Nộp phạt qua tài khoản có triệt tiêu được “mãi lộ”?
Sau khi lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (ATGTQG) đưa ra thông tin sẽ xây dựng, hoàn thiện các văn bản để đưa hình thức nộp phạt vi phạm Luật Giao thông đường bộ qua tài khoản ngân hàng, ngay lập tức dư luận hướng về đề tài “nóng” này.
“Phát sốt” với thủ tục lòng vòng
Việc quy định người, tổ chức vi phạm Luật Giao thông đường bộ được nộp phạt qua tài khoản ngân hàng không phải là mới. Năm 2010, trong Nghị định 34 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đã có điều khoản về việc này. Khoản 2, Điều 52, Nghị định 34 quy định: “Việc thu, nộp tiền xử phạt tuân theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính được nộp tiền phạt bằng cách trừ vào tài khoản của mình tại ngân hàng”.
Người dân, tài xế vừa ngóng, vừa lo với nộp phạt qua tài khoản. Ảnh: C.T
Tới nay, sau 5 năm được quy định, việc nộp phạt qua tài khoản vẫn chưa từng được thực hiện, dù nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân. Theo các lái xe đường dài, cánh lái xe khách liên tỉnh là nhóm đối tượng hay bị các lực lượng chức năng phạt nhất. Thông thường cánh lái xe này được hưởng sự tiện lợi do địa phương diễn ra vi phạm thường nằm trên cung đường khai thác của tuyến nên việc nộp phạt đỡ tốn kém nhưng họ vẫn “ớn” với hành trình nộp phạt. “Thủ tục quá rườm rà, phần lớn các lỗi mắc phải đều không được phép nộp phạt tại chỗ nên lái xe phải lọ mọ đến cơ quan công an, thanh tra nhận quyết định xử phạt, sau đó tìm kho bạc của địa phương nơi xảy ra vi phạm để đóng phạt. Nghe qua thì ngắn gọn nhưng thực thi thì lòng vòng, nhanh thì mất một buổi, chậm thì đi tong cả ngày”, tài xế Đặng Văn Tài chạy xe tuyến Hà Nội - Đắk Lắk nói.
Không được hưởng lợi về luồng tuyến vì lâu lâu mới có chuyến công tác, đi chơi hoặc được thuê… chính là nhóm lái xe riêng, lái thuê cho các công ty du lịch, cho thuê xe có lái. Chính vì cung đường hoạt động không cố định nên đối tượng tài xế này dễ “ăn” phạt và đường nộp phạt cũng gian nan, lòng vòng nhất. “Làm ở Bắc Ninh, nhà ở Hà Nội, hiện đang đi học ở Hải Phòng. Lịch làm việc, học tập luôn kín đặc nên lần nào không may “dính” vi phạm khi đi trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng là đau đầu lần nấy. Lúc thì xin nghỉ làm một buổi để đi nộp phạt, khi thì phải xin nghỉ học để xử lý các thủ tục hậu vi phạm”, anh Nguyễn Thanh Tùng (đường 800A, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết.
Anh Dương Văn Nam, lái xe cho một công ty cho thuê xe có lái ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng từng rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi đi nộp phạt: “Có lần tới điểm nộp phạt, đỗ xe ở cổng kho bạc, nộp chưa xong đã nghe tiếng cảnh sát trật trự phát loa đọc biển số xe của mình oang oang yêu cầu ra để lập biên bản… phạt tiếp”.
“Mãi lộ” sẽ bị triệt tiêu?
Để gỡ khó cho dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính khi người dân vi phạm, bị xử phạt, mới đây, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG cho biết, cơ quan này sẽ xây dựng phần mềm có thể kết nối cơ sở dữ liệu từ đăng ký, quản lý xe, tai nạn giao thông, xử phạt, đăng kiểm, bảo hiểm. Với cơ sở dữ liệu này, kết hợp với lộ trình sang tên, đổi chủ phương tiện và sự vào cuộc của các đơn vị ngân hàng thì sẽ sớm triển khai việc xử phạt qua tài khoản. Để thực hiện, chủ phương tiện khi đăng ký xe phải mở tài khoản tại ngân hàng, nếu vi phạm và có biên lai của CSGT gửi về, tiền xử phạt sẽ được trừ trong tài khoản.
Như vậy, phải chăng không lâu nữa, người vi phạm sẽ đỡ khổ khi không may vi phạm luật giao thông. Liệu, khi đỡ mất công thì vi phạm có giảm và tiêu cực “hối lộ” lực lượng chức năng có bị triệt tiêu? Nhiều luồng ý kiến cho rằng, ngoài phạt tiền thì các lỗi vi phạm lớn đều có hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe, tạm giữ phương tiện. Do đó, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ có thể vẫn phải mất thời gian khi xử lý các thủ tục hành chính khi bị “áp” các hình phạt bổ sung. Do vậy, khi vi phạm, tài xế vẫn tìm mọi cách để “né” việc phải đi lại nhiều lần và từ đó hành vi cản trở, xin xỏ, “hối lộ” lực lượng chức năng vẫn có thể tiếp diễn.
Một vấn đề phát sinh mà người dân lo ngại chính là quy trình khiếu nại khi tài xế có cơ sở để khẳng định mình không vi phạm nhưng lực lượng chức năng thì cho là có vi phạm thì sẽ được giải quyết như thế nào? Trước đây, với quy trình cũ, thông thường người dân sẽ khiếu nại và nhận trả lời khiếu nại trước khi họ nộp phạt. Nếu khiếu nại đúng họ không phải đóng tiền phạt nhưng nay khi vi phạm, tiền trong tài khoản bị trừ liệu có được lấy lại? Mặt khác, hiện để nộp phạt phải có đầy đủ chữ ký của đại diện cơ quan chức năng ra quyết định phạt và người bị phạt. Trong trường hợp người vi phạm không ký thì tiền trong tài khoản của họ có được phép bị chuyển qua tài khoản của cơ quan thu tiền phạt? Rất nhiều câu hỏi đang chờ đơn vị soạn thảo văn bản hướng dẫn, để làm rõ quy trình nộp phạt qua tài khoản.