Nghệ An: Bãi vàng nhuốm màu tang tóc
10 người bị vùi lấp, 3 người tử vong tại chỗ, 7 người đi cấp cứu thì có một bà bầu sắp đến kỳ sinh nở. Một lần nữa miền Tây Nghệ An lại nhuốm màu tang tóc vì cơn lốc khai thác vàng.
Bị đình chỉ, vẫn hoạt động
Thông tin chính thức từ UBND huyện Tương Dương, 13h ngày 17/7, văn phòng UBND huyện Tương Dương nhận được điện thoại khẩn cấp từ UBND xã Nga My thông báo về vụ sập hầm vàng vừa xảy ra. Tức tốc, một đoàn cán bộ gồm Phó chủ tịch UBND huyện, các sở ban ngành cùng lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội được điều động đến hiện trường.
Hầm vàng bị sập trưa ngày 17/7 tại Nga Mi (Ảnh: Vi Hợi)
Chủ phương tiện khai thác là Lo Văn Tú (SN 1988, trú bản Văng Môn). Cả 10 người tham gia khai thác vàng đều là anh em bà con của Tú trong đó có bố vợ Lo Văn Hòa (SN 1972).
Trước đó, vào ngày 15/7, UBND xã Nga My đã có quyết định đình chỉ khai thác vàng đối với nhóm của Lo Văn Tú nhưng Tú vẫn bất tuân. Đến ngày 17/7, Tú cùng bố vợ