Những vụ án oan chấn động thế giới (Kỳ 2)

Có những người bị treo cổ chỉ vì lời khai vu vơ của nhân chứng, có những người may mắn thoát chết nhưng bị chôn vùi tuổi xuân trong ngục tù vì sai lầm của cảnh sát.

Luật gia nổi tiếng người Anh William Blackstone đã từng viết: “Thà bỏ sót 10 người phạm tội còn hơn để một người vô tội phải chịu án oan.” Khái niệm này đã được nhiều người trên thế giới chấp nhận, và nó trở thành nền tảng cho các sinh viên trường luật ngay từ những năm đầu tiên.

Mặc dù trong quy định của hệ thống tư pháp nước Mỹ, một người vẫn được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, thế nhưng vẫn có những trường hợp những người vô tội bị kết án một cách vội vàng, thậm chí có nhiều người đã bị tử hình đầy oan khuất.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ giám định ADN, nhiều vụ án oan đã được làm sáng tỏ, nhiều nạn nhân đã được minh oan trong những vụ án từng làm chấn động dư luận thế giới. Chúng tôi tiếp tục giới thiệu với độc giả những vụ án mà những người bị kết án là nạn nhân của những nhận định và phán quyết sai lầm trong hệ thống tư pháp các nước trên thế giới.

4. Mahmood Hussein Mattan (Được minh oan và bồi thường sau khi bị treo cổ)

Ngày 6/3/1952, người ta phát hiện bà Lily Volpert, 42 tuổi chết trong cửa hàng bán đồ tạp hóa của mình ở khu bến cảng của vùng Cardiff, Anh. Cổ họng nạn nhân bị cắt đứt bằng một lưỡi dao cạo, và số tiền vài trăm bảng đã bị lấy đi.

Chỉ trong vòng vài giờ, cảnh sát thành phố Cardiff đã bắt giữ Mahmood Hussein Mattan, một cựu thủy thủ da đen gốc Somalia sống ở khu vực này, và chỉ 10 ngày sau đó, ông này bị truy tố với tội danh sát hại bà Volpert.

Những vụ án oan chấn động thế giới (Kỳ 2) - 1

Mahmood Hussein Mattan bị treo cổ vì những lời khai mơ hồ

Khi cảnh sát khám xét nhà của Mattan, họ phát hiện một chiếc dao cạo bị mẻ và một đôi giày dính máu, tuy nhiên họ không phát hiện ra bất cứ bộ quần áo vấy máu nào cũng như số tiền bị đánh cắp trên.

Phiên tòa xét xử Mattan được tổ chức ở Swansea vào tháng 7/1952, với chứng cứ buộc tội duy nhất là lời khai của Harold Clover, một người gốc Jamaica có tiền án hành hung, người sau đó được nhận khoản tiền thưởng 200 bảng Anh từ gia đình Volpert.

Clover tuyên bố rằng đã nhìn thấy Mattan đi ra khỏi cửa hàng của bà Volpert, mặc dù trước đó anh ta đã xác định người mà anh ta nhìn thấy là một người Somali khác tên là Taher Gass. Bồi thẩm đoàn đã không được biết chi tiết này cũng như nhân thân của Clover trong suốt phiên tòa.

Bồi thẩm đoàn cũng không được phía cảnh sát thông báo rằng 4 nhân chứng đã không thể xác định được nghi phạm trong buổi nhận diện. Một cô gái 12 tuổi khẳng định rằng Mattan không phải là người đã xuất hiện ở cửa hàng, tuy nhiên cảnh sát đã phớt lờ lời khai này và không đưa cô bé ra trước tòa. Ngoài ra, đôi giày dính máu mà cảnh sát tìm thấy trong nhà lại chính là đôi giày mà Mattan mượn của Clover, và cảnh sát cũng không hề xét nghiệm pháp y đối với những mẫu máu tìm thấy trên đôi giày này.

Ngày 24/7/1952, Mattan đã bị kết tội trong vụ sát hại Lily Volpert và thẩm phán tuyên bố án tử hình đối với ông này. Mattan đã bị từ chối quyền kháng cáo, và đến tháng 9/1952, ông ta bị treo cổ tại nhà tù Cardiff. Ông là tử tù cuối cùng bị treo cổ tại nhà tù này.

Năm 1998, khi Ủy ban Soát xét các vụ Phạm tội được thành lập, vụ Mattan là trường hợp đầu tiên được ủy ban này rà soát. Ngày 24/2/1998, Tòa Phúc thẩm tuyên bố rằng phán quyết đưa ra trong vụ án này “còn nhiều khiếm khuyết”. Do đó, gia đình của Mattan đã được bồi thường 725.000 bảng Anh chia đều cho vợ và 3 người con của ông. Đây là khoản tiền bồi thường đầu tiên cho gia đình của một tử tù bị treo cổ oan ở nước Anh.

5. George Kelly (Được minh oan sau khi bị treo cổ)

Đêm 19/3/1949, một người đàn ông bịt mặt mang theo một khẩu súng lục xông vào rạp chiếu phim Cameo ở thành phố Liverpool, nước Anh. Khi chủ rạp Lonard Thomas và người trợ lý Bernard Catterall không trao túi tiền cho tên cướp, hắn đã nổ súng bắn chết cả 2 người rồi nhanh chân tẩu thoát khi các nhân viên trong rạp đổ xô tới trợ giúp ông chủ.

Do mức độ tàn bạo của vụ án này, sở cảnh sát thành phố Liverpool đã tổ chức một cuộc truy lùng quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở nước Anh để truy tìm hung thủ. Cảnh sát đã thẩm vấn tới 65.000 người để lần tìm manh mối, tuy nhiên cuộc điều tra của họ vẫn lâm vào bế tắc.

Vài tháng sau đó, cảnh sát nhận được một bức thư của hai tội phạm là gái mại dâm Jacqueline Dickson và nhân tình James Northam rằng họ muốn tố cáo hung thủ vụ giết người trên để đổi lại việc khoan hồng cho tội trạng của mình. Lá thư tố cáo này đã dẫn đến việc bắt giữ Charles Connolly, 26 tuổi và Georgie Kelly, 27 tuổi.

Những vụ án oan chấn động thế giới (Kỳ 2) - 2

Georgie Kelly từng bị coi là một sát thủ máu lạnh

Mặc dù 2 người này nói rằng họ chưa hề gặp nhau và cả hai đều đưa ra được chứng cứ ngoại phạm thuyết phục trong đêm xảy ra vụ án mạng, tuy nhiên cảnh sát vẫn quyết định truy tố cả 2 người với tội danh giết người.

Cả hai bị đưa ra xét xử trước tòa án Assizes ở Liverpool với cáo trạng của công tố viên rằng Kelly chính là sát thủ đã nổ súng giết 2 nạn nhân, còn Connolly đóng vai trò là kẻ cảnh giới cho kế hoạch cướp tiền.

Tuy nhiên công tố viên không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào khác ngoài lời khai này, và bản thân lời khai đó cũng mơ hồ đến mức tòa phải quyết định trả hồ sơ điều tra lại từ đầu.

Trong phiên tòa xét xử sau đó, Kelly bị tuyên bố là có tội và bị phán quyết tử hình bất chấp việc bị cáo này liên tục kêu oan. Còn Connolly được tòa tạo cơ hội cho phép thừa nhận tội trạng để được hưởng khoan hồng. Trước “tấm gương” của Kelly, Connolly đã phải chấp nhận đề nghị trên của tòa và thừa nhận tội trạng và được hưởng mức án 10 năm tù.

Với lời nhận tội của Connolly, Kelly hết cơ hội kháng cáo và bị thi hành án tại nhà tù Walton vào ngày 28/3/1950. Trước khi lên giá treo cổ, Kelly vẫn tiếp tục khẳng định mình vô tội. Còn Connolly được tha tù vào năm 1957, và trước khi mất vào năm 1997, ông này đã khẳng định rằng mình và Kelly đều vô tội.

Năm 2003, Tòa Phúc thẩm Tối cao Anh đã bác bỏ phán quyết trên của tòa sơ thẩm vì các công tố viên đã cố tình che giấu một bằng chứng quan trọng, trong đó một người đàn ông khác tên là Daniel Johnson đã thú nhận với một bạn tù rằng mình là hung thủ gây ra vụ án mạng này. Với phán quyết này, Kelly và Connolly đã được minh oan, và thi hài của Kelly đã được chuyển từ nhà tù Walton ra nghĩa trang trong một lễ tang trang trọng.

6. James Bain (Được thả tự do sau 35 năm bị tù oan)

Năm 1974, cậu thanh niên 19 tuổi James Bain ở Lake Wales, bang Florida, Mỹ bị cảnh sát bắt giữ vì tình nghi thực hiện một vụ trộm cắp, bắt cóc và cưỡng hiếp một  bé trai 9 tuổi tại nhà.

Theo hồ sơ của cảnh sát, nạn nhân khai rằng cậu ta đang ngủ với các anh chị em trong nhà thì một người đàn ông đột nhập vào nhà và kéo cậu bé ra một sân bóng rổ. Cậu bé cho biết cậu bị hung thủ đè xuống đất và cưỡng hiếp.

Theo mô tả của cậu bé, hung thủ có râu mép và một vết chàm ở bên má. Cảnh sát đã khoanh vùng các đối tượng trong vùng và đưa ra 5 bức ảnh để cậu bé này xác định hung thủ, và nạn nhân đã chỉ vào bức ảnh của Bain.

Những vụ án oan chấn động thế giới (Kỳ 2) - 3

James Bain nức nở sau khi được trả tự do tại tòa

Cảnh sát lập tức truy tố Bain với các tội danh trên và đưa ra tòa án xét xử. Trước tòa, mặc dù người chị của Bain đã đứng ra làm chứng rằng Bain đã ở nhà trong suốt đêm xảy ra vụ án, thẩm phán vẫn không tin và phán quyết Bain phải chịu án chung thân.

Năm 2001, khi bang Florida thông qua điều luật cho phép mở lại hồ sơ các vụ án trước đây để kiểm tra ADN, Bain đã 4 lần viết đơn xin được thực hiện xét nghiệm này nhưng đều bị từ chối. Không nản chí, Bain viết đơn lần thứ 5 và cuối cùng đã được chấp nhận sau khi một tòa án phúc thẩm phán quyết rằng anh được quyền điều trần.

Và kết quả xét nghiệm ADN đã cho thấy Bain hoàn toàn không liên quan gì đến vụ án này, và hung thủ thực sự vẫn chưa bị bắt. Trước kết quả xét nghiệm này, tòa án đã phán quyết rằng Bain vô tội và được trả tự do ngay tại tòa trong tiếng hoan hô như sấm dậy của những người tham gia phiên tòa.

Để có được sự tự do này, Bain đã uổng phí mất 35 năm tuổi xuân đằng sau song sắt với những nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi cho công lý và sự thật. Vào tù khi đang ở độ tuổi xuân xanh và được công nhận bị oan ở tuổi 44, Bain vẫn không hề tỏ ra trách cứ nạn nhân đã khiến mình phải rơi vào vòng lao lý.

Phát biểu trước các phóng viên sau khi được trả tự do tại tòa, Bain nức nở: “Bây giờ tôi chỉ muốn được trở về với mẹ tôi thôi.”

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo Listverse) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN