Nỗi đau “xứ mù”
Nhiều người không gọi Vĩnh Châu - Sóc Trăng là “xứ hành” mà là “xứ mù”. “Nghe gọi quê mình là xứ mù, tụi tôi đau lắm!” - nhiều cán bộ và người dân thị xã Vĩnh Châu chua chát
Trên bờ đê gió cát ở “thủ phủ hành tím” Vĩnh Châu, một phụ nữ gầy nhom chậm chạp đi ngược chiều. Đến gần, tôi nhận ra bà đã bị hư một mắt, con còn lại cũng kèm nhèm. Bà cho biết tên Lâm Thị Xà Phước, ngụ xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu. “Hai mắt tôi bị như vậy đã hơn 7 năm nay. Nhà tôi có đến 3 người mù, trong đó chồng và con dâu bị cả hai mắt” - bà rầu rĩ.
Đều là người nghèo
Trong ngôi nhà lá mục nát, ông Huỳnh Văn Thành, chồng bà Phước, ngồi ngó mông lung ra cánh đồng xác xơ sau mùa thu hoạch củ hành nhưng có thấy gì đâu! Ông Thành cho biết hồi 3 tuổi, một lần theo cha mẹ đi cắt hành thuê, ông nghịch phấn - chất bảo quản củ hành - rồi đưa tay quệt mắt. Từ đó, mắt phải của ông mờ dần rồi mù hẳn. 17 năm trước, mắt trái của ông cũng không còn thấy được gì. “Nhà mất đi lao động chính, chỉ còn vợ tôi đi cắt hành thuê, không nuôi sống nổi gia đình 5 người nên 3 đứa con nhỏ đều không được đi học, thường xuyên qua hàng xóm xin ăn” - ông nghẹn lời.
Hai vợ chồng ông Huỳnh Văn Thành chỉ còn một mắt
Cũng như chồng và nhiều người khác ở Vĩnh Châu, bà Phước không tránh khỏi thân phận nghiệt ngã của những người đi cắt hành thuê. “Trong một lần trộn phấn, tôi đã để bụi dính vào mắt. Tối về bị đau, xốn, sáng ra thì một con mắt của tôi không nhìn thấy gì. Gom góp tiền đến bệnh viện, tôi bàng hoàng khi nghe bác sĩ bảo phải bỏ đi một mắt để giữ con còn lại. Vài năm sau, đến lượt con dâu tôi bị mù cả hai mắt khi mới 25 tuổi” - bà buồn bã.
Hằng ngày, bà Phước phải đi chặt củi thuê để kiếm sống. Đến mùa thu hoạch củ hành, nhiều người rủ đi cắt thuê để kiếm tiền nhưng bà từ chối vì sợ mất luôn con mắt còn lại.
Hầu hết các trường hợp mù lòa ở Vĩnh Châu đều là người nghèo không đất, phải làm thuê, làm mướn đắp đổi qua ngày. Khi mắt còn sáng, họ phải chạy ăn từng bữa, đến lúc mù lòa thì cuộc sống càng bế tắc. Ông Lâm Âu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Lạc, nơi có nhiều người mù nhất thị xã Vĩnh Châu, cho biết: “Chúng tôi đã vận động nhiều nơi giúp đỡ người mù trong xã vượt qua khó khăn nhưng biết bao nhiêu cho đủ! Đa số họ là lao động chính, khi bị mù lòa thì lại trở thành gánh nặng cho gia đình” - ông nói.
Liên quan đến việc trồng hành?
Ông Âu đưa bảng danh sách người mù mới vừa thống kê ở xã Hòa Lạc để xin hỗ trợ. Tôi ngỡ ngàng với con số trên 250 người nhưng ông Âu khẳng định thực tế còn nhiều hơn. Ông Lâm Tha, người chuyên lập danh sách người mù của ấp Đại Bái B, xã Hòa Lạc để gửi các tổ chức từ thiện, cho biết ấp này chỉ có 300 hộ nhưng số người mù lên đến trên 100.
“Vẫn chưa ai xác định nguyên nhân gây mù lòa là do đâu. Nhiều ý kiến cho rằng do người dân dùng nguồn nước ô nhiễm từ nước tưới tiêu các ruộng hành vốn trộn đầy hóa chất, thuốc trừ sâu. Người khác lại đoán do vùng này nhiều bụi cát, lúc lao động bị bay vào mắt, chỉ cần lấy tay quệt là rách giác mạc. Trong khi đó, nhiều người nghiêng về giả thiết do chất cay nồng của củ hành hoặc phấn bảo quản trộn với thuốc trừ sâu, vì những người mù lòa đều thường xuyên tiếp xúc với chất độc hại này” - ông Tha nhìn nhận.
Nguyên nhân gây mù lòa cho nhiều người ở Vĩnh Châu vẫn còn là điều bí ẩn với cả các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có một thực tế là những người mù đều ở vùng chuyên canh hành tím và đa số từng làm công việc trộn chất bảo quản củ hành. Những người mù ở Vĩnh Châu cũng khẳng định “tại phấn hành”.
Tôi vào một nhà dân vừa thu hoạch củ hành tím khi họ đang trộn phấn ủ củ hành bảo quản để không bị hư. “Trước đây, chúng tôi dùng DDT để bảo quản nhưng chính quyền địa phương đã cấm vì chất này quá độc hại nên bà con chuyển sang dùng Mipcin. Cứ 1 tấn củ hành thì trộn 1 bao bột đất sét khoảng 40 kg với 2-4 kg thuốc Mipcin. Nếu không trộn phấn bảo quản thì chỉ trong vòng 1 tuần, củ hành hư thối hết, còn khi đã trộn phấn rồi thì có thể để cả năm mà không hề hấn gì” - chủ nhà giải thích. Đang nói chuyện, lo khách bị nóng nực, bà chủ nhà mở quạt máy. Bụi phấn vụt bay trắng xóa cả căn nhà. Tôi vội chạy ra sân để tránh bụi phấn bay vào mắt...
Một cán bộ ở xã Hòa Lạc khẳng định thuốc trừ sâu Mipcin cũng đã bị cấm dùng bảo quản hành. “Người dân ở đây vẫn theo thói quen dùng Mipcin có chứa hoạt chất methyl parathion làm phấn ủ củ hành. Dù chính quyền đã cấm sử dụng chất độc này nhưng người dân vẫn bất chấp, hậu quả thì chỉ những người dân nghèo làm thuê lãnh đủ” - ông trăn trở.
Trên 1.500 người mù Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành y tế thị xã Vĩnh Châu, hiện khu vực này có khoảng 1.500 người mù lòa không phải bẩm sinh. Con số này cách nay 10 năm là 2.900 người. Theo BS Lê Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Sóc Trăng, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế tỉnh Sóc Trăng kết hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương khảo sát đánh giá nguyên nhân để tìm hướng khắc phục. “Chúng tôi đã khảo sát rất kỹ, thậm chí thực hiện cả công trình nghiên cứu về bệnh mù mắt ở Vĩnh Châu. Kết quả cho thấy ở một số xã chuyên trồng hành tím có nhiều người bị mù. Trong đó, một nhóm do tiếp xúc với củ hành, hơi cay nồng của củ hành xộc vào mắt, theo quán tính, bà con dùng tay đang lao động quệt vào mắt gây tổn thương giác mạc. Sau đó tự ý mua thuốc Dexamethason về nhỏ mắt dẫn đến mù. Nhóm còn lại do bệnh đục thủy tinh thể ở người già”. |