Nơi tảo hôn "sống khỏe": 18, 20 có mà ế!

Ở vùng cao, chuyện "bắt chồng", "bắt vợ" đã trở thành phong tục và hủ tục này ăn sâu vào đời sống của người dân. Khi "phép vua thua lệ làng", nhà nhà ép bé gái thành đàn bà và đó là lý do tại sao nạn tảo hôn vẫn "sống khỏe"…

Chờ đến mười tám, đôi mươi có mà ế!

Huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, "nổi" vì hiện tượng tảo hôn. Ở xã Nậm Giải của huyện này, không ít cặp uyên ương nhí tổ chức đám cưới rình rang. Người dân cố "nhắm mắt đưa chân" đã đành, đằng này, cán bộ địa phương lại "bỏ qua" dù không ít đám, họ được mời dự ăn cưới. Học đến cấp II là nhiều bé gái tính chuyện lấy chồng; bởi, để đến mười tám, đôi mươi thì sợ ế. Lấy chồng tuổi 14-15 đã trở thành chuyện "thường ngày ở huyện" và các thầy cô ở đây đã quen với chuyện bị "cướp" học sinh.

Một trong số ấy là vợ chồng Lê Văn H, trú tại bản Mờ, xã Nậm Giải. Là người cùng bản, H và vợ sớm nên duyên khi cả hai bên gia đình tác thành. Cô dâu hơn 13 tuổi, họ tổ chức đám cưới và giờ có con 4 tháng tuổi. Tất nhiên, cưới chui nên đứa trẻ chưa được khai sinh. Được hỏi về tương lai của con mình, H nói, mọi sự người lớn lo liệu cả rồi, hai vợ chồng không phải bận tâm. Khi nào đủ tuổi thì đăng ký kết hôn rồi khắc có giấy khai sinh cho con. Vậy là, đứa trẻ còn phải chờ 4 năm nữa để được công nhận quyền công dân của mình. Như lời ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch huyện Quế Phong, tục tảo hôn đã nhiễm vào tiềm thức của đồng bào dân tộc thiểu số nên không thể thay đổi nhận thức của họ trong một sớm, một chiều.

Nơi tảo hôn "sống khỏe": 18, 20 có mà ế! - 1

Một trẻ em bị "ép" sớm thành đàn bà, nhọc nhằn với đứa con thơ. Ảnh: TL

Huyện Kỳ Sơn cũng là cái tên được "xướng" lên khi người ta nhắc tới nạn tảo hôn. Tại những bản làng có đông đồng bào Mông sinh sống (Mường Lống, Mường Típ, Huồi Tụ, Nậm Cắn…), nữ sinh cấp II đã theo chồng bỏ cuộc "chơi". Hầu hết, các em nói, chỉ thích học nhưng bị bố mẹ ép duyên. Lấy nước mắt van xin cũng không thay đổi được nếp nghĩ của người lớn. Thậm chí, khi không chịu lấy chồng, học sinh nữ còn bị đánh, bị đuổi khỏi nhà. Một cô giáo của Trường THCS Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, cho hay, 3 năm qua, cô xót xa khi chứng kiến học sinh của mình bỏ lớp để làm vợ, làm mẹ. Gần đây nhất, em Vừ X C, Hờ Y K, lớp 7, đang học bỗng dưng xin nghỉ. Tưởng nhà có việc gì, hóa ra 2 em cưới nhau và người lớn dặn giấu cô giáo. Một tuần sau, cô giáo đến nhà vận động gia đình C cho 2 em đi học lại.

Theo một cán bộ tư pháp huyện Kỳ Sơn, mỗi năm ở các xã vùng núi của huyện có từ 3 - 5 cặp học sinh cưới nhau. Có đôi vợ chồng "teen" chưa tròn 12 tuổi; cưới rồi suốt ngày đánh, chửi nhau, thế là bỏ. Khi cưới lén lút nhưng khi "đường ai nấy đi" thì nhất quyết đòi UBND xã giải quyết. Tréo ngoe, nhiều cặp sinh nhưng loay hoay với đứa trẻ đỏ hỏn, thậm chí bỏ con lăn lóc dưới nền nhà để đi chơi. Hiện, chưa có con số đầy đủ về các cặp hôn nhân gia đình đang ở tuổi vị thành niên ở huyện Kỳ Sơn nhưng để hạn chế tình trạng tảo hôn, có xã đã dùng biện pháp mạnh là xử phạt hành chính các ông bố bà mẹ nếu ép con gái kết hôn sớm.

Thầy cố giữ trò…

Với nếp nghĩ, học rồi cũng chỉ để lên rẫy nên đa phần các bậc phụ huynh ở xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, chỉ mong con mình nhận mặt chữ là cho nghỉ. Khi việc học đứt gánh thì như vòng tròn luẩn quẩn, các nữ sinh độc có việc lấy chồng, sinh con. "Chúng tôi không chỉ có dạy chữ, trang bị kiến thức cho các em, mà còn phải vượt rừng vào bản để "giành" học sinh" - một thầy giáo ở Pả Vi tâm sự. Cứ học đến lớp 6 là các em học sinh nữ xin nghỉ phép rồi ở nhà luôn. Thầy, cô đến tìm hiểu mới té ngửa, các trò này đã “yên bề gia thất”. Thầy giáo này trăn trở, mất trò đã tiếc còn tiếc hơn cho số phận những đứa trẻ được sinh ra từ những ông bố, bà mẹ "miệng còn hơi sữa". Cứ thế, đời này qua đời khác sự thất học, không nghề nghiệp đeo bám khiến cuộc sống của bà con vùng cao không thể ngẩng đầu lên được. Để "giành" lấy học sinh, thầy giáo đã lặn lội tới nhà học sinh thuyết phục các em và phụ huynh. Nhưng dù họ có đồng ý quay lại với chuyện học hành thì khi vướng bận việc nhà, con cái thì chuyện đến trường chỉ còn trong mơ.

