Nhật tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục
Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe vừa thông qua kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên tới 42 tỷ USD trong bối cảnh Nhật đang tìm cách đối phó với ảnh hưởng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, đặc biệt là ở biển Hoa Đông.
Theo đó, dự thảo ngân sách quốc phòng Nhật Bản năm tài khóa 2015-2016 lên tới 5.000 tỷ yên (42 tỷ USD) sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 4, tăng khoảng 2,8% so với năm tài khóa sắp kết thúc. Đây là năm thứ ba liên tiếp Tokyo tăng ngân sách quốc phòng kể từ khi ông Abe trở lại vị trí Thủ tướng vào tháng 12.2012, chấm dứt 11 năm liên tiếp cắt giảm ngân sách quốc phòng.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung - Nhật gia tăng mạnh mẽ trên biển Hoa Đông liên quan đến tranh chấp lãnh thổ quần đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên phải) đi qua một mô hình của máy bay chiến đấu phản lực F-35 khi tới thăm căn cứ không quân Hyakuri, phía bắc Tokyo tháng 10.2014.
Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản đánh giá, đây là khoản ngân sách lớn nhất từ trước đến nay của nước này, vượt qua kỷ lục 4.960 tỷ yen trong năm 2002.
Phát biểu về việc ngân sách quốc phòng đạt mức kỷ lục, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nhấn mạnh: "Tình hình xung quanh Nhật Bản đang thay đổi. Các khoản chi phí phải được nâng cao đến mức cần thiết để bảo vệ không phận, hải phận và lãnh thổ Nhật Bản cũng như để bảo vệ người dân và tài sản của họ".
Cùng với việc tăng ngân sách quốc phòng, Nhật có kế hoạch mua sắm thêm hàng loạt trang thiết bị quân sự mới, gồm máy bay cảnh báo sớm, 20 máy bay săn ngầm P-1, máy bay chiến đấu thế hệ 5 F -35, trực thăng vận tải cánh xoay V -22 và hàng chục xe đổ bộ thủy-bộ dành cho đơn vị mới có nhiệm vụ bảo vệ các hòn đảo xa xôi.
Ngoài ra, Nhật còn mua thêm các máy bay không người lái tầm xa Global Hawk được lên kế hoạch triển khai vào năm 2019, tàu khu trục trang bị hệ thống radar Aegis, cũng như phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa với Mỹ.
Động thái tăng ngân sách quốc phòng lên mức kỷ lục của Nhật Bản được cho là phản ánh định hướng chiến lược quân sự mới của Thủ tướng Shinzo Abe, được gọi là "Chủ nghĩa hòa bình tích cực".
Theo chiến lược này, Nhật Bản cần nỗ lực tăng cường tối đa năng lực bảo vệ an ninh, đặc biệt là trước những tham vọng của Trung Quốc cũng như các mối đe dọa đến từ Triều Tiên.
Dù vậy, theo các nhà quan sát, mức độ tăng chi tiêu quốc phòng của Nhật vẫn còn "khiêm tốn" so với tốc độ tăng hơn 10% chi phí quân sự của Trung Quốc. Theo đó, mức ngân sách quốc phòng 42 tỷ USD của Nhật vẫn thua xa mức chi 132 tỉ USD của Trung Quốc cho quân đội hồi năm ngoái. Trung Quốc là nước có mức chi tiêu quân sự cao thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.