Nhà báo là chiến sỹ

Không phải ngẫu nhiên thế giới coi hoạt động báo chí là một nghề nguy hiểm. Theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo - CPJ, trụ sở chính tại New York (Mỹ), từ 1992 đến nay có 1.055 nhà báo hy sinh khi đang hoạt động nghề nghiệp.

Hầu hết những nhà báo bị tử nạn khi tham gia đưa tin vào lúc chiến sự xảy ra hoặc làm phóng sự tại những khu vực đang có xung đột. Ở một số nước, nhiều nhà báo bị sát hại do đưa những tin bài về các đề tài bị chính quyền sở tại cho là nhạy cảm hoặc bị trả thù...

Tại Việt Nam, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã có hơn 400 nhà báo hy sinh. Họ đã hy sinh như những chiến binh quả cảm, ở những nơi chiến tranh ác liệt nhất, chỉ để ghi lại sự thật qua những bức ảnh, những bản tin, bài phóng sự, mà nếu không có nó, người cầm súng sẽ đơn độc, chính nghĩa của một dân tộc đơn độc.

Nói như Mazan Dana - một nhà quay phim của hãng Reuters (Anh) đã từng được Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ) trao giải báo chí quốc tế tháng 11/2001 vì những hoạt động ở Herbon, thành phố bờ Tây sông Jordan thì “những con chữ, hình ảnh là niềm tin của công chúng. Và vì lý do này tôi sẽ tiếp tục làm việc không kể khó khăn, ngay cả khi phải trả giá bằng tính mạng”.

Nhà báo là chiến sỹ - 1

Nhà báo tác nghiệp ở Hoàng Sa

Nghề báo - nghề nguy hiểm, bởi “cách duy nhất để nhà báo ghi lại sự thật vẫn là phải đến gần nó” (Robert Mahoney, Phó Giám đốc của Hội Bảo vệ các phóng viên trên toàn thế giới). Không nói đâu xa, ngay những ngày đầu khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 vi phạm chủ quyền Việt Nam, cùng với lực lượng Kiểm ngư, phóng viên của nhiều tờ báo trong và ngoài nước đã có mặt kịp thời nơi đầu sóng ngọn gió, bất chấp hiểm nguy, để kịp thời ghi lại sự thật, công bố với thế giới về sự tráo trở và nham hiểm của Trung Quốc.

Nói như phóng viên quay phim Tống Văn Đức (Đoàn làm phim Điện ảnh QĐND Việt Nam), người trực tiếp ra Hoàng Sa: “Khi ấy, chỉ chậm 5 phút thôi thì toàn bộ anh em phóng viên chúng tôi có lẽ đã mãi mãi nằm lại ở biển Hoàng Sa”. Chậm 5 phút như Đức nói, là cả đoàn phóng viên đang tác nghiệp trên xuồng hôm 5/6 đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Ở một góc nhìn khác, ngay cả khi không có chiến tranh, người làm báo cũng có thể gặp hiểm nguy khi điều tra chống tiêu cực, hoặc trong những cuộc chiến chống buôn lậu, thậm chí ngay cả khi ra hiện trường phản ánh kịp thời tình hình bão lũ... Bởi thế, dù phản ánh sự thật ở lĩnh vực nào, người làm báo cũng là chiến sĩ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bá Kiên (Giaothongvantai.com.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN