Người làm hốt hoảng chạy trốn khỏi cơ sở bánh tráng
“Không chỉ tôi mà mọi người đều bị tịch thu điện thoại, giấy tờ tùy thân, không cho liên lạc với người ngoài. Không những thế, một số lần mấy chị làm công còn bị người làm công lâu năm tên K. đánh vì làm chậm” - anh Phương kể.
Hình ảnh người làm công “đội” những chồng liếp bánh tráng đi phơi (Ảnh cắt từ clip)
Công an xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP HCM vừa tiếp nhận tố giác của anh Nguyễn Vũ Phương (SN 1997, quê Kiên Giang) về việc bị cơ sở bánh tráng của ông Nguyễn Văn Tốt (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi) ngược đãi, đồng thời mong muốn giải cứu cho những người làm thuê khác tại cơ sở này.
Từ đơn thư cầu cứu, chúng tôi cũng đã gặp anh Phương để làm rõ vụ việc. Phương cho biết sáng 28-7, anh được một người chạy xe ôm ở Bến xe Miền Tây giới thiệu rồi chở xuống cơ sở bánh tráng của ông Nguyễn Văn Tốt xin việc. Sau đó, Phương được ông Nguyễn Phước Như Sang, con ông Tốt, nhận vào làm việc với mức lương thỏa thuận 3,5 triệu đồng/tháng, bao ăn ở.
Ngày đầu tiên, anh Phương được hướng dẫn xếp bánh, làm việc từ khoảng 4 giờ 30 phút đến hơn 21 giờ mới được nghỉ. Ngày tiếp đó, do phải làm việc với tần suất cao, dùng đầu “đội” cả chồng liếp bánh ướt đi phơi nên anh kiệt sức, xin nghỉ sớm. Những ngày sau, Phương bị bắt làm việc liên tục từ sáng đến tối.
“Không chỉ tôi mà mọi người đều bị tịch thu điện thoại, giấy tờ tùy thân, không cho liên lạc với người ngoài. Không những thế, một số lần mấy chị làm công còn bị người làm công lâu năm tên K. đánh vì làm chậm” - anh kể.
Phương còn trình bày dù bị ép làm việc quá sức nhưng chỉ được ông chủ cho ăn cơm ngày 2 bữa (lúc 9 giờ và 14 giờ), thức ăn và cơm không đủ khiến mọi người rất đói. Tất cả mọi người phải nghe theo hiệu lệnh làm việc của K., nếu trái ý sẽ bị “hỏi tội”.
Theo Phương, vì bị cưỡng bức lao động nên ngày 2-8, lợi dụng lúc ông Sang gọi ra hàn dây thép tường rào, anh đã bỏ trốn vào rừng cao su, đến Công an xã An Nhơn Tây trình báo, tố cáo hành vi ngược đãi của chủ cơ sở bánh tráng với mục đích “giải cứu” cho những người làm công khác.
Từ phản ánh của anh Phương, ngày 4-8, chúng tôi đã đến cơ sở bánh tráng này. Tiếp chúng tôi, cha con ông Tốt yêu cầu tắt điện thoại để nói chuyện. Vì thấy nhân công vẫn làm việc trong giờ nghỉ trưa, chúng tôi hỏi: “Sao không cho người làm công nghỉ ăn cơm?”. Ông Tốt đáp: “Ở đây làm không có giờ giấc, làm khi nào hết hàng mới nghỉ. Cơm nước thì khi nào đói, họ tự ăn”.
Ông Tốt phủ nhận cưỡng bức lao động như tố cáo của anh Phương. Tuy nhiên, khi chúng tôi yêu cầu được gặp và đối chất với nhóm người làm công thì ông Sang từ chối, lý giải: “Sự việc đang rất “nhạy cảm” nên không được tiếp cận công nhân”. Không những thế, ông Sang còn yêu cầu phóng viên đừng viết bài vì “sự việc không có gì phải viết”.
Ông Tốt cho biết cơ sở bánh tráng của ông hoạt động được gần chục năm nay, thời điểm ông còn làm cán bộ ở xã. Thông thường, ông tuyển lao động từ các công ty giới thiệu việc làm với giá từ 800.000 đồng đến 900.000 đồng/người, chưa kể tiền xe ôm chở tới. Hằng ngày, cơ sở ông sản xuất khoảng 2.500 đến 3.000 liếp bánh tráng nên tiền lương trả cho công nhân khá cao, khoảng 8 triệu đồng/tháng (bao ăn ở).
“Lúc đầu, công nhân làm đông, giờ còn 4 người vì họ nghỉ hết rồi. Chúng tôi đang tính sắp tới phải tuyển thêm nhân công để làm hàng vì thời điểm sắp Tết hàng nhiều” - ông Tốt khoe. Khi được hỏi tại sao không trả lại tài sản cho người làm công, cha con ông Tốt đã chối bỏ. Chỉ đến khi chúng tôi yêu cầu thì đến chiều 4-8, ông Sang mới đem tài sản của anh Phương bàn giao lại cho công an xã.
Trước vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật lao động về cưỡng bức lao động này, chúng tôi liên hệ Công an huyện Củ Chi. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết chưa nhận được thông tin từ công an xã chuyển lên.
Trong khi đó, ông Trần Tùng Khương, Trưởng Công an xã An Nhơn Tây, xác nhận hôm nay (5-8), sẽ phối hợp với lực lượng Công an huyện Củ Chi kiểm tra cơ sở bánh tráng của ông Tốt, nếu vi phạm sẽ xử lý theo quy định.