Người phát ngôn “bật mí” lý do Nhật hoàng thăm Huế

Người phát ngôn của Nhà vua Nhật Bản cho biết Nhật hoàng và Hoàng hậu quan tâm đến văn hóa, lịch sử của Việt Nam, rất mong muốn tìm hiểu văn hóa ở Cố đô Huế.

Người phát ngôn “bật mí” lý do Nhật hoàng thăm Huế - 1

Ngài Hatsuhisa Takashima (giữa), Thư ký Báo chí của Nhà vua Nhật Bản Akihito, Người phát ngôn của Nhà vua, đã chia sẻ những thông tin về chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu tới Việt Nam - Ảnh: Dương Ngọc

Tối 28-2, ngài Hatsuhisa Takashima, Thư ký Báo chí của Nhà vua Nhật Bản Akihito, Người phát ngôn của Nhà vua, đã chia sẻ những thông tin về chuyến thăm cấp Nhà nước của Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko tới Việt Nam.

Ông Takashima cho biết trước khi lên máy bay từ sân bay Haneda (Tokyo), Nhật hoàng Akihito đã chia sẻ với báo giới rằng đã nhiều lần nhận được lời mời thăm Việt Nam từ khá lâu, chuyến thăm này thể hiện thiện chí giữa 2 nhà nước, nhằm tăng cường quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực.

Đến Việt Nam, trên đường từ sân bay về khách sạn, Nhà vua và Hoàng hậu được sự chào đón nồng nhiệt của nhiều người dân Việt Nam – Nhật Bản. Những lá cờ Việt Nam – Nhật Bản người dân cầm trên tay vẫy chào Nhật hoàng tạo nên ấn tượng ban đầu rất tốt đẹp.

Người phát ngôn “bật mí” lý do Nhật hoàng thăm Huế - 2

Chào đón Nhà vua và Hoàng hậu tại sân bay quốc tế Nội Bài chiều 28-2 - Ảnh: Reuters

Trong chuyến thăm này, ngoài lưu tại Hà Nội, từ chiều 3-3 đến 5-3, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ thăm Huế. Tại đây, hai người thăm Đại Nội và nghe Nhã nhạc cung đình Huế tại Duyệt Thị Đường; thăm Nhà lưu niệm Pham Bội Châu; tiếp nhân viên tình nguyện của JICA; gặp gỡ cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam.

Về lý do Nhật hoàng chọn thăm Huế, ông Hatsuhisa Takashima cho rằng với bất kỳ du khách sang Nhật Bản, có 2 địa danh không thể bỏ qua: Thủ đô Tokyo và Cố đô Kyoto. Đến thăm Tokyo là đến trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, một thành phố rất hiện đại của Nhật Bản, còn đến cố đô Kyoto, du khách không thể bỏ qua được những địa danh mang tính lịch sử, văn hóa cao, nơi lưu giữ hàng trăm hàng ngàn cổ vật từ thời xa xưa của Nhật Bản. Đến thăm 2 địa danh này, du khách sẽ đồng thời có cơ hội tìm hiểu về quá khứ, hiện tại của Nhật Bản, có quan sát kỹ càng hơn về cuộc sống của người dân Nhật Bản, về quá trình hình thành và phát triển của xã hội Nhật Bản. Đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi lý do tại sao trong chương trình của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản lại sắp xếp hai điểm đến là thăm Thủ đô Hà Nội và cố đô Huế. Cũng với mong muốn như vậy, Nhà vua và Hoàng hậu rất quan tâm đến văn hóa, lịch sử của Việt Nam, rất mong muốn tìm hiểu văn hóa ở Cố đô Huế. Huế là một điểm đến hết sức phổ biến của du khách Nhật đến thăm Việt Nam.

Trong chương trình lần này, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ nghe Nhã nhạc cung đình Huế (Người phát ngôn của Nhật hoàng nhấn mạnh từ "Nhã nhạc cung đình Huế" bằng tiếng Việt). Nhật cũng có Nhã nhạc cung đình, Nhà vua và Hoàng hậu rất muốn thưởng thức trực tiếp biểu diễn của các nghệ sĩ để có sự so sánh về âm nhạc cung đình của hai quốc gia, đâu là điểm chung, điểm khác biệt của những giá trị văn hóa này.

Hai chuyến thăm liên tiếp

Một nhà báo nước ngoài đặt vấn đề chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Nhà vua lần này khiến giới ngoại giao, báo chí và giới quan sát khá ngạc nhiên vì chỉ trước đây 1 tháng, Thủ tướng Shinzo Abe vừa sang thăm Việt Nam, liệu đây có phải thiện chí của Nhật Bản không chỉ nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hai Nhà nước mà còn là thúc đẩy hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia.

Ông Hatsuhisa Takashima khẳng định đây là sự kiện ngẫu nhiên đầy tính tích cực và thể hiện đầy sự thiện chí trong sự hợp tác giữa 2 bên. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Abe, Chủ tịch nước Việt Nam đã nhắc lại lời mời Nhà vua và Hoàng hậu thăm chính thức Việt Nam và sau đó lời mời đã được chuyển tới Nhà Vua và Hoàng hậu. Đây là lời mời được nhắc lại nhiều dịp trước đây và cuối cùng phía Nhật Bản đã đáp lại được lời mời này bằng chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Theo quy định Hiến pháp, chức năng, vai trò của Thủ tướng và Nhà vua hoàn toàn khác nhau. Thủ tướng đứng đầu chính phủ, có vai trò về chính trị, quản lý cơ quan, bộ máy trong chính phủ, Nhà vua là biểu tượng của tình đoàn kết, của sự thống nhất của người dân Nhật Bản, không có quyền lực về mặt chính trị trong quản lý đất nước. Do đó, chuyến thăm của Nhà vua tới Việt Nam lần này không có mục đích về mặt chính trị, ngoại giao mà tập trung vào phát triển sự thiện chí mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, nâng cao sự hiểu biết giữa người dân hai nước cũng như thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa người dân Việt Nam và Nhật Bản.

Có phải chuyến thăm chính thức nước ngoài cuối cùng?

Trước câu hỏi chuyến thăm này còn đặc biệt vì có thể đây là chuyến thăm nước ngoài cuối cùng trên cương vị Nhà vua, khi nếu được phép thì Nhà vua Akihito sẽ thoái vị vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, ông Takashima cho biết Nhật Hoàng thể hiện mong muốn truyền ngôi lại cho Thái tử trước khi qua đời, điều này đã được chia sẻ rộng rãi trên báo chí, bài phát biểu chính thức vào mùa hè năm 2016. Tuy nhiên, điều đó có được Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản thông qua hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Hiện Chính phủ và Quốc hội Nhật Bản đang xem xét cách thức để xử lý một vấn đề chưa có tiền lệ từ trước tới nay. "Vì vậy, chúng ta khó có thể đưa ra dự đoán đây liệu có phải là chuyến thăm nước ngoài cuối cùng của Nhật hoàng hay không. Biết đâu năm 2018 lại có thể có một chuyến thăm khác thì sao ?"- ông Takashima nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo D.Ngọc (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN