Những tai nạn hy hữu từ trò thả diều trên thế giới
Ngoài vụ việc thương tâm mới xảy ra tại TP.HCM, trò thả diều đã gây ra không ít các vụ tai nạn hy hữu ở khắp nơi trên thế giới, như Đức, Canada và Ấn Độ.
Mới đây, trường hợp cậu bé 5 tuổi tên Văn Minh Đạt (ngụ tại quận Hóc Môn, TP.HCM) bị thiệt mạng do bị cuốn theo một con diều lớn rồi rơi xuống đất từ độ cao khoảng 20 mét, đã làm dấy lên những lo ngại về trò thả diều từng gắn liền với hình ảnh dân quê, bình dị.
Trước tính nghiêm trọng của vụ việc trên, báo chí nước ngoài (như DailyMail, IBTimes…) cũng đã đồng loạt đưa tin để cảnh báo người dân khi chơi diều. Và thực tế trong quá khứ, nhiều tai nạn hy hữu liên quan tới con diều dẫn tới đứt cổ hay mất mạng cũng từng xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Đức: Bị cuốn theo diều rơi xuống đất tử vong
Một người bị kéo theo cánh diều. Ảnh minh họa
Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 30.7.2013 tại nước Đức. Theo Kitehood, một người đàn ông 33 tuổi đã gặp tai nạn bi thảm với chính con diều của mình. Nguyên nhân được xác định là do một cơn gió thổi tới khiến con diều bay lên trong khi người này đang bị vướng vào dây diều.
Kết cục, ông đã qua đời tại bệnh viện dù đã được sự hỗ trợ của xe cứu thương, xe cứu hỏa và cả máy bay trực thăng ở hiện trường vụ tai nạn. Kitehood mô tả, ông đã nhiều lần bị đập xuống đất trong lúc cuốn theo con diều. Ngoài ra, ông còn bị dây diều quấn quanh cổ và siết lại.
Sau vụ việc này, Kitehood đưa ra lời khuyên cho những người chơi diều và cả những người ở gần đó rằng, hãy luôn tránh xa dây diều. Ngoài ra cũng nên chuẩn bị một con dao để sẵn sàng cắt dây khi bị vướng vào.
Ấn Độ: Ngã xe thiệt mạng vì né người thả diều
Theo thông tin trên trang Nagpurtoday của Ấn Độ, một người đàn ông đã thiệt mạng khi cố gắng né một cậu bé thả diều. Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 14h30 ngày 26.12.2012 (giờ địa phương) khi người này đang lái xe về nhà từ “khu ổ chuột” Dhanteshwari thuộc vùng Dhantoli. Nạn nhân được xác định là ông Dwarkaprasad Umesh Patle, 35 tuổi, sống tại lô 17, khu Sukh Sagar, Nagpur, Ấn Độ.
Ảnh đồ họa bởi Nagpurtoday thể hiện tình huống người lái xe gặp nạn vì né cậu bé thả diều.
Cụ thể, một cậu bé được cho là thiếu quan sát khi đang thả diều đã bất ngờ xuất hiện trước mặt ông Patle. Trong nỗ lực tránh tông vào cậu bé, Patle đã thắng gấp và bị ngã trên đường khiến ông bị thương nặng. Sau khi được đưa vào chữa trị tại bệnh viện Colombia gần đó ông đã qua đời vào 18h ngày hôm sau (27.12.2012).
Vụ việc này đã được đưa vào một đơn kiện tại Ấn Độ để cảnh sát điều tra thêm các vấn đề liên quan.
Ấn Độ: Suýt mất mạng vì dây diều
Cũng vào tháng 12.2012 tại Ấn Độ, một cựu nhân viên của Tòa án tối cao Madras tên Ansari đã bị vướng vào dây diều gây nên một vết thương nguy hiểm ở cổ. Theo Thehindu, ông Ansari đang trên đường trở về nhà ở Mint sau khi thăm một người bạn ở Royapuram vào khoảng 19 giờ Chủ Nhật (ngày 9.12.2012) thì gặp tai nạn. Lúc đó, ông cảm thấy rát trên cổ và máu chảy đầm đìa. Nhờ sự giúp đỡ của một cặp vợ chồng đi phía sau mà ông đã được đưa ngay tới bệnh viện.
Ông Ansari tại bệnh viện Stanley của chính phủ Ấn Độ vào tháng 12.2012.
Luật sư Thameem Azami và là con trai của ông Ansari dẫn lại lời bác sĩ tại bệnh viện Stanley của chính phủ cho rằng, ông Ansari đã thoát chết thần kỳ. Vụ việc có thể gây nên một tai nạn nghiêm trọng hơn thậm chí lấy mạng sống của ông nếu vết cắt sâu thêm chỉ vài mm.
Canada: Bị dây diều cắt cổ
Humayun Kobir và sợi dây manja đã gây sát thương anh.
Đó là trường hợp hy hữu xảy ra với Humayun Kobir, 27 tuổi, sống tại thành phố Toronto, Canada. Người này kể lại, anh đã nhìn thấy máu trên kính chiếu hậu của chiếc xe máy Suzuki màu đen của mình, và sau đó anh dùng tay đè vết thương lại. Lúc này, ngoài cảm nhận máu nóng sắp chảy ra thì anh hoàn toàn không cảm thấy đau.
Sau khi điều tra, cảnh sát cho biết, cổ Kobir đã bị cắt bởi một loại dây có “cường độ cao” gọi là manja. Loại dây này được bọc bởi một lớp hợp chất thủy tinh và thường được sử dụng trong các cuộc thi thả diều.
Trước đó, hội đồng thành phố Toronto từng đưa ra mức phạt 250 USD để ngăn chặn việc sử dụng dây manja vì nó là một “vật liệu nguy hiểm”. Đồng thời, các cuộc thi thả diều cũng bị cấm trừ khi có giấy phép.