Nơi tảo hôn "sống khỏe": 18, 20 có mà ế! - 2

Một thầy giáo khác ở trường THCS huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, chia sẻ, hơn 10 năm giảng dạy ở vùng đất này, thầy biết, các nữ sinh chỉ chăm chăm lấy chồng chứ ít tập trung đèn sách. Ngay tại lớp thầy chủ nhiệm, Nguyễn V V và Phạm T S là đôi bạn học, cũng là vợ chồng. Sau khi cưới chui, các em ở nhà lo làm nương và “phấn đấu” sinh con. Nhưng thầy giáo đã vận động các em cố học xong lớp 9, tốt nghiệp THCS để có cơ hội học nghề mà thay đổi cuộc đời. Nghe thầy phân tích, bố mẹ V "ưng cái bụng" nên để cho các con tiếp tục học hành. Những ví dụ như V, S chỉ đếm trên đầu ngón tay ở vùng núi Ba Tơ này.

Mắt tròn, mắt dẹt nghe giảng về Luật Hôn nhân và Gia đình

Kể về hành trình đưa Luật Hôn nhân và Gia đình tới bà con vùng sâu, vùng xa, giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi Trần Thị Cẩm Tú không đếm xuể bao lần bà cùng đồng nghiệp băng rừng, vượt suối. Người phụ nữ này buồn vì chứng kiến những đứa trẻ còi cọc, chậm phát triển vì bố mẹ kết hôn mà chưa đủ tuổi.

Bà Tú nói, bà con vùng cao quen sống theo hủ tục, khi nghe cán bộ tuyên truyền giảng giải về độ tuổi kết hôn và những chế tài nếu vi phạm thì ai cũng mắt tròn, mắt dẹt. Lẽ ra, phải làm nghiêm, ngăn chặn tình trạng tảo hôn thì cán bộ UBND cấp xã lại phớt lờ, cả nể nên "tiếp tay" cho nạn tảo hôn. Vị giám đốc than, học sinh lấy chồng dưới 16 tuổi xảy ra như "cơm bữa"; như trường hợp vợ chồng Phạm V T, lớp 8 và Nguyễn Thị T, lớp 5 - cả hai đều trú tại huyện Ba Tơ. T giãi bày với bà Tú, một lần đi chơi, nhìn thấy T, T “ưng lắm” nên bảo bố mẹ nhờ "bà mối" thưa chuyện với nhà gái. Một tháng sau, hai họ làm đám cưới. Trở thành vợ chồng nhưng đôi trẻ không ở riêng luôn mà ăn nhờ, ở đậu để học làm nương rẫy, việc nhà; đến khi nào "đủ lông đủ cánh" mới tách ra.

Lý giải về tình trạng cưới chui của các đôi vợ chồng "teen", ông Đinh Văn Oang, Chủ tịch UBND xã Ba Xa, huyện Ba Tơ, cho rằng, chẳng ai báo cáo chính quyền khi tổ chức đám cưới. Thôn, bản cách trụ sở UBND xã 5 - 10km đường rừng nên cán bộ không thể quán xuyến được. Nạn tảo hôn ở xã Ba Xa khiến cho cuộc sống của đồng bào nơi đây mãi luẩn quẩn trong đói nghèo; xã có tới hơn 70% hộ nghèo.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tại 8 địa phương được chọn điểm khảo sát về tình trạng tảo hôn có 3.072 cặp tảo hôn; trong đó: Điện Biên 1.1.27 cặp; Gia Lai 974 cặp; Lào Cai 262 cặp: Kon Tum 232 cặp; An Giang 185 cặp; Đồng Tháp 179 cặp; Ninh Thuận 76 cặp; TP HCM 37 cặp.

Số cặp tảo hôn chiếm số lượng lớn là thuộc các dân tộc thiểu số (Điện Biên 99,9%), người dân tộc Kinh cũng chiếm tỷ lệ cao (TP HCM 94,5%; An Giang 60,5%, Đồng Tháp 100%).

Ngoài ra, ở tỉnh Sơn La, tảo hôn đã trở thành một tục lệ khó bề thay đổi. Do ở đây vẫn còn tồn tại tục cướp vợ. Ở tuổi 12, nhiều trẻ được gia đình tổ chức cướp vợ. Qua khảo sát của ngành tư pháp tỉnh Sơn La, có 47.665 trường hợp các cặp vợ chồng sống với nhau mà không đăng ký kết hôn; 101.036 trường hợp trẻ em ra đời đã lớn nhưng chưa được khai sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoa Đỗ (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN