Nghị sĩ Châu Âu: Hành động của TQ là “không thể tin nổi”

“Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế. Hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan, tàu chiến ra vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là "không thể tin nổi’”, ông Miloslav Ransdorf, Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu nói.

Trước tình hình Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đưa tàu quân sự, máy bay chiến đấu, có hành động hung hăng, tấn công tàu cá Việt Nam, ngày 6/6, tại Hà Nội, ông Miloslav Ransdorf, Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu đã lên tiếng phản đối. 

PV: Xin ông cho biết quan điểm của Nghị viện Châu Âu về vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Nghị sĩ Châu Âu: Hành động của TQ là “không thể tin nổi” - 1

Ông Miloslav Ransdorf, Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu

Ông Miloslav Ransdorf: Trung Quốc đã vi phạm luật quốc tế. Trong thời gian trước, tôi đã viết sách về luật đường biển và bảo vệ quyền lợi của các nước có đường biển, làm thế nào có luật chung cho các nước, đảm bảo quyền lợi của các quốc gia lớn cũng như nhỏ. Tôi viết cuốn sách dưới thời Tổng thống Bush. Vào thời điểm đó, Trung Quốc luôn vi phạm luật pháp quốc tế, luôn gây căng thẳng cho quan hệ quốc tế.

Hành động của Trung Quốc đưa giàn khoan, tàu chiến ra khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam là “không thể tin nổi”. Hành động này để đạt mục đích kinh tế, lấy dầu mỏ, giải quyết vấn đề thiếu năng lượng của Trung Quốc hiện nay. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chứa nhiều dầu mỏ trong khi năng lượng và dầu mỏ là hai vấn đề lớn của Trung Quốc hiện nay.

PV: Trước hành động tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam, Nghị viện Châu Âu có ý kiến chính thức chưa?

Ông Miloslav Ransdorf: Nghị viện Châu Âu có Ủy ban quốc tế chuyên theo dõi tình hình quốc tế. Hiện Nghị viện Châu Âu đang lo giải quyết vấn đề ở Ukraine nên những vấn đề ở Châu Á sẽ được bàn tới trong thời gian sớm nhất.

PV: Xin ông cho biết quan điểm của cá nhân ông về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Ông Miloslav Ransdorf: Trung Quốc đã vi phạm luật hàng hải quốc tế. Việt Nam đã chọn con đường rất đúng đắn, đấu tranh bằng phương pháp hòa bình nên đã giành được sự tôn trọng của quốc tế đối với Việt Nam về đường lối. Tôi tin rằng Việt Nam sẽ được sự ủng hộ của các nước trên Thế giới.

Việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam là  "không thể tin nổi". Chính người Trung Quốc đã kêu gọi hợp tác quốc tế, hữu nghị nhưng hành động của Trung Quốc lại đi ngược với lời kêu gọi này.

Trước tôi đã đọc cuốn sách của tác giả người Mỹ. Theo đó, người Trung Quốc muốn trỗi dậy sẽ gặp phải sự đối kháng tương đối mạnh mẽ của 3 cường quốc tại khu vực là Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản. Sức mạnh của 3 nước này khiến Trung Quốc phải cư xử hòa bình, thay đổi thái độ hung hãn hiện tại. Sức mạnh 3 nước này hợp lại khiến sự trỗi dậy của Trung Quốc bị kiềm chế mạnh mẽ.

Nghị sĩ Châu Âu: Hành động của TQ là “không thể tin nổi” - 2

Tàu Hải cảnh của Trung Quốc ép và phun vòi rồng xối xả vào tàu kiểm ngư Việt Nam

PV: Đây có là cơ hội để Việt Nam giảm bớt lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc?

Ông Miloslav Ransdorf: Việt Nam sẽ trở thành đối tác rất quan trọng của Liên minh Châu Âu. Tôi đã từng đọc sách của người Nhật đánh giá tình hình kinh tế của các nước trong khu vực. Trong đó, Việt Nam được đánh giá rất cao, đứng thứ nhì trong danh sách. Từ xưa tới nay, Việt Nam và Liên minh Châu Âu luôn là đối tác rất tốt.

Tôi cho là Việt Nam có khả năng tự mình phát triển, trở thành cường quốc vững mạnh, vươn lên mạnh mẽ ở Châu Á.

Trong quá khứ, Việt Nam đã chứng minh sức mạnh của mình với toàn thế giới. Tôi đã sống và chứng kiến cuộc chiến của Việt Nam. Giờ tôi ngoài 60 tuổi. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, khi đó tôi mới 16 tuổi. Hồi tôi là học sinh đang ở trong ký túc xá, tôi đã cùng sinh viên Việt Nam ăn mừng chiến thắng 1975. Từ đó tới nay, các nước đánh giá Việt Nam là nước rất hữu nghị và hòa bình.

PV: Trung Quốc đang cố khẳng định với Thế giới rằng họ có chủ quyền với Hoàng Sa qua việc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam?

Ông Miloslav Ransdorf: Trong bản kế hoạch tới 2050, Trung Quốc thể hiện rất rõ Trung Quốc sẽ là quốc gia trỗi dậy hòa bình. Vào thời điểm đó, người Trung Quốc luôn giữ bộ mặt rất hữu nghị. Người Trung Quốc đã mất thời gian rất lâu để xây dựng hình ảnh này. Tuy nhiên, giờ thời gian đó đã chấm dứt.

PV: Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974. Thế giới có công nhận Hoàng Sa của Trung Quốc hay không ?

Ông Miloslav Ransdorf: Theo quan điểm của nhiều nước trên thế giới thời gian đó, Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, được cả nhiều nước xung quanh công nhận và không hề có sự phản đối nào.

PV: Việt Nam nên làm gì tiếp theo để luôn có được sự ủng hộ của quốc tế ?

Ông Miloslav Ransdorf: Việt Nam luôn được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới. Bước đi của Việt Nam hiện nay rất thông minh, giải quyết vấn đề một cách hòa bình, đưa vấn đề ra quốc tế. Việt Nam nên cho Thế giới biết Việt Nam có chính nghĩa trong tay và giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

PV: Phản ứng của quốc tế có đủ mạnh để khiến Trung Quốc rút giàn khoan ?

Ông Miloslav Ransdorf: Rất khó dự đoán được ý định của Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc là nước lớn, không thể làm ngơ trước phản ứng mạnh mẽ của quốc tế.  Đặc biệt, Trung Quốc cũng là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nên không thể làm ngơ trước phản ứng của quốc tế. Sự việc này có thể tạo nên làn sóng ở Liên hiệp quốc, bắt Trung Quốc phải trả lời câu hỏi của các nước thành viên.

PV: Ông có ý định đề xuất lên cho Ủy ban Đối ngoại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu về vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc hay không?

Ông Miloslav Ransdorf: Hiện có một số cuộc bầu cử ở Nghị viện, thời gian tới sẽ bầu lại thành viên trong các Ban. Sau khi bầu cử xong, Nghị viện Châu Âu sẽ họp bàn tới các vấn đề của Châu Âu và Thế giới. Tôi sẽ đề cập với các đồng nghiệp trong Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Nghị viện Châu Âu về vấn đề này.

Trong buổi họp báo quốc tế của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 23/5, ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia nói:

"Chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo đã được khẳng định và  thừa nhận tại hội nghị San Francisco tháng 9/1951. Đây là hội nghị giải quyết các vấn đề lãnh thổ sau Thế chiến thứ hai. Tại hội nghị này, phái đoàn Liên Xô có đề nghị trao hai quần đảo cho Trung Quốc nhưng 46/51 nước đã bỏ phiếu chống, phản đối. Cũng tại hội nghị này, trưởng phái đoàn của Chính phủ Bảo Đại đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này và không gặp phải sự phản đối của bất cứ ai”.

"Sau Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam Cộng hòa cũng đã ra nhiều tuyên bố và có những hành vi trên thực tế để thực thi chủ quyền với hai quần đảo này. Trung Quốc là một nước tham gia hội nghị quốc tế về Đông Dương Geneva năm1954, biết rất rõ điều này và phải có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện của hội nghị này."

"Năm 1974 Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa cũng như chính phủ Cách mạng lâm thời của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đều lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định lại chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Tân ([Tên nguồn])
TQ đặt giàn khoan trái phép trên Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN