Nữ phi công xinh đẹp khát khao chinh phục bầu trời

Trở thành một tiếp viên hàng không có lẽ là ước mơ lớn lao của nhiều cô gái, nhưng khi đã làm được điều đó, Ngọc Bích lại khát khao trở thành một phi hành gia chinh phục bầu trời.

Nữ phi công xinh đẹp khát khao chinh phục bầu trời - 1

Nữ phi công Nguyễn Thị Ngọc Bích - Ảnh: Khánh Linh

Tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, Nguyễn Thị Ngọc Bích (SN 1987, quê Hải Phòng), hiện đang là cơ phó của đội bay A321 thuộc Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) được vinh dự là một trong 31 đại biểu của ngành GTVT tham dự Đại hội. Trước đó, tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống và Đại hội Thi đua yêu nước ngành GTVT, nữ phi công trẻ này cũng đại diện của thế hệ thanh niên ngành GTVT phát biểu và cam kết thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của ngành giai đoạn 2015 - 2020.

Cô gái và khát khao bay

Nhìn dáng vẻ nhỏ nhắn, mảnh mai của Ngọc Bích, ít ai có thể ngờ cô hiện đang là nữ phi công của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ngọc Bích đã có 8 năm gắn bó với ngành. Trong ba năm đầu, từ năm 2008-2011, Ngọc Bích là tiếp viên hàng không. Thế nhưng, ý chí của cô gái trẻ không chỉ dừng lại ở đó, dù là tiếp viên hàng không được “vi vu” trên khắp các chuyến bay trong và ngoài nước, Ngọc Bích vẫn luôn khát khao một ngày được cầm lái và ngồi vào chiếc ghế phi công.

Ấp ủ ước mơ và luôn dành động lực để thực hiện ước mơ đó, khi có cơ hội, Ngọc Bích đã không để tuột khỏi tầm tay.

“Cuộc sống gia đình với tôi rất quan trọng, nhưng tôi cũng sẽ hết mình vì đam mê mà tôi theo đuổi bấy lâu nay. Tôi đã có những thứ ấy trong tay và tôi sẽ cố hết sức để có thể cân bằng được mọi thứ”.

Nữ phi công Nguyễn Thị Ngọc Bích

Đó là khi Ngọc Bích được chọn vào lớp VFT2 do Công ty Cổ phần đào tạo Bay Việt - đơn vị đào tạo phi công thương mại duy nhất tại Việt Nam hiện nay, phối hợp với Học viện Hàng không Việt Nam đào tạo. Đây là khóa đào tạo phi công thứ hai của Bay Việt, nhưng là khóa đầu tiên của ngành Hàng không thương mại Việt Nam. Tại đây, học viên được huấn luyện thực hành 45 giờ bay trong nước, trong đó có 10 giờ bay đơn.

Khi ấy, vượt qua 120 ứng viên mà phần lớn là nam giới, Ngọc Bích trở thành nữ học viên duy nhất trong lớp học gồm 23 học viên của khóa VFT2. Kết quả đó khiến không ít người ngỡ ngàng.

Thời điểm đó, Bích đã mạnh dạn từ bỏ công việc tiếp viên hàng không với mức lương 20 triệu đồng/tháng để đến với công việc đầy khó nhọc, gian nan, vốn chỉ dành riêng cho những người có thể lực, sức khỏe tốt. Nhưng cho tới bây giờ, cô gái mạnh mẽ ấy vẫn khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Bích nói, cô không hối hận vì sự lựa chọn của mình, bởi đó là niềm đam mê mà cô đã quyết tâm theo đuổi. Để có được nó, bản thân cô phải từ bỏ những thứ “con gái” nhất. Trong suốt 6 tháng học thực hành bay, cô không biết dùng đến loại mỹ phẩm nào nên làn da và cánh tay luôn rám nắng. Nhưng trên hết, cô được thỏa mãn với ước mơ bấy lâu nay của mình, đó là được “bay”.

Nữ phi công xinh đẹp khát khao chinh phục bầu trời - 2

 Nguyễn Thị Ngọc Bích trong buồng lái trước giờ cất cánh - Ảnh: NLĐO

Giấu bố mẹ đi thi tiếp viên và phi công

Ngọc Bích cho biết, khi cô quyết định đi thi tuyển tiếp viên hàng không cũng như lần đi thi vào làm phi công, cô đều giấu cha mẹ và gia đình. “Tính tôi đã quyết thì khó ai có thể ngăn cản và tôi cũng không muốn ai ngăn cản làm giảm động lực của mình. Vì thế, tôi lặng lẽ đi thi, không cho ai trong gia đình biết. Cả nhà không có ai làm trong ngành, nhưng mọi người đều hiểu đặc thù công việc này nên tôi chắc chắn nếu nói ra mọi người sẽ ngăn cản. Bởi vậy, chỉ khi tôi thi đỗ và thông báo, bố mẹ tôi mới biết”, Bích tâm sự và cho hay, khi ấy, dù không phản đối nhưng bố mẹ cô rất lo lắng vì sợ con gái vất vả.

Chia sẻ về công việc của mình, Ngọc Bích cho hay, thời gian đầu khi làm tiếp viên, cô vô cùng hồi hộp, lo lắng, thậm chí chưa quen ngay với việc phải đi lại phục vụ liên tục trong máy bay. Vậy mà khi đã thích nghi với tất cả những khó khăn ban đầu ấy cũng là lúc cô tiếp tục muốn chinh phục một đỉnh cao mới - được ngồi vào chiếc ghế phi công lái máy bay.

“Có lẽ chuyến bay đầu đời là chuyến bay ấn tượng nhất với tôi. Đó là lần đầu tiên tôi được cầm lái chiếc máy bay huấn luyện và có thầy giáo ngồi bên cạnh. Lúc ấy thật khó diễn tả cảm xúc của mình, nhưng tôi vô cùng hạnh phúc vì đã thực hiện được ước mơ ấp ủ bấy lâu nay”, nữ phi công trẻ tâm sự.

Rồi tiếp theo là chuyến bay hồi đầu tháng 8/2014 đi Sài Gòn - Quy Nhơn. Đó là chuyến bay đầu tiên cô cầm lái và chở theo hàng trăm hành khách. “Cảm giác đó tuyệt vời lắm, dù cho trách nhiệm rất nặng nề, lớn lao. Tôi biết phía sau mình là hàng trăm hành khách trên chuyến bay, nên tôi luôn ý thức được trách nhiệm của người phi công mỗi khi ngồi vào ghế lái”, Bích nói.

Bích cho biết, cô chưa bao giờ nghĩ công việc này là dành riêng cho đàn ông, mà theo cô, việc nào đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể làm được, chỉ cần họ có đam mê, giống như cô đam mê với việc chinh phục bầu trời vậy.

Từ khi trở thành phi công, đến nay Ngọc Bích đã có tổng cộng hơn 1.500 giờ bay (tính cả giờ bay huấn luyện). Nữ phi công trẻ tâm sự, mỗi chuyến bay an toàn là niềm hạnh phúc lớn lao với cả phi hành đoàn tham gia phục vụ chuyến bay.

Là phi công nữ nhưng Bích luôn tự rèn cho mình tính mạnh mẽ và độc lập, sự dũng cảm và tự tin, từ đó có thể thực hiện tốt những chuyến bay an toàn. “Sau mỗi chuyến bay vất vả, nụ cười hài lòng và những lời động viên chân tình của các hành khách chính là động lực giúp chúng tôi hoàn thành tốt công việc và xác định trách nhiệm với công việc của mình”, Bích tâm sự.

Không sợ vất vả, chỉ lo không cân bằng được cuộc sống

Tâm sự nhiều hơn về công việc, Bích cho biết, cô không sợ vất vả, không sợ áp lực, mà điều cô lo lắng nhất là không cân bằng được giữa công việc và cuộc sống.

Công việc của những tiếp viên hàng không cũng như của các phi công là công việc đặc thù, nếu ai không hiểu thì khó có thể thông cảm, sẻ chia với nỗi vất vả và những áp lực mà họ phải chịu đựng.

Gia đình Bích hiện vẫn ở Hải Phòng, nhưng công việc của cô phải đi thường xuyên nên cô một mình ở Sài Gòn, và rất hiếm khi được về nhà thăm bố mẹ.

“Lịch làm việc của tôi 6 ngày thì được nghỉ một ngày, nhưng cũng có khi cao điểm không có thời gian được nghỉ nên rất ít khi có dịp về nhà thăm bố mẹ, gia đình. Khoảng cách không xa, nhưng cũng vài tháng tôi mới có thể về nhà một lần. Đặc biệt, trong các dịp lễ, Tết, khi mọi người được quây quần bên gia đình thì tôi vẫn phải trải qua hành trình trên các chuyến bay trong và ngoài nước. Có những khi giao thừa đang ở trên máy bay, cũng có khi giao thừa đang ở một đất nước khác rất xa quê hương. Hầu như không có năm nào được đón Tết cùng gia đình”, nữ phi công chia sẻ và kể lại kỷ niệm khiến cô nhớ nhất là những năm mới vào làm, phải xa nhà dịp Tết, cô một mình ở Sài Gòn, lại đúng dịp bị ốm nặng. Khi ấy gọi điện về nhà, thấy cả gia đình được quây quần bên nhau, cô đã tủi thân và khóc rất nhiều. Bố mẹ dù rất thương con nhưng cũng không biết phải làm sao, vì đó là công việc mà con gái đã lựa chọn.

Về hạnh phúc riêng của mình, Bích cho biết đã có bạn trai và hai người đã yêu nhau được bốn năm. Dù không cùng làm trong ngành nhưng trong suốt khoảng thời gian ấy, bạn trai của cô cũng đã cố gắng để có thể hiểu và thông cảm được cho công việc của Bích.

Hỏi về dự định xây dựng hạnh phúc riêng cho tương lai, nữ phi công trẻ ngập ngừng: “Tôi cũng muốn nghĩ đến hạnh phúc tương lai, nhưng công việc và những thử thách mới chỉ bắt đầu, nên tôi cần có thời gian để ổn định mọi thứ. Nhiều khi nghĩ đến đặc thù công việc, tôi cũng rất lo sợ người bạn đời tương lai sẽ không hiểu và chia sẻ được với mình, nhưng rồi tôi lại nghĩ, đã yêu nhau rồi thì chắc chắn chúng tôi sẽ vượt qua được tất cả”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu (Báo Giao thông))
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN