Người đi bộ... khóc ròng!
Vỉa hè bị lấn chiếm, đi xuống lòng đường thì có thể bị CSGT xử phạt, người đi bộ chỉ còn biết… kêu trời khi ra ngoài đường!
Hà Nội là địa phương đầu tiên xử phạt đối với người đi bộ vi phạm luật giao thông. Việc xử phạt mới triển khai từ đầu tháng 2-2016 nhưng đã vấp phải không ít bất cập.
Như bị đánh đố
Khắp các con đường lớn nhỏ ở Hà Nội, hầu hết vỉa hè đều bị lấn chiếm nghiêm trọng. Từ gánh hàng rong đến quán trà đá, bãi giữ xe đều nghiễm nhiên coi vỉa hè là nơi kinh doanh của mình. Tại khu vực phố cổ, hàng quán đua nhau bày biện bàn ghế, hàng hóa tràn cả ra đường khiến người đi bộ không thể phân biệt đâu là vỉa hè, đâu là đường đi.
Với những con đường lớn như: Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo..., hai bên vỉa hè được cho thuê để các đơn vị triển khai dịch vụ giữ xe: ô tô làn ngoài, xe máy làn trong. Vỉa hè chỉ còn lại một phần rất nhỏ, người đi bộ phải luồn lách khi đi qua khu vực này. Đáng nói là những vỉa hè ấy được chính UBND TP Hà Nội cho phép các đơn vị thuê sử dụng dịch vụ giữ xe!
Nhiều vỉa hè ở Hà Nội bị chiếm dụng làm chỗ để xe, người đi bộ phải đi xuống lòng đường
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày giáp Tết, tình trạng giao thông ở Hà Nội càng trở nên hỗn loạn hơn do lượng xe từ các địa phương đổ về. Đây cũng là lúc người đi bộ thấm thía nỗi khổ. Luôn có những người phóng xe lên vỉa hè, nối đuôi nhau đi ngược chiều, người đi bộ nhiều phen khiếp vía.
Chị Nguyễn Thị Lộc (ngụ phường Kim Mã, quận Ba Đình) bức xúc: “Lâu nay, hàng quán lấn chiếm nhưng không bị xử lý, giải quyết triệt để, bây giờ ra đường không biết đi như thế nào. Đi sai bị phạt mà đi đúng lại không có chỗ. Đó là chưa nói đến việc một số nơi chưa đầy đủ và đồng bộ vạch sơn, đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường”.
Nhiều người dân khi được hỏi đều cho rằng việc xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông là cần thiết, giữ gìn an toàn cho mọi người. Tuy nhiên, để người đi bộ không bị xử phạt oan cũng như tạo thành thói quen, nền nếp chấp hành luật lệ giao thông thì trước hết, các cơ quan chức năng phải nghiêm chỉnh dẹp nạn lấn chiếm vỉa hè. Khi đã có vỉa hè thông thoáng, an toàn, người đi bộ không dại gì lao ra đường để đón nhận nguy hiểm. Ngoài ra, hạ tầng phải tốt, các yếu tố kỹ thuật như hệ thống biển chỉ dẫn, đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch... phải được hoàn thiện.
Sẽ kiểm tra những vỉa hè bị lấn chiếm
Theo lãnh đạo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP Hà Nội, trong 3 ngày vừa qua, lực lượng CSGT đã tiến hành xử phạt hơn 100 trường hợp vi phạm luật giao thông, nhắc nhở nhiều người đi bộ đi sai phần đường. Đến nay, việc quan trọng nhất vẫn tập trung nhắc nhở, tuyên truyền cho người dân. Việc xử phạt trước mắt tập trung vào những trường hợp cố tình vi phạm, như: băng qua đường kể cả khi có dải phân cách, rào chắn hoặc khi có vỉa hè vẫn đi bộ xuống lòng đường gây nguy hiểm cho bản thân và các phương tiện khác.
Về việc người dân buộc phải vi phạm do không có vỉa hè để đi, lãnh đạo PC67 khẳng định lực lượng CSGT chỉ xử phạt người đi bộ ở những tuyến đường có biển báo, đèn tín hiệu và vạch kẻ đường. Với những khu vực không có vỉa hè, người đi bộ phải xuống lòng đường để di chuyển thì không xử phạt. Với những tuyến phố bị lấn chiếm, Phòng CSGT sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiểm tra và điều chỉnh cho phù hợp.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng song song với việc xử phạt người đi bộ phạm luật, cần tổ chức bảo vệ vỉa hè và những kết cấu hạ tầng dành cho người đi bộ. Ngoài ra, cần xử phạt nghiêm, chặt chẽ hơn những đối tượng chiếm dụng, sử dụng trái phép và cấp giấy phép sử dụng trái phép hạ tầng dành cho người đi bộ.
Phạt cao nhất 120.000 đồng Điều 9 Nghị định 171 quy định việc xử phạt người đi bộ vi phạm như sau: - Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-60.000 đồng đối với một trong các hành vi: đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông. - Phạt tiền từ 60.000-80.000 đồng đối với những hành vi: mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy. - Phạt tiền từ 80.000-120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, duy trì đường cao tốc, |