Nuôi gián trở thành nghề thời thượng ở TQ

Khoảng 100 nông trại ở Trung Quốc đang kiếm bộn tiền từ việc nuôi gián để bán cho các công ty mỹ phẩm và dược phẩm.

Mỗi năm người dân trên khắp thế giới đã chi gần 40 tỷ USD để mua thuốc trừ côn trùng gây hại. Chắc chắn trong số những côn trùng gây hại, loài mà con người muốn diệt nhất là gián.

Vậy mà giờ đây nhiều nông dân Trung Quốc đang theo đuổi một nghề vô cùng khác thường: nuôi gián. Một cuộc khảo sát của Los Angeles Times cho thấy khoảng 100 nông trại ở Trung Quốc đang nuôi hơn 10 triệu con gián.

Nuôi gián trở thành nghề thời thượng ở TQ - 1

Những con gián khô là nguồn dược liệu quý đối với các công ty dược phẩm. Ảnh: Los Angeles Times.

Do nuôi gián là một nghề lạ đời nên chính quyền hầu như chưa ban hành bất kỳ quy định nào để quản lý. Nhưng phần lớn nông dân nuôi gian đều hoạt động bí mật. Họ nói rằng chính phủ Trung Quốc biết công việc của họ và cho phép họ nuôi gián, miễn là hoạt động của họ không gây nên hiểm họa. Nói theo cách khác, chính phủ không muốn một ngày nào đó vài triệu con gián đột nhiên thoát khỏi một nông trại và gây nên thảm họa.

Tại sao nhiều nông dân Trung Quốc lại nuôi gián dù họ biết chúng là loài côn trùng mà nhân loại căm ghét nhất?

Hóa ra câu trả lời lại khá đơn giản: Gián là nguyên liệu của nhiều sản phẩm hữu ích. Chẳng hạn, các công ty mỹ phẩm khai thác protein trong cơ thể gián. Họ cũng lấy một chất có tác dụng giống như cellulose trong cánh của chúng, Times cho biết.

Hồi tháng 5 Liên Hợp Quốc từng kêu gọi mọi người ăn côn trùng, cho rằng chúng là nguồn thức ăn vô tận, rẻ nhưng lại chứa nhiều protein và có thể trở thành giải pháp để đối phó nạn đói trên thế giới.

Người Trung Quốc đã sử dụng gián để làm dược liệu từ hàng trăm năm qua. Ngày nay, các nhà nghiên cứu y khoa Trung Quốc đang thực hiện nhiều thử nghiệm trên gián. Họ nói chúng có thể trở thành thuốc để trị nhiều bệnh – từ ung thư, AIDS tới rụng tóc.

Nuôi gián trở thành nghề thời thượng ở TQ - 2

Gián chiên là một món đặc sản đối với nhiều người Trung Quốc. Ảnh: Los Angeles Times.

Giới y khoa đồn đại rằng Lý Thứ Nam, một giáo sư y học cổ truyền 78 tuổi tại tỉnh Vân Nam, là người am hiểu về gián nhất tại Trung Quốc. Lý kể rằng vào thập niên 60 ông phát hiện những người dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã dùng gián để chữa viêm xương.

"Gián là những con vật có khả năng chống chọi nghịch cảnh rất cao. Chúng tôi muốn biết tại sao chúng lại có thể sống sót trong vụ nổ bom nguyên tử", Lý nói.

Rồi giáo sư Lý kể về tác dụng y khoa kỳ diệu của gián đối với chính bản thân ông.

"Vài năm trước tóc tôi rụng hàng loạt. Tôi phun chất mà tôi chiết xuất từ gián lên vùng hói và tóc mọc trở lại. Sau đó tôi dùng chất ấy để đắp mặt và nhiều người nói khuôn mặt tôi không thay đổi trong nhiều năm. Ngoài ra gián cũng là món ăn rất ngon", ông kể.

Vương Phú Minh, một nông dân 43 tuổi, nói rằng gián không phải là loài côn trùng đáng sợ như người ta tưởng. Với mỗi kg gián, Vương có thể thu 45 USD.

“Tôi từng nghĩ tới việc nuôi lợn. Nhưng nếu nuôi lợn theo cách truyền thống thì lãi rất thấp. Với gián, bạn chỉ cần đầu tư 20 tệ và thu về 150 tệ”, Vương lập luận.

Nuôi gián trở thành nghề thời thượng ở TQ - 3

Nông dân Vương Phú Minh chỉ cần dùng một chuồng gà và những tấm carton mà người ta đựng trứng gà để nuôi gián. Ảnh: Los Angeles Times.

Nuôi gián cũng là công việc kinh doanh không tốn kém. Vương nói ông chỉ dùng một chuồng gà, vài tấm carton mà người ta thường đựng trứng gà để gián trú ẩn. Thức ăn của chúng là vỏ khoai tây và vỏ bí ngô mà một nhà hàng gần đó thải ra.

“Sau khi xem một chương trình tivi về cách nuôi gián, tôi quyết định bỏ công việc tại một nhà máy dệt để nuôi gián. Nhiều người chế giễu tôi khi tôi bắt đầu nuôi gián, nhưng tôi luôn nghĩ rằng gián sẽ mang tới sự thịnh vượng cho tôi”, Trâu Hòe, một nông dân 40 tuổi tại tỉnh Tứ Xuyên, kể.

Mặc dù Trâu chỉ kiếm khoảng 10.000 USD mỗi năm, song đó là khoản thu nhập ổn định và đáng mơ ước đối với nông dân ở Tứ Xuyên. Thậm chí chính quyền địa phương còn tặng bà danh hiệu “Chuyên gia về làm giàu”.

“Hiện nay tôi đang hướng dẫn 4 gia đình khác kỹ thuật nuôi gian. Họ cũng muốn trở nên giàu như tôi”, bà nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Trang (Tri thức trực tuyến)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN