Nhà tạm, vườn rau "mọc" trên… đất di sản

Bức tường thành dài bao quanh kinh thành Huế với chiều rộng trung bình 21m đang bị chia cắt, xuống cấp nghiêm trọng. Có hơn nghìn hộ dân đang sống rải rác trên mặt tường thành không chỉ làm cho bộ mặt của di tích vô cùng nhếch nhác mà còn xuống cấp trầm trọng.

Nhiều đoạn tường thành nhà cửa san sát đến nỗi khó mà nhận ra đó là bức tường từng để bảo vệ kinh thành xưa kia. Trên mặt tường thành khu vực cửa Nhà Đồ, cửa Hữu lại còn có những khoảng rộng như thửa ruộng, trồng hoa màu trải dài hàng trăm mét.

Kể từ khi quần thể di tích cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới, chính quyền địa phương cùng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã rất nỗ lực để giải toả những hộ dân sinh sống trên tường thành này. Nhưng cho đến nay hàng nghìn hộ dân vẫn thản nhiên cư trú tại đây.

Nhà tạm, vườn rau "mọc" trên… đất di sản - 1

Một căn nhà cất trên đất di sản văn hoá thế giới

Năm 2007, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (BTDTCĐ) tiến hành khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích theo Luật Di sản văn hoá. Tuy nhiên, do sự dàn trải thiếu tập trung, thời gian thực hiện dự án kéo dài và kinh phí, quỹ đất tái định cư hạn hẹp… nên một số dự án không hiệu quả như thiết kế, cơ hội cho sai phạm nảy sinh và kìm hãm tiến độ giãn dân trong khu vực 1 của các di tích.

Ngủ một đêm mọc lên một ngôi nhà

Tại các khu vực Xã Tắc, Lục Bộ, Thượng Thành, Hộ Thành Hào, trấn Bình Đài, đàn Nam Giao, lăng Tự Đức… người dân tái định cư trở lại, hoặc tự ý cơi nới, làm nhà trong khu vực bảo vệ di tích mà không xin ý kiến của các cấp chính quyền, khiến cho việc quản lý và xử lý vi phạm càng thêm khó khăn. Chính vì vậy, từ lần kiểm kê số hộ dân trong khu vực bảo vệ di tích vào năm 2003, đến nay tăng lên đến 828 hộ. Số này sẽ còn tăng nữa nếu chính quyền các cấp không có những biện pháp cứng hơn để quản lý.

Nhà tạm, vườn rau "mọc" trên… đất di sản - 2

Làm nhà trên bờ thành bảo vệ kinh thành Huế nên việc ra vào nhà phải lên xuống thang như thế này

Cụ bà Nguyễn Thị Nguyệt, 71 tuổi, ở kiệt 98 đường Ông Ích Khiêm cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống dọc đường thành. Năm 1968 phường đưa chúng tôi lên bờ thành để ở. Kể từ đó đến nay, hơn 40 năm với 3 thế hệ sống lay lắt trên vùng đất này, chúng tôi cũng muốn rời khỏi khu di tích, bởi ở đây muốn sửa nhà chính quyền cũng không cho, họ bảo đây là đất di tích”. Còn anh Nguyễn Văn Hùng, hộ dân kế cận nói: “Thử hỏi dân chúng tôi bây giờ đi đâu, dù chính quyền cấm, nhưng trong trong bờ thành cứ lén lút xây vào ban đêm, biết là sai nhưng không làm con cháu lấy gì để ở”.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc BTDTCĐ Huế cho biết: “Việc có một số lượng rất lớn cư dân sống trong vùng di tích đã tác động mạnh mẽ đến môi trường của các khu di tích Huế. Điều đó thể hiện ở nhiều khía cạnh, như trực tiếp làm hư hỏng và thậm chí xoá sổ cả công trình kiến trúc, phá vỡ quy hoạch tổng thể nguyên thuỷ của các di tích, lấn át và làm thu hẹp không gian của di tích”.

Nhà tạm, vườn rau "mọc" trên… đất di sản - 3

Những vườn rau trên bờ thành có chiều rộng 21m của kinh thành Huế

Trong Kinh Thành Huế, ngoại trừ Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, còn các công trình khác đều bị chiếm dụng, gây hư hỏng nặng nề. Đàn Xã Tắc được trưng dụng để xây dựng khu gia binh, khu vực Tịch Điền và đàn Tiên Nông bị xoá mất dấu vết. Các khu di tích khác như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức vốn được quy hoạch rộng hàng trăm ha, nhưng do áp lực phát triển dân cư nên khu vực bảo vệ chỉ còn giới hạn trong hàng chục ha. Nội thành Huế trước năm 1945, có gần 50 hồ lớn nhỏ, nay chỉ còn 30 hồ nhưng diện tích mặt nước thì còn lại phân nửa do các hộ dân sống xung quanh đã tự đổ đất để lấn chiếm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Gia Bảo ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN