Nghi án đại sứ TQ bị bắt vì làm gián điệp cho Nhật
Đại sứ Mã vắng mặt ở Iceland suốt hơn 6 tháng qua sau khi có thông tin ông bị bắt vì làm gián điệp cho Nhật.
Ngày 18/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối tiết lộ tung tích của đại sứ nước này tại Iceland sau khi có thông tin cho rằng ông này đã bị bắt vì trao thông tin mật cho Nhật Bản.
Đại sứ Trung Quốc tại Iceland Mã Tập Thắng
Đại sứ Mã Tập Thắng rời Iceland để về Trung Quốc từ hồi tháng Một năm nay nhưng không quay trở lại vào tháng Ba như dự kiến. Mới đây, tờ Minh Kính có trụ sở ở New York, Mỹ cho hay ông Mã và vợ đã bị cơ quan an ninh Trung Quốc bắt giữ vì bị nghi ngờ có hành động gián điệp.
Ông Mã từng hai lần làm việc ở đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản và kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2008. Cáo buộc cho rằng ông Mã làm gián điệp cho Nhật là đặc biệt nhạy cảm trong giai đoạn hiện nay bởi quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đang vô cùng căng thẳng với vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông.
Sự vắng mặt trong thời gian dài của ông Mã tại đại sứ quán ở thủ đô Reykjavik của Iceland đã bị một tờ báo nước này phanh phui hồi đầu tháng. Ông Mã trở thành đại sứ Trung Quốc tại Iceland từ tháng 12/2012, điều đó đồng nghĩa với việc nhiệm kỳ của ông đã bị cắt ngắn nếu ông không quay trở lại.
Lực lượng an ninh Trung Quốc canh gác tại thủ đô Bắc Kinh
Sau đó, tờ Minh Kính đưa tin rằng ông Mã bị bắt vì tội làm gián điệp cho Nhật, và thông tin này cũng được tờ Minh Báo ở Hong Kong đăng tải. Một số trang tin ở Trung Quốc cũng đăng thông tin trên nhưng sau đó đã gỡ bỏ.
Khi được hỏi về thông tin trên, ông Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Tôi không có thông tin về vấn đề này”. Ông Hồng Lỗi cũng đưa ra câu trả lời tương tự khi được hỏi về tung tích của ông Mã cũng như ai là đại sứ hiện nay của Trung Quốc ở Iceland.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iceland Urdur Gunnarsdóttir xác nhận rằng đại sứ Mã đã không quay trở lại nước này từ tháng Ba đến nay. Bà Gunnarsdóttir cho biết đại sứ quán Trung Quốc thông báo với phía Iceland rằng ông Mã sẽ không quay lại vì lý do cá nhân, và Trung Quốc đã cử một đại sứ tạm quyền để thay ông Mã.
Thông tin về đại sứ Mã cũng đã bị xóa khỏi website của đại sứ quán Trung Quốc ở Iceland, và lần cuối cùng tên ông này được nhắc đến trên website là vào tháng 9 năm ngoái.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi
Ông Mã từng là thư ký tại đại sứ quán Trung Quốc ở Nhật Bản từ năm 1991-1995, và sau đó là tham tán công sứ ở đây từ năm 2004-2008. Trước khi trở thành đại sứ Trung Quốc ở Iceland, ông Mã từng là Cục phó Cục Thông tin thuộc Bộ Ngoại giao.
Phản ứng trước thông tin trên, một quan chức chính phủ Nhật Bản trả lời: “Chúng tôi có biết thông tin qua báo chí, nhưng về cơ bản đó là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và chính phủ Nhật Bản sẽ không đưa ra lời bình luận”.
Năm 2012, báo chí quốc tế từng đưa thông tin một quan chức an ninh Trung Quốc giữ vị trí trợ lý thứ trưởng đã bị bắt giữ vì bị nghi ngờ hoạt động gián điệp cho Mỹ.
Vụ bê bối gián điệp nổi tiếng nhất bị phanh phui ở Trung Quốc là khi quan chức tình báo cấp cao Yu Qiangsheng đào tẩu sang Mỹ năm 1985 và khai với người Mỹ rằng một chuyên gia phân tích của CIA đang làm việc cho Trung Quốc. Chuyên gia phân tích này đã tự sát chỉ vài ngày trước khi bị tòa án Mỹ tuyên án.
Tuy nhiên, người em trai Yu Zhengsheng của ông này vẫn thăng quan tiến chức trên con đường quan lộ, và hiện nay là một ủy viên thường trực Bộ Chính trị.