Những người chăm “chim sắt”

Sự kiện: Tin nóng

Đảm nhiệm công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, độ chính xác cao, những nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng máy bay như anh Ngô Đức Thọ (Trung tâm bảo dưỡng ngoại trường - VAECO) thường xuyên chịu nhiều áp lực...

Những người chăm “chim sắt” - 1

Anh Thọ kiểm tra kỹ thuật máy bay trước khi đưa vào khai thác

Nghề chọn người

Sinh năm 1985 ở Sóc Sơn (Hà Nội) ngay gần sân bay quốc tế Nội Bài, thế nên Ngô Đức Thọ đã quá quen với âm thanh và hình ảnh máy bay lượn trên đầu. Tình yêu với những cánh bay có lẽ “thấm” dần từ bé. Lớn lên, tốt nghiệp Đại học Bưu chính Viễn thông - chuyên ngành Điện tử Viễn thông, Ngô Đức Thọ xin về làm nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng máy bay, thuộc Trung tâm bảo dưỡng ngoại trường Hà Nội, Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay VEACO (thành viên của Vietnam Airlines) để được gần nhà, lại được tiếp xúc nhiều với những chiếc máy bay mà nhiều người vẫn gọi vui là những con “chim sắt” khổng lồ.

“Trước khi vào công ty, bất kỳ ai cũng phải qua một lớp học cơ bản một năm về máy bay. Học xong thì được học chuyển loại, 6 tháng sau được ra thực hành. Như tôi học chuyển loại máy bay Airbus A321, sẽ có 6 tháng làm trực tiếp với máy bay này dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thày giáo”, anh Thọ chia sẻ.

“Tôi hiện được cấp chứng chỉ loại A nhưng với những cấp cao hơn thì yêu cầu công việc sẽ mở rộng và chuyên sâu hơn. Ví dụ, người đạt chứng chỉ B được quyền nổ máy động cơ, được tăng áp buồng kín hoặc được soi động cơ, kiểm tra hệ thống chuyên sâu hơn. Tất cả đều nằm trong hệ thống đào tạo của công ty”, anh giải thích.

“Khi tàu bay vào bãi đỗ, chúng tôi sẽ thực hiện thông thoại với tổ bay để tiếp nhận tình trạng của máy bay xem có ghi nhận trục trặc hay bất thường nào không”, anh Thọ mô tả và cho biết, tiếp đến sẽ kiểm tra bên ngoài máy bay. Sau khi hành khách xuống hết, tổ bay xuống nghỉ, một tổ bay khác lên, anh lại tiếp cận tổ bay mới để trao đổi thông tin, như lượng dầu cần thiết, tình trạng hỏng hóc. Trên máy bay có một cuốn sổ nhật ký kỹ thuật, tất cả mọi thứ đều được ghi ở đây và báo về hệ thống máy tính, nhất là các trục trặc, hỏng hóc. Trên cơ sở các dữ liệu ấy sẽ thực hiện sửa chữa, khắc phục.

“Bộ phận hay bị ảnh hưởng nhất là lốp”, anh Thọ nói, đồng thời giải thích, lốp máy bay khi đáp xuống phụ thuộc vào trình độ của phi công. Thế nên bao giờ cũng phải kiểm tra lốp đầu tiên để xem có phải thay không, tránh tình trạng delay.

Hàng năm, những nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng đều phải thi lại để kiểm tra tay nghề, kiểm tra sức khỏe, thi tiếng Anh chuyên ngành. Do đó, các anh vừa làm việc, vừa phải ôn luyện, bồi dưỡng để đảm bảo yêu cầu của công việc.

Sau 2-3 năm, Ban Đảm bảo chất lượng sẽ xét duyệt hồ sơ và kết quả các kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành, chứng chỉ về chuyên môn để đề xuất cho thi nâng bậc. Khi đội nào có hai người được thi nâng hạng, toàn đội sẽ tập trung đầu tư, bồi dưỡng cho hai người đó.

Những người chăm “chim sắt” - 2

Anh Thọ chọn “đồ nghề” để bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay

Không dám nghỉ ốm

Bảo dưỡng máy bay là nghề trầm lặng. Họ thường khoác lên mình những bộ áo phản quang, đeo tai nghe chuyên dụng và xách theo một hòm dụng cụ để sẵn sàng sửa chữa hỏng hóc của máy bay.

Nghề này thường phải làm xuyên đêm. Các ca luân chuyển, gối nhau. Nếu đột nhiên bị ốm, phải báo đội trưởng để thay thế. “Để đảm bảo công việc, có những việc không ai thay được nên chúng tôi ít nghỉ lắm”, anh kể.

Những người chăm “chim sắt” - 3

Anh Thọ bên máy bay Airbus A321

Chính công việc đã giúp anh tìm được một nửa còn lại của mình. Vợ anh Thọ là tiếp viên hàng không VNA. Hai người gặp nhau qua công việc, qua những chuyến đi và tình yêu bắt đầu giản dị từ lao động hàng ngày. Do vợ anh bay cả nội địa lẫn nước ngoài nên có những lúc vợ chồng, con cái 3 ngày không nhìn thấy mặt nhau. “Hai vợ chồng cùng đi làm, con cái đành gửi sang ông bà chăm. Nhiều anh em trong đội không có ông bà hỗ trợ buộc phải thuê người trông con. Do đó, tôi luôn cố gắng cuối tuần hoặc những lúc rảnh rỗi đưa con đi chơi”, anh Thọ chia sẻ.

Vì sao 2 xe cứu hỏa phun vòi rồng cực mạnh khi máy bay chở U23 Việt Nam hạ cánh?

Hai chiếc xe cứu hỏa chạy đến gần và phun vòi rồng hình cầu vồng tuyệt đẹp khi chiếc máy bay chở các cầu thủ U23 Việt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Anh ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN