổ bé bằng lòng bàn tay. Chủ nhân những căn nhà yến đa số là người sống ở nơi khác. Tại nhà yến chỉ cắt đặt vài người trông coi.

Dừng lại trước nhà yến của mình, anh Long móc túi tìm chìa khóa mở cổng. Trên cánh cổng sắt cao chừng hai thước là bốn chiếc ổ khóa to bự. Mở hết lớp khóa ngoài, anh Long còn lòn tay mở thêm một ống khóa bên trong. Cánh cửa xịch mở. Vẫn chưa thấy yến.

Căn phòng tối như hũ nút ở bên trong là nơi đặt ba cái ampli và hệ thống điện. Chủ nhân giải thích: “Đây là loa phát, trong kia là loa ru. Loa ru phải phát 24/24. Sở dĩ cửa nẻo phải làm kỹ như vầy là để phòng trộm cướp, dù cũng chưa có vụ cướp nào xảy ra”.

Một lớp cửa nữa được mở ra. Theo ánh sáng phát ra từ chiếc đèn pin nhỏ, dợm bước trên nền nhà dấp dính phân chim, chúng tôi nhìn thấy từng cặp chim yến đang làm tổ. Những chiếc tổ yến màu trắng đục nằm rải rác trên gờ tường.

Theo thống kê của Phòng Kinh tế UBND huyện Cần Giờ, hiện toàn huyện có 187 căn nhà nuôi chim yến. Trong đó xã Tam Thôn Hiệp (110 căn), Lý Nhơn (17 căn), Long Hòa (2 căn), Bình Khánh (12 căn), An Thới Đông (27 căn) và thị trấn Cần Thạnh (19 căn); có khoảng 45 căn đã cho thu hoạch tổ yến, 142 căn đang gây nuôi chim yến lấy tổ. Trong đó, chỉ có 10 căn nằm trong Đề án thí điểm mô hình nuôi chim yến trong nhà lấy tổ ở xã Tam Thôn Hiệp là có giấy phép. Có đến 159 căn, phần lớn phát triển trong các khu dân cư, được chủ đầu tư sửa chữa nhà đang ở hoặc xin xây dựng nhà ở rồi chuyển thành nhà nuôi chim yến.

Hôm nay là ngày nhà yến của anh Long đến kỳ thu hoạch tổ. Mùi của ẩm mốc trộn lẫn với mùi đặc trưng của phân chim xộc tới. Thấy tôi đưa tay lên mũi, anh Long cười lớn: “Người ngoài ngửi thấy thì ghê nhưng với dân nuôi yến như tụi tui thấy được phân chim là mừng như bắt được vàng!”.

Đang có nghề làm nước đá, năm 2008 thấy người ta nuôi yến hà rầm, anh Long gom vốn xây nhà yến diện tích 10m x 25m. Anh kể: “Xây nhà xong, hoàn thiện kỹ thuật ở bên trong, phát loa dụ yến là bắt đầu thấp thỏm lo.

Đừng thấy chim về mà ham. Chim về chưa chắc đã vào nhà, rồi chim vào nhà chưa chắc đã chịu ở. Suốt mấy tháng trời yến cứ đến chao lượn, thăm dò làm mình muốn lên ruột. Tới chừng nào trong nhà có phân chim mới là tín hiệu cho thấy chim đã chọn nhà yến của mình làm nơi ở”.

Bước sang năm thứ ba, nhà yến của anh đã có khoảng 4.000 chim yến về, mỗi tháng thu hoạch tổ một lần, mỗi lần được 6kg. Nếu chỉ tính giá yến ở mức 33 triệu đồng/kg thì mỗi tháng anh kiếm được khoảng 200 triệu đồng - một khoản thu nhập không nhỏ so với mặt bằng đời sống của người dân chốn thôn quê.

Chưa kể không chỉ bán tổ yến, anh Long còn bán cả... phân yến cho người mới xây nhà yến dùng làm chất tạo mùi. Anh khoe: “Hôm rồi mới bán 200kg phân với giá 100.000 đồng/kg. Vậy mà còn không đủ bán”.

Thế nhưng thu nhập của anh Long vẫn chưa phải là mức “đỉnh” nhất. Theo dân trong nghề, người nuôi yến thật sự hốt tiền tỉ ở vùng này là vợ chồng ông L.. Với ba căn nhà yến đang khai thác, hằng tháng vợ chồng ông thu về không dưới 700-800 triệu đồng. Nhà yến của ông L. vẫn là nhà thu hút nhiều chim yến nhất.

Canh bạc

Thông thường, trong một khu dân cư, những nền nhà sát mé sông thường có giá thấp hơn nền nhà hướng mặt lộ. Nhưng ở xã Tam Thôn Hiệp thì khác, đất nền ở khu vực bờ sông có giá cao hơn hẳn. Một trong những lý do đẩy giá đất ven sông tăng mạnh là do nơi đây có nhiều nhà nuôi yến thành công.

Nuôi yến: Canh bạc chim trời - 2

Anh Long kiểm tra lại số tổ yến vừa thu hoạch được

Hơn 6g chiều, có mặt ở khu bờ kè, sát mé sông, chúng tôi chứng kiến cảnh yến về tổ. Tại một dãy chừng 6-7 căn nhà yến liền kề, yến quây về lượn đen kịt bên trên. Anh Minh, một người dân sống gần đó, bảo: “Coi vậy chứ để ý kỹ thì thấy yến chỉ vô cái nhà nhỏ nhất, đen thui nằm chính giữa là nhiều nhất. Mấy căn xung quanh, tụi nó chỉ lượn lờ cho vui vậy thôi. Cái nhà đen đen đó là căn nhà yến đầu tiên ở vùng này của ông L.. 10 năm rồi, yến trong đó chắc đã sanh đẻ tới đời chắt, đời chít”.

Một đặc tính của chim yến là rất trung thành, đã ở đâu là không bao giờ đổi chỗ. Những nhà yến xây sau chỉ mong dụ được số yến mới từ nơi khác chuyển đến hoặc số yến con được sinh sản từ các nhà yến cũ.

Tại xã Tam Thôn Hiệp, hiện tại công xây dựng nhà yến ở đây bình quân 2,2 triệu đồng/m2. Nếu chỉ xây dựng xác nhà, không bao gồm chi phí trang bị kỹ thuật bên trong thì có giá 1,8 triệu đồng/m2.

Sau khi bỏ tiền tỉ ra xây nhà, hằng tháng chủ nhà yến phải tốn thêm chừng 700.000 đồng cho chi phí điện, nước. Tiền thuê bảo vệ cỡ 3 triệu đồng/nhà. Đó là chi phí đối với những hộ nằm trong quy hoạch vùng nuôi yến và được cấp phép nuôi yến.

Số tiền bỏ ra là rất thật nhưng chuyện có thu hồi vốn hay không lại là chuyện không ai biết. Khá nhiều người đã đổ cả đống tiền để xây nhà, “trang trí nội thất”, thuê kỹ thuật viên “có tay nghề Malaysia”, nhưng chim không chịu vào ở. Đất lành chưa chắc chim đậu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN