Những nông dân karatedo ở Lâm Đồng

Trong các giải đấu karatedo của tỉnh Lâm Đồng gần đây xuất hiện nữ trọng tài Trịnh Ngọc Thêm, nhất đẳng huyền đai. Nhìn vẻ chuyên nghiệp của chị ít ai biết đó là một nông dân chính hiệu.

Chị là lao động chính trên mảnh vườn cà phê 6ha tại xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Chuyện của chị Thêm không lạ ở huyện Bảo Lâm, nơi mà môn võ karatedo trở thành môn thể thao thịnh hành và phổ biến với nông dân. Tại hàng chục sân võ “dã chiến”, mỗi chiều người nông dân rời nương rẫy, cởi bỏ bộ đồ lấm lem đất đỏ để khoác lên mình bộ võ phục trắng tinh. Trên sân đất lởm chởm sỏi đá, họ say mê luyện những thế phòng thủ, đòn tấn công.

Những nông dân karatedo ở Lâm Đồng - 1

Các võ sinh nông dân trên sân tập karatedo ở Bảo Lâm

Gặp nhau trên sân võ

Vào một buổi chiều cuối năm 2005, chị Thêm dắt con gái Nguyễn Thị Thảo Sương đến sân võ của thầy Lê Minh Khôi - giáo viên thể dục của Trường THPT Lộc Thành - xin cho con học. Khi Sương vừa bước vào sân tập thì chị ngồi bệt bên ngoài quan sát tất cả mọi hoạt động diễn ra bên trong. Lúc thầy Khôi đi ngang qua chỗ mình, chị Thêm chặn lại nói: “Tôi cũng muốn học võ nhưng lớn tuổi rồi, thầy có nhận tôi không?”.

Nhìn người phụ nữ ở độ tuổi 42, thầy Khôi ái ngại: “Vì sao chị muốn học, ở đây toàn học sinh”. Là người nóng nảy, chị Thêm đáp ngay: “Có nhiều chuyện ấm ức lắm, thầy cho tôi học đi”. Học võ để đi trả thù là chuyện thầy Khôi tối kỵ nhưng không hiểu sao lúc ấy thầy bất ngờ gật đầu nhận lời.

Bảy năm sau, thầy Khôi nhắc lại chuyện này kèm theo một “bình luận”: “Đáng lẽ tôi đã từ chối nhưng võ thuật dành cho tất cả mọi người, nếu từ chối chị thì không đúng với võ đạo”.

Nhiều nông dân khác tại các xã Lộc Thành, Lộc Nam mê luyện võ nhưng lấn cấn nhiều cái ngại: vừa lớn tuổi, lại là nông dân. Nhưng khi thấy một phụ nữ tuổi trung niên là chị Thêm say sưa tập luyện những đòn thế karatedo phức tạp và đẹp mắt thì họ bỗng trở nên mạnh dạn. Thế là sân võ karatedo có thêm những nông dân mà ban ngày muốn tìm họ phải lội sâu vào vườn cà phê hay trên những đồi chè. Thầy Khôi vẫn cứ để trẻ luyện chung với già, già luyện chung với trẻ, ôm vai bá cổ như bạn bè trên sân tập nhưng miệng vẫn chú chú con con.

Thầy Khôi giải thích: “Tôi cố tình để hai thế hệ võ sinh tập luyện như vậy, người trẻ nhìn quyết tâm của người có tuổi mà cố gắng, người già thì có điều kiện gần gũi người trẻ, từ đó hiểu được tâm tư suy nghĩ của con cháu mình”.

Trưởng sân võ của thầy Lê Minh Khôi tại xã Lộc Nam là một võ sinh đã 52 tuổi, Đỗ Văn Thơ, một công an đã giải nghệ. Thầy Khôi cho biết ông Thơ võ nghệ tinh thông nhưng vẫn đi học vì một lý do đặc biệt: ba người con và cháu của ông đang tập luyện trên sân võ này. “Khuyên tụi nhỏ đi học hoài mà không nghe, nên mình phải làm gương đến sân võ tập chung”.

Ông Thơ đeo giáp, bê khiên cho tụi nhỏ luyện những đòn đá, mỗi khi có đòn thế đẹp ông la to tán thưởng. Ông nói: “Mấy đứa nhỏ học được ba năm thì tôi cũng lên sân võ được ba năm”.

Những nông dân karatedo ở Lâm Đồng - 2

Nữ võ sư nông dân Trịnh Ngọc Thêm

Võ để phòng thân

Để luyện yết hầu cứng chắc, các nông dân võ sinh phải đứng tấn và đeo sợi xích nặng 5kg vào cổ. Hai võ sinh khác sẽ nắm hai đầu dây xích siết từ nhẹ đến mạnh. Chị Thêm tỏ ra là người mạnh mẽ. Chị hạ tấn vững như bàn thạch, điều hòa hơi thở một cách khéo léo rồi ra hiệu cho các “đối thủ” siết mạnh liên tục. “Luyện cực vậy cũng là để phòng thân thôi chứ chẳng muốn đụng chạm ai hết”, chị Thêm bảo vậy và tự nhận con người chị bây giờ và bảy năm về trước khác nhau nhiều lắm, nhất là tính nóng nảy không còn nữa.

Trong một tình huống cụ thể, ngày xưa và bây giờ chị có cách hành xử hoàn toàn khác, đến nỗi chồng chị cũng bất ngờ. Ngày xưa cơn nóng giận đến chị bất chấp tất cả, nhưng bây giờ quan trọng nhất với chị là giữ hòa khí trong mối quan hệ với người khác. Chị bảo: “Tôi không biết tại sao, có lẽ do võ đạo dạy người học võ phải ôn hòa. Vì vậy, sắp tới bán cà phê có tiền tôi sẽ dựng phòng tập tại nhà để dạy võ cho chồng”.

Tại sân võ xã Lộc An, chúng tôi chứng kiến một thanh niên mặc nguyên bộ đồ làm vườn chạy vào, lẳng lặng chống đẩy 40 cái bên ngoài sân. Anh nói với thấy Khôi: “Xin lỗi thầy, đang mùa cà phê nên em không về sớm được, rẫy ở xa quá”. Rồi anh chạy nhanh ra phía sau thay đồ. Người ấy là Đào Xuân Hòa, 21 tuổi, một người làm vườn. Hòa vừa đạt nhất đẳng huyền đai karatedo.

Thầy Khôi bảo Hòa là trụ cột của gia đình, một mình anh phải lo quán xuyến mọi việc từ nương rẫy đến chuyện gia đình: “Võ sinh này giỏi, hiền lành nhưng cứng đầu lắm” - thầy Khôi nói. Từng là một học sinh cá biệt, mỗi tháng phải đứng cột cờ ba lần trong buổi chào cờ, đánh nhau hoài, Hòa đi học võ với ý định trở thành giang hồ thứ thiệt để chứng minh đời này ta không thua thằng nào. Vậy mà giờ đây, ngồi bệt trên sân võ sau khi thực hiện bài tập đấm tay 100 lần vào thùng cát ẩm, Hòa bảo: “Giờ ai đánh em thì chắc em cũng chỉ phòng thân thôi”. Sắp tới đây, Hòa được làm thầy vì thầy Khôi sẽ mở thêm câu lạc bộ dạy võ cho nông dân và đưa Hòa làm huấn luyện viên ở đó.

Ngoài các lý do xã hội, việc người nông dân ở Bảo Lâm nhiệt tình đến với võ đạo còn do công sức của võ sư Lê Minh Khôi. Nhờ có anh, chín câu lạc bộ karatedo đã được thành lập tại huyện này với cả ngàn võ sinh, nông dân, học sinh, công chức.

Võ sinh Phạm Văn Lộc, Công an xã Lộc An, cho rằng nhờ sức hút của các sân võ mà an ninh trên địa bàn ổn định hơn. Anh Lộc nói: “Thầy Khôi gieo sự say mê cho hàng ngàn võ sinh, sau đó dùng cái lý, cái uy của võ đạo để quản lý họ về lối sống”. Trong khi đó, trò chuyện với chúng tôi, thầy Khôi cho rằng chỉ mong tiếp thêm cho mọi người, nhất là nông dân, một chút tự tin để họ sống vững chãi hơn trong cuộc đời. Nếu lỡ họ té ngã thì cũng ít đau”.

Phòng hữu sự ở xứ cà phê

Ông Lê Ngọc Tân, 50 tuổi, được võ sinh ở các sân võ Bảo Lâm xem là người luyện karatedo đặc biệt vì đã có 22 năm luyện võ liên tục nhưng ông vẫn miệt mài đến với sân võ. Ông nói về phong trào luyện karatedo đang phát triển tại huyện Bảo Lâm như sau: “Dân xứ cà phê nhiều bất an nên chuộng học võ phòng khi hữu sự”.

Cứ vào mùa cà phê chín là dân Bảo Lâm cũng như các vùng khác lo ngay ngáy nạn mất trộm cà phê. Trên khắp rẫy, vườn đâu đâu cũng thấy người lạ mặt vì có hơn 2.000 lao động nhập cư về đây tham gia thu hoạch mỗi mùa. Dân xứ cà phê thêm phấp phỏng khi mới nghe tin tại huyện Lâm Hà xảy ra vụ án hai nhân công hái cà phê giết chết vợ chồng chủ vườn. Tại nhiều vùng cà phê ở Lâm Đồng, người dân không nắm rõ lý lịch nhân công đang cùng ăn, cùng ở, cùng làm trong nhà mình vì đa số là thuê qua trung gian.

Chuyện an ninh trật tự căng đến mức ở xã Lộc Ngãi (Bảo Lâm) công an viên được trang bị dùi cui điện đi đến tận vườn kiểm tra nhân thân của người lao động và ban hành lệnh giới nghiêm để tránh trộm cắp: 18g, không ai được chở cà phê ra ngoài đường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Vinh - Lê Dung (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN