Nỗi niềm sinh viên chạy grab mưu sinh

Sự kiện: Nhịp sống 24h

Ngày 19-10 vừa qua, giới học sinh, sinh viên nói riêng và dư luận nhân dân nói chung bàng hoàng trước thông tin một sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Giao thông vận tải tại TP Hồ Chí Minh bị sát hại khi đang chạy Grab (xe ôm công nghệ).

Nếu nhìn qua, có thể thấy chạy GrabBike là một công việc làm thêm “dễ” kiếm tiền, phù hợp với sinh viên (nên khá nhiều sinh viên đầu quân cho Công ty Grab). Song, đây cũng là một công việc rất vất vả, nhiều tai nạn nguy hiểm rình rập...

1. Là sinh viên năm cuối trường Đại học Thủy lợi, Nguyễn Hoàng Tuấn có đến gần 4 năm kinh nghiệm chạy Grab.

Tuấn có vóc người nhỏ, khuôn mặt xương xương, cả người cậu toát lên vẻ lam lũ. Duy chỉ có đôi mắt rất sáng, luôn hấp háy cười. Quê Tuấn ở một xã nghèo thuộc huyện Giao Thủy, Nam Định. Cả gia đình chỉ trông vào mấy sào vườn tạp. Từ nhỏ tới lớn, Tuấn sống trong cảnh nghèo túng. Dù không đến nỗi đói, song ngày nhỏ Tuấn vẫn rất tủi thân vì mình không có những đồ chơi, quần áo đẹp... như chúng bạn. Mấy năm học THPT, dù xa nhà cả chục cây số, Tuấn vẫn ngày ngày cặm cụi đạp xe. Trong khi các bạn đa phần đều có xe máy, xe đạp điện.

Lúc đầu Tuấn cũng không có ý định học đại học mà định kiếm một trường nghề nào đó, song họ hàng thấy cậu học giỏi nên động viên gia đình cho đi học. Gia đình làm đơn vay tiền ngân hàng để Tuấn có tiền nộp học phí. Thật may, sau khi nhập học ít ngày, một người bác cho Tuấn chiếc xe máy cũ. Từ đấy cậu tham gia đội ngũ xe ôm công nghệ.

"Để đăng ký tham gia chạy Grab, ngoài một chiếc xe máy thì sinh viên như em cần chuẩn bị thẻ sinh viên, giấy CMND, bằng lái, đăng ký và bảo hiểm xe máy để nộp cho công ty. Sau khi vượt qua 20 câu hỏi trắc nghiệm cùng một vài giờ hướng dẫn về nội quy công ty, quy tắc ứng xử với khách hàng, khi tham gia giao thông... em được cấp mã số đối tác và cài phần mềm GrabBike lên điện thoại để bắt đầu hành nghề. Ban đầu tụi em cũng chưa được cấp áo, mũ đồng phục đâu. Phải chạy được trên 10 "cuốc" thì mới quay trở lại công ty để nhận trang phục" - Tuấn nhớ lại.

Nỗi niềm sinh viên chạy grab mưu sinh - 1

Khá nhiều sinh viên năm thứ nhất, thứ hai tham gia chạy Grab để kiếm thêm thu nhập, đỡ đần gia đình.

Cuốc xe ôm đầu tiên của Tuấn là chở khách từ quận Thanh Xuân sang tận Long Biên, dài khoảng 17km mà Grab tính chỉ tầm 50 ngàn đồng. Công ty cắt phí 15%, như vậy Tuấn còn hơn 40 ngàn đồng. “Cảm giác cầm số tiền đầu tiên mình làm ra nó khác hẳn tiền bố mẹ cho hay tiền thưởng học sinh giỏi. Nó lạ lắm, lâng lâng hạnh phúc. Tổng kết tháng đầu tiên em chạy được khoảng 6 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí xăng xe và phí cho công ty), em đi mua ngay 1 đôi giày tốt giá 350 ngàn, mua cho mẹ một chiếc áo và cho em gái một thỏi son" - Tuấn kể, trên môi cậu nở nụ cười rất dễ mến.

Cũng trong những ngày đầu làm tài xế công nghệ, Tuấn đã gặp phải một tình huống mà có lẽ cậu sẽ nhớ đến... già.

Số là một buổi sáng tinh mơ, Tuấn bỗng nhiên nhận được cuộc gọi từ một cô gái. Sau một lúc nói chuyện, Tuấn mới nhớ ra mấy hôm trước cô gái (tên Hoài Thu) có đặt một cuốc từ Đại học Ngoại ngữ về nhà cô ta là một biệt thự nằm tại khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội). Cô gái khẩn thiết nhờ Tuấn chạy qua nhà để đưa... đi thi. “Thi cử gì giờ này” - dù nghĩ bụng thế nhưng vốn tính thương người nên Tuấn vội vệ sinh qua loa rồi phóng đến nhà cô gái.

Đến nơi, Tuấn bấm điện thoại thì Hoài Thu ngập ngừng nhờ cậu đi mua cho vài viên... Postinor (thuốc tránh thai khẩn cấp). “Nhưng giờ này thì làm gì có hiệu thuốc nào mở cửa?” - Tuấn thật thà hỏi. “Anh chạy ra mấy bệnh viện ấy, họ mở cửa 24/24 mà” - Thu trả lời.

Tuấn vội đến một bệnh viện gần đó, vào mua thuốc mà mấy cô dược sỹ cứ vừa liếc cậu vừa bụm miệng cười. Mua được thuốc rồi, Tuấn quay lại nhà cô gái bảo xuống lấy thì lại lâm vào cảnh oái oăm hơn. Hoài Thu bảo: “Em không dám xuống đâu, bố mẹ em biết thì chết. Anh chịu khó leo rào đưa cho em với. Phòng em ngay ở ban công tầng 3”. “Nhưng lỡ người ta phát hiện thì sao?” - Tuấn thắc mắc. “Anh cứ dựng xe ở xa xa, đi bộ rồi trèo lên. Khu nhà em vắng người nên không sợ”.

Cực chẳng đã, Tuấn đành làm theo lời cô gái bảo. May mà không có ai phát hiện ra. Sau chuyến giao hàng nhớ đời đó, khoảng một tuần sau Hoài Thu nhắn tin mời Tuấn đi uống trà sữa, rồi trả tiền công cả thể. Cô gái kể lại do tối hôm trước cô dự sinh nhật, uống rượu say rồi lỡ quan hệ với bạn trai. Lúc anh ta đưa về nhà, Thu gần như không biết gì.

Đến sáng hôm sau nhớ ra, thì sợ có bầu nên phải nhờ Tuấn. “Em xin lỗi vì đã làm phiền anh hôm ấy. Lúc ấy em không nghĩ ra ai khác cả. Thực sự em không biết là thuốc này uống trong vòng 24 giờ đầu vẫn có tác dụng. Em sợ có bầu quá...” - Hoài Thu vừa nói vừa cười khúc khích!

Dù gia cảnh không đến nỗi khó khăn, song Hoàng Văn Hải (sinh viên Đại học Bách khoa, quê Hưng Yên) vẫn đăng ký tham gia chạy Grab, để kiếm tiền học ngoại ngữ và để học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ năng sống.

Hải tâm sự, cái khó nhất cho sinh viên tỉnh lẻ như Hải khi bắt đầu chạy xe ôm là không thuộc đường. Dù có bản đồ trên điện thoại, song mỗi lần có khách, Hải đều chủ động hỏi khách có thuộc đường không thì chỉ giúp cho, bởi vừa lái xe vừa xem bản đồ sẽ không thể tập trung điều khiển xe. Bên cạnh đó, nhiều khi khách yêu cầu chạy theo những cung đường tắt cho nhanh. Sau khoảng 6 tháng, Hải dần dần nắm được các con phố, đường một chiều...

Nỗi khổ thứ hai của tài xế công nghệ như Hải là muốn có thu nhập thì phải chạy thường xuyên, không được hủy chuyến. Mà chạy nhiều thì rất mệt. "Trong giới sinh viên chạy Grab từng truyền tai nhau những cao thủ chạy "bạc áo" mỗi ngày kiếm được tới 1 triệu đồng. Song chạy kiểu đấy chả khác gì... bán máu. Để được như vậy, tài xế phải chạy từ 40-50 cuốc mỗi ngày, từ sáng sớm đến tối mịt. Trưa chỉ nghỉ ăn được khoảng 15 phút rồi lại bật máy lên đường. Còn nếu chạy không thường xuyên thì cũng ít "nổ" khách hơn, ngày được 1-2 cuốc chả bõ" - Hải kể.

"Khi mới vào Việt Nam, chính sách chiết khấu của Grab là 15% cho mỗi cuốc, đồng thời cũng liên tục có chính sách khuyến khích, tặng điểm thưởng cho tài xế. Nhưng, khoảng từ cuối năm 2017, mỗi chuyến dịch vụ này chém phăng hơn 20% số tiền khách trả. Đường Hà Nội thì đông đúc, nhất là giờ cao điểm. Nhiều khi đưa khách đi khoảng 2 cây số, mà mất đến 45 phút đồng hồ. Tiền thu được chẳng đáng là bao.

Nếu sáng học thì chiều em chạy cho đến tốt mịt, vắt kiệt sức thì kiếm được khoảng 200 ngàn đồng, tạm đủ chi phí cho việc thuê nhà, sinh hoạt trên Hà Nội. Nhiều sinh viên không chịu nổi sự khắc nghiệt của nghề, đăng bán tài khoản, bán áo mũ và bỏ nghề” - Hải tâm sự.

Có thể nói, nghề làm tài xế “xe ôm” công nghệ đã giúp cho nhiều sinh viên như Tuấn, như Hải có thể kiếm được đủ tiền để thanh toán cho các khoản thuê nhà, sinh hoạt nơi đô thành đắt đỏ. Nếu chịu khó và chi tiêu tiết kiệm thì còn có dư tiền để gửi về quê đỡ đần cha mẹ.

Tuy nhiên, nghề này cũng chứa đựng không ít những nhọc nhằn, rủi ro thường trực.

2. Chỉ tay vào vết sẹo chạy dài trên đầu gối, Tuấn kể lại cho tôi lần tai nạn mà cậu gặp phải, sau khi gia nhập đội ngũ xe ôm công nghệ khoảng một tháng.

"Buổi tối hôm ấy, em thấy điện thoại "nổ" cuốc xe từ bến xe Mỹ Đình về phố Lê Duẩn (quận Đống Đa). Vừa bấm vào chỗ nhận khách thì em cũng nhận được tin nhắn báo mẹ em ốm nặng, thu xếp về quê sớm. Do đang ở đường Phạm Hùng, em tính chạy nốt cuốc này rồi tiện đường chạy xuống bến xe Giáp Bát vẫn kịp chuyến xe cuối. Tuy nhiên, khi đến một ngã tư, dù chạy không quá nhanh nhưng em bị một cặp thanh niên đi xe SH tạt đầu ngã lăn ra, đầu gối còn bị mài xuống đầu nhọn của một thanh kim loại, chảy rất nhiều máu. Em vẫn gắng gượng lết về nhà. Mấy hôm sau mới về quê thăm mẹ. Sau tai nạn ấy, em cũng phải nghỉ chạy Grab mất 2 tuần" - Tuấn nhớ lại.

Những ngày đầu chạy Grab, ngoài việc không thuộc đường thì Hải còn mấy lần bị các tài xế xe ôm truyền thống xua đuổi khi vào các bến xe đón khách. Thậm chí có lần đang đứng ở bến xe Gia Lâm, Hải còn bị một đối tượng cho ăn một cái "nồi cơm điện" (mũ bảo hiểm) vào đầu. Hải bảo, rút kinh nghiệm, những lần tiếp theo cứ đón khách ở bến xe, nhà ga... thì em đều đứng cách một quãng xa. Nếu khách phàn nàn thì giải thích là họ hiểu và thông cảm.

“Em có tham gia một nhóm trên mạng xã hội chuyên dành cho sinh viên làm Grab. Nếu nhỡ bị bắt nạt, lên nhóm chia sẻ thường được dân cùng nghề đến giúp đỡ. Tuy vậy, cũng có một số đối tượng thường vào nhóm rủ chơi bi-a, đánh bài ăn tiền lúc rỗi rãi. Có sinh viên không đủ bản lĩnh, đã cắm cả xe máy là phương tiện hành nghề để nướng vào những cuộc đỏ đen” - Hải cho chúng tôi biết thêm.

Nỗi niềm sinh viên chạy grab mưu sinh - 2

Lê Đình Vui - đối tượng cướp xe của nam sinh chạy Grab để lấy tiền ăn chơi.

Ký ức hãi hùng nhất trong quãng thời gian chạy Grab có lẽ thuộc về Hoàng Trung N. (21 tuổi, quê Bắc Giang). N. nhớ lại tối ngày 27-7-2018, em đang đứng đón khách tại bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) thì gặp một thanh niên dong dỏng đến đề nghị chở về huyện Thanh Oai.

Sau khi thống nhất giá tiền, đối tượng lên xe và giới thiệu tên là Tuấn Anh. Thanh niên này còn tỏ ra "hào sảng", mời N. cùng ăn tối tại một quán ven đường. Về đến Thanh Oai, Tuấn Anh bảo N. đứng ngoài còn hắn ta vào một ngõ nhỏ gần đó khoảng 5 phút rồi quay ra và tiếp tục yêu cầu N. chở về Chương Mỹ để đòi tiền nợ.

N. không ngờ khi đến đoạn đường bê tông Hòa Phú thuộc thôn Phú Nam An (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cậu dừng xe đi vệ sinh thì bất ngờ cảm thấy... lành lạnh ở bụng. Đối tượng hiện nguyên hình là một tên cướp, gằn giọng bảo N. đưa giấy tờ xe, điện thoại cho hắn. Sau đó tên cướp leo lên xe biến mất, bỏ lại cậu sinh viên vẫn còn bàng hoàng, run sợ.

Hôm sau, được sự động viên của gia đình, bạn bè, N. đã lên Công an huyện Chương Mỹ trình báo. Với sự vào cuộc tích cực, tối ngày 29-7, các trinh sát Đội cảnh sát hình sự Công an huyện đã bắt được đối tượng gây án tại Thanh Hóa. Gã tên thật là Lê Đình Vui (32 tuổi, trú tại xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ). Gã khai do thiếu tiền ăn chơi nên đã nảy sinh ý định cướp xe ôm. Sau khi cướp được xe của anh N., Vui đem bán cho một cửa hiệu cầm đồ lấy 13 triệu đồng. Gã mua một chiếc điện thoại di động mới rồi lên xe vào Sầm Sơn (Thanh Hóa) để ăn chơi.

Một sinh viên khác là anh Nguyễn Văn L. (22 tuổi, quê Nghệ An) cũng từng bị cướp khi chạy Grab. Tối 23-8-2018 anh L. nhận được cuốc xe tại khu vực ngõ 260 Tân Mai, quận Hoàng Mai. Khi đến nơi, một thanh niên leo lên xe bảo anh chở lòng vòng sang khu vực các phường Đại Kim, Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai).

Khoảng 22 giờ cùng ngày, khách bảo anh L. chở vào tuyến đường vắng gần chùa Linh Đường, phường Hoàng Liệt. Tại đây, đối tượng bất ngờ rút dao khống chế, bắt anh L. đưa điện thoại di động và tiền. Sợ quá, anh L. vội nhảy xuống một cái giếng cạn gần đó. Đối tượng liền cướp chiếc xe rồi phóng đi mất. Ít ngày sau, Công an quận Hoàng Mai đã bắt giữ hung thủ của vụ cướp. Gã là Nguyễn Minh Đạt (24 tuổi, trú ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo một chỉ huy Đội chống tội phạm cướp, cướp giật thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, thời gian gần đây trên địa bàn thành phố đã xảy ra một số vụ cướp nhằm vào tài xế xe ôm nói chung, và Grab nói riêng. Để tránh việc trở thành miếng mồi cho các đối tượng, tài xế cần hết sức cảnh giác khi hành nghề buổi tối, ban đêm. Đặc biệt cảnh giác khi khách đề nghị chở đến những huyện ngoại thành, những cung đường vắng người qua lại.

Nếu rơi vào thế bị tấn công, cần giữ bình tĩnh bảo toàn tính mạng và tìm sơ hở của đối tượng để thoát khỏi sự khống chế, tấn công của tên cướp và hô hoán nhờ sự giúp đỡ của mọi người xung quanh.

Nỗi niềm nam giới làm nghề giúp việc

Nhiều trường hợp thuê nam giúp việc nhà thực ra chỉ là cái vỏ bọc của bà chủ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Minh Tiến ([Tên nguồn])
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN