Nhà trên phố không ở, cụ bà gần 80 tuổi ra gầm cầu ngủ suốt 10 năm vì "ở đây mát hơn"
Gần 10 năm qua, tại cầu Yên Hòa có 1 bà cụ tuổi gần 80 sinh sống dưới gầm cầu, ngày ngày đi nhặt ve chai kiếm sống qua ngày. Cụ bà cho biết, mặc dù có nhà ở trên phố "đất vàng" Nguyễn Khang, nhưng vẫn muốn ngủ ở dưới chân cầu vì... “ở đây mát hơn”!?
Video: Nhà trên phố không ở, cụ bà gần 80 tuổi ra gầm cầu ngủ suốt 10 năm vì "ở đây mát hơn".
Rất nhiều người đi dọc trục đường Nguyễn Khang qua cầu Yên Hòa rất ngạc nhiên khi thấy gầm cầu này có 1 bà cụ sống dưới gầm cầu. Với những người sinh sống quanh khu vực tổ 16 phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội - người phụ nữ này không còn xa lạ với họ, bởi 10 năm qua gầm cầu chính là "ngôi nhà" của bà cụ.
Tên cụ bà Nguyễn Thị Lụa (74 tuổi) - một phụ nữ khỏe mạnh, mưu sinh bằng nghề nhặt ve chai, đồng nát qua ngày.
Kể chuyện với PV Infonet, cụ Lụa cho biết, bà từng đi nhiều nơi khắp đất nước. Năm 1980 bà đã từng làm ở xí nghiệp gạch Lâm Đồng, đến năm 1985 xí nghiệp này giải thể bà cũng nghỉ luôn và ra Hà Nội. Cách đây khoảng 10 năm thì bà quyết định ra gầm cầu này ở, một phần nhà phía trong nhà... chật chội, nóng bức. Ra gầm cầu mát hơn và cũng phần vì thích sống thoải mái 1 mình.
"UBND phường cũng có xuống nhắc nhở nhưng tôi xin “ở lại" và cố gắng không làm phiền mọi người cũng như chính quyền” – cụ Lụa nói.
Nơi mà cụ Lụa đang sinh sống được chắn bằng hàng rào lưới thép b40. "Ngôi nhà" của cụ treo rất nhiều bao bóng, bìa carton... mục đích là để chắn gió lùa vào khỏi lạnh và 1 phần che kín mặt đối diện với sông Tô Lịch.
Nơi ở của cụ Lụa rộng khoảng 10m2, trong đó có tấm phản chỉ rộng khoảng 1m2 được làm nơi ngủ nghỉ.
Hàng ngày, cụ Lụa đi thu gom phế liệu (nhựa, giấy bìa carton, chai nhựa và mang về đây tập kết) rồi bán kiếm sống qua ngày.
Nơi ở của cụ Lụa chỉ vừa lọt 1 người đi vào,và muốn vào cũng phải cúi lưng thật thấp. Vì xung quanh bên trong chứa rất nhiều phế liệu, đồng nát chờ bán được cụ thu gom về đây.
Cụ Lụa cho hay, cụ có hai người con trai. Nhưng nhà chật chội quá, nên cụ đành ra ngoài gầm cầu ở cho mát, đến nay đã gần 10 năm.
"Ca" làm việc hàng ngày của cụ Lụa là từ 1h đến 5h sáng, nhặt ve chai để bán lấy tiền.
Theo cụ Lụa: "Mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 30.000 đồng từ tiền bán ve chai, ăn uống hết 20.000 đồng, còn lại 10.000 đồng phòng lúc ốm đau, còn có cái mà mua thuốc thang. Người giờ già rồi, bệnh tật thì không biết có không, nhưng lúc đi ngủ là đã thấy đau mỏi hết cả người".
Thấy cụ Lụa sống dưới gầm cầu nên nhiều người cũng đến để thăm hỏi và động viên, cho tiền nhưng cụ đều từ chối sự giúp đỡ của mọi người.
Anh Phạm Phùng Quang là con trai thứ 2 của cụ Lụa, sống cách đó khoảng 50m cho biết: "Gia đình đã nhiều lần khuyên can mẹ nhưng bà nhất quyết không chịu về nhà mà cứ tự ra gầm cầu ở. Người ngoài nhìn vào không biết thì nghĩ vợ chồng tôi khó ăn khó ở, hay thậm chí là bất hiếu xua đuổi mẹ già. Nhưng chỉ có bà con lối xóm mới hiểu và thông cảm phần nào cho gia cảnh nhà chúng tôi".
Đem thắc mắc về trường hợp của cụ Lụa đến gặp lãnh đạo UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), PV Infonet được biết: Cụ Nguyễn Thị Lụa có hộ khẩu ở tổ 16, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Trong hộ khẩu đăng ký với UBND phường Yên Hòa, ngoài cụ Lụa còn có 2 người nữa là anh và chị ruột cụ cùng sổ đăng ký hộ khẩu ở phường. Trước kia cụ Lụa thuộc diện nhận tiền trợ cấp hàng tháng theo chế độ người già neo đơn, nhưng khoảng hơn 3 năm trước người con của cụ đi đâu về ở cùng (ngôi nhà người con thứ 2 đang ở), nên chế độ người già neo đơn của cụ đã bị cắt.
Lãnh đạo UBND phường Yên Hòa cũng cho biết, Ủy ban đã nhiều lần mời cụ Lụa lên phường họp, giải thích địa điểm cụ đang ở là gầm cầu nên không được phép cư trú. Ngoài ra, UBND phường cũng đã nhiều lần ra quân dọn dẹp để đảm bảo sạch đẹp cảnh quan môi trường. Tuy nhiên, được "dăm bữa nửa tháng", cụ Lụa lại tái "lấn chiếm" gầm cầu này làm nơi cư ngụ.
Trong những lần giải tỏa, những đồ đạc, "tài sản" của cụ Lụa (đồ đồng nát, phế liệu...) được UBND phường mua lại. Nhưng cứ mỗi lần họp là cụ lại bỏ ngang về giữa chừng, không chịu nghe lời can ngăn và cũng không chịu lấy tiền "đền bù" tài sản bị cưỡng chế, giải tỏa.
*Dưới đây là một số hình ảnh UBND phường Yên Hòa cung cấp về những lần ra quân dọn dẹp gầm cầu Yên Hòa:
Gầm cầu Yên Hòa sau 1 lần được dọn sạch.
Theo vị lãnh đạo UBND phường Yên Hòa cho biết, năm 2016 có lần phường đã phải huy động tới 12 xe chở rác ra mới gom hết toàn bộ "tài sản" của cụ Lụa dưới gầm cầu.
Rất nhiều lần UBND phường đã phối hợp cùng Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội và Công ty Môi Trường đến dọn dẹp phía dưới chân cầu và mời cụ Lụa về nhà, lúc đó cụ vẫn chấp hành. Nhưng được mấy hôm sau cụ lại ra ở đó ở như chưa có chuyện gì.
Dù gầm cầu được phường Yên Hòa rào lưới B40, nhưng mỗi lần giải tỏa xong cụ Lụa lại cắt rào vào ở.
Được biết, UBND phường Yên Hòa rất quan tâm đến trường hợp đặc biệt này nhưng cũng chưa có giải pháp hữu hiệu, triệt để.
Nguồn: [Link nguồn]
Những ngày qua có lẽ là phần đời ấm áp nhất, đông vui nhất với Khuyên khi liên tục có các đoàn đến thăm nom, hỏi han,...