Người khuyết tật mỏi mòn chờ bằng lái

Rất nhiều người khuyết tật mong muốn được tự lái xe để chủ động đi lại, có thêm điều kiện hòa nhập cộng đồng. Nhưng với quy định hiện hành, họ không đủ điều kiện thi lấy bằng lái.

Nhu cầu thiết thân

Anh Trần Ngọc Đại ở Q Thủ Đức, TPHCM bị cụt hai ngón tay giữa vì tai nạn hồi nhỏ. Mọi sinh hoạt của anh đều diễn ra bình thường. Anh vẫn thường lái xe gắn máy đi làm và chưa hề gây tai nạn. Nhưng khi hỏi có giấy phép lái xe không thì Đại thú thật là chưa, vì theo quy định anh không đủ điều kiện sức khỏe để thi lấy bằng lái.

Khi chúng tôi liên hệ để gặp các em khuyết tật đang học nghề tại một trung tâm dạy nghề của TPHCM ở huyện Hoóc Môn, tìm hiểu về nhu cầu học bằng lái xe gắn máy của các em, thì Giám đốc Trung tâm đề nghị không đưa tên Trung tâm và tên các em lên báo. Lý do là vì các em hàng ngày điều khiển xe gắn máy 3 bánh đến trường nhưng chưa hề có giấy phép lái xe. Một học viên ở đây cho biết, em quê ở Bến Tre, bị tật ở hai chân từ nhỏ nên không thể đi lại được. Cách đây 2 năm, em được các nhà hảo tâm tặng chiếc xe gắn máy 3 bánh. Em đã tìm hiểu về việc thi bằng lái xe, nhưng theo quy định về khám sức khỏe thì em không đủ tiêu chuẩn nên đành chịu.

Hiện cả nước có khoảng 12 triệu người khuyết tật (NKT), có không ít người đang điều khiển xe gắn máy 3, 4 bánh. Bà Bùi Thị Hồng Nga, Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ cho biết, từ năm 2008 Hội đã phối hợp Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tổ chức đăng kiểm xe miễn phí cho 70 NKT. Tuy nhiên, do Bộ Y tế chưa quy định khám sức khỏe cho NKT đi thi lấy bằng lái xe, nên 70 người này cũng không có bằng lái.

Người khuyết tật mỏi mòn chờ bằng lái - 1

Rất nhiều người khuyết tật điều khiển xe 3, 4 bánh nhưng chưa hề có bằng lái

Chờ đến bao giờ?

Theo Điều 59, 60 Thông tư số 46 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ ngày 7/11/2012, thì NKT có thể tự học lý thuyết và thực hành, trường hợp có nhu cầu học thì được miễn toàn bộ hoặc giảm học phí để thi bằng lái xe hạng A1. Nhưng tại Quy định số 4132 ngày 4/10/2001 của Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới, thì những NKT (teo cơ chân, cụt ngón tay…) không đủ sức khỏe để thi giấy phép lái xe.

Theo ông Lâm Thành Trung - Phó trưởng Phòng Quản lý sát hạch cấp GPLX (Sở GTVT TPHCM), rất nhiều nước trên thế giới đã có các tiêu chuẩn sức khỏe cho NKT được thi bằng lái xe, thậm chí là cả xe ô tô. Chuyện khiến ông Trung day dứt mấy năm nay là có một Việt kiều ở Đức bị liệt cả hai chân, khi về nước ông đem theo chiếc ô tô của mình về để thuận tiện trong việc đi lại. Nhưng khi đến trung tâm để đăng ký học bằng lái thì bị từ chối vì luật chưa cho phép. “Vẫn biết NKT khi điều khiển phương tiện trên đường thì cơ quan chức năng cũng thông cảm ít xử phạt, nhưng nếu có rủi ro gì thì họ sẽ chịu thiệt thòi vì điều khiển phương tiện mà chưa có giấy phép” - ông Trung nói.   

Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ GTVT soạn thảo Tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới. Tại quy định này sẽ nêu rõ các đối tượng nào đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông, những người khuyết tật đáp ứng được các tiêu chuẩn sức khỏe quy định vẫn có thể thi lấy GPLX”.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Tư (Báo Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN