Nơi góa phụ bị ép "thất tiết" cùng trai lạ
Tại Malawi - quốc gia ở miền đông châu Phi đang tồn tại một hủ tục kỳ quái: buộc các góa phụ phải ngủ với một người đàn ông lạ ngay sau khi chồng qua đời để làm “thanh tịnh tâm hồn”. Từ hủ tục này đã hình thành nên một dịch vụ cũng kì quái không kém: “Ngủ thuê với bà góa”.
Mức phí “dịch vụ” đắt đỏ, nguy cơ nhiễm bệnh cao và đặc biệt là sự tổn thương đã khiến nhiều phụ nữ rơi vào bi kịch. Những hành động phản kháng đầu tiên của phụ nữ nước này gần đây đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Vợ của các “thợ ngủ” lại ủng hộ vì tiền Trong khi cả xã hội Malawi lẫn cộng đồng quốc tế đang nỗ lực xóa bỏ hủ tục này, thì thật ngạc nhiên là chính các bà vợ của những “thợ ngủ” chuyên cung cấp “dịch vụ tẩy rửa tâm hồn góa phụ” lại lên tiếng ủng hộ. Theo các chuyên gia, điều này có thể giải thích là do sự nhận thức thấp kém của một bộ phận phụ nữ nước này trong tình cảnh thu nhập bấp bênh và trải qua thời gian dài sống dưới chế độ đa thê. Ở đó, so với mặt bằng thu nhập chung của người dân Malawi thì giúp “góa phụ tẩy uế” quả là một công việc hái ra tiền. Thêm vào đó, tại quốc gia châu Phi này, hiếm có bà vợ nào nơi đây được độc chiếm ông chồng mà thường là phải san sẻ, “xài chung” với vài bà khác nữa. Thế nên, nếu chồng họ có thi thoảng “giúp đỡ” thêm một bà góa nào đó và mang về 50 USD tiền thù lao thì đó lại là một việc tốt lành. |
Quan niệm kì quái tồn tại hàng thế kỷ
Câu chuyện về phong tục “tẩy uế” của các góa phụ Malawi một lần nữa cho thấy, sự khác biệt giữa những nền văn hóa đôi khi lớn đến mức trái ngược nhau. Nếu như ở các nước phương Đông, việc thủ tiết thờ chồng luôn đem lại cho các góa phụ những lời ngợi ca về đức hạnh, thì tại quốc gia châu Phi xa xôi này, phải “thất tiết” mới là có nghĩa với người chồng đã khuất.
Theo phong tục đã được lưu truyền từ hàng ngàn năm nay, một khi người chồng qua đời, sau khi lo tổ chức lễ an táng xong, một việc quan trọng mà các góa phụ phải làm là… tìm một người đàn ông xa lạ và ngủ với họ. Những người dân ở đây tin rằng, nếu người vợ không chịu “thất tiết” như vậy thì cho dù đã mồ yên mả đẹp, người chồng vẫn sẽ không thể yên nghỉ được. Linh hồn của họ sẽ tìm về quấy quả vợ con, gia đình và nguyền rủa họ. Chỉ khi người vợ ân ái với một người đàn ông khác, chuyện tồi tệ này mới chấm dứt.
Hầu như tất cả các góa phụ Malawi đều phải trải qua thủ tục này. Niềm tin của bản thân và gia đình đã thôi thúc họ chấp nhận nhắm mắt đưa chân, chịu đựng một lần cho xong. Dù theo đà hội nhập với thế giới, xã hội Malawi ngày nay đã phát triển hơn trước rất nhiều nhưng phong tục kỳ quái này không vì thế mà bị mai một. Nó vẫn khẳng định được tính bất biến của mình, thậm chí còn được “chuyên nghiệp hóa” với việc ra đời của dịch vụ cung cấp những người đàn ông sẵn sàng giúp các góa phụ “tẩy uế”. Cái giá phải trả cho một lần “thất tiết” như vậy trung bình khoảng 50 USD.
Đây quả là một tổn thất nặng nề cả về tình cảm lẫn vật chất, bởi các góa phụ thường phải thực hiện nghi lễ này càng sớm càng tốt, khi họ vẫn còn vô cùng đau buồn trước cái chết của chồng. 50 USD cũng là một mức giá quá cao so với mức thu nhập bình quân chưa đến 1 USD mỗi ngày của người dân nước này. Dẫu vậy, nhiều góa phụ vẫn phải cắn răng chấp nhận làm dịch vụ, khi bản thân không còn lòng dạ nào quyến rũ những người đàn ông xa lạ để đưa họ lên giường, nhằm thực hiện nghi thức “tẩy uế”. Đàn ông xứ này cũng coi việc quan hệ với gái góa theo kiểu “tình một đêm” như thế sẽ đem lại sự xui xẻo, nên dù được “sex” miễn phí, họ cũng không hứng thú gì.
Nhiều phụ nữ trẻ Malawi đang bắt đầu đấu tranh để xóa bỏ các hủ tục
Ở Malawi, không ai có thể giải thích đầy đủ và rõ nghĩa hơn về hủ tục kỳ quái này. Nhiều người cho rằng, cái chết là chưa đủ để chia lìa tình cảm vợ chồng. Linh hồn người chồng sẽ vẫn bám theo vợ con, gia đình và chỉ chịu từ bỏ khi vợ “thất tiết” với một người đàn ông khác. Nhưng lý giải này không giải thích được tại sao, linh hồn người chồng sẽ đem lại tai họa và nguyền rủa cho vợ con, chứ không phải là để “phù hộ” cho họ như người phương Đông quan niệm.
Một số khác lại nói, việc bắt người vợ phải thất tiết cũng chính là trao cho họ cơ hội được tái giá. Điều này thoạt nghe thì có vẻ cũng hợp lý, bởi ở Malawi, hơn 50% phụ nữ lập gia đình khi tuổi chưa tới 18. Do tuổi thọ trung bình của người dân nước này không cao, mà chồng thì thường nhiều tuổi hơn vợ, nên tỷ lệ “gái góa” ở đây tương đối lớn. Nhưng trong thực tế, tại Malawi chưa từng ghi nhận trường hợp góa phụ nào tái giá với chính người đàn ông đã giúp mình “tẩy uế”. Hơn nữa, lý do tưởng như đầy tính nhân văn này cũng không thể biện minh được cho hủ tục thiếu tình người, đặc biệt là việc thúc ép các góa phụ phải thất tiết càng sớm càng tốt, ngay sau đám tang của chồng họ.
Góa phụ “méo mặt” vì “được sung sướng”
Tại Malawi, trong những năm gần đây bắt đầu xuất hiện nhiều tiếng nói lên án việc “tẩy uế” này và kêu gọi phải xóa bỏ hủ tục này. Nhiều tổ chức hoạt động xã hội, đấu tranh bênh vực nữ quyền cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về các hệ lụy mà các góa phụ phải chịu đựng. Nữ luật sư Seodi White là một trong những người đi đầu trong phong trào này. Xuất thân trong gia đình cơ bản, được hưởng nền giáo dục hiện đại từ sớm, bà Seodi White đạt đến trình độ học vấn rất cao. Bà thậm chí từng được nhận bằng tiến sĩ luật tại Botswana, trước khi sang Anh nghiên cứu về giới và phát triển. Nhờ sự thành đạt này, tiếng nói của bà đã thu hút được sự chú ý của đông đảo dư luận Malawi cũng như sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
Theo bà Seodi White, việc “thất tiết” đem lại nhiều nguy hiểm không chỉ cho các góa phụ. Nguy cơ hàng đầu là việc các căn bệnh lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ lây lan qua nghi thức cổ hủ này, cho cả hai phía, đặc biệt là HIV/AIDS. Trình độ dân trí thấp và thói quen quan hệ tình dục không an toàn, không sử dụng bao cao su…, càng khiến tình trạng này trầm trọng hơn trong những năm gần đây. Một người đàn ông chuyên làm nghề “tẩy uế” cho góa phụ tại nước này đã tiết lộ, mình bị nhiễm HIV/AIDS từ nhiều năm nay nhưng vẫn tiếp tục “hành nghề” vì khoản thu nhập “mơ ước” được trả. Điều đáng nói, người đàn ông nói trên không phải là trường hợp cá biệt. Bà Seodi White cho biết, 60% số người nhiễm HIV/AIDS ở Malawi là phụ nữ và nghi thức “tẩy uế” quái đản kia chính là một trong những con đường nhanh nhất đẩy họ trở thành nạn nhân của căn bệnh thế kỷ.
Chấn thương tâm lý đối với những người phụ nữ phải “tẩy uế” cũng là một vấn đề nhức nhối. Việc phải “vui vẻ” với người đàn ông khác khi chồng vừa mới qua đời, nỗi đau tinh thần còn chưa kịp nguôi ngoai đã khiến nhiều người lâm vào tình trạng bị sốc, trầm cảm… Một bộ phận “góa phụ” vì cùng quẫn trí đã tìm đến đến cái chết. Bởi những hệ quả khủng khiếp mà nó mang lại, nên dù biết đó tập tục lâu đời và “nhiều người khác cũng thế” nhưng theo đà tiến bộ trong nhận thức chung, nhiều góa phụ trẻ Malawi thực sự cảm thấy ghê tởm hủ tục này. Họ đang tìm cách chống lại, thay vì chấp nhận nó. Sự thay đổi về nhận thức này cũng là nguyên lý giải tại sao, những tổ chức vận động xóa bỏ hủ tục buộc “góa phụ thất tiết” đang nhận được sự tán đồng mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước.
Các chiến dịch truyền thông đã bước đầu thu được hiệu quả, khi ngày càng có nhiều góa phụ trẻ nói “không” với “tẩy uế” khi chồng họ chẳng may qua đời. Với những người đàn ông đang làm công việc này, cũng có những dự án chuyển đổi nghề nghiệp cho họ, để chấm dứt dần dịch vụ giúp góa phụ “thất tiết” đầy… thất đức này. Bà Seodi White nói, trước mắt tổ chức của bà sẽ phát bao cao su và vận động những “chuyên gia” này sử dụng. Về lâu dài, cần phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền vận động để nâng cao hiểu biết của người dân nước này.
Chia sẻ với truyền thông quốc tế, bà Seodi White cho biết, xóa bỏ hoàn toàn hủ tục lâu đời của dân tộc mình sẽ cần một hành trình đầy gian khó. Nhưng từ trong sâu thẳm, bà vẫn tin khi khi ý thức của dân chúng được nâng cao, nước mắt người phụ nữ Malawi sẽ không phải rơi, thân xác người phụ nữ Malawi sẽ không còn bị hành hạ vì hủ tục kinh hoàng này trong tương lai không xa nữa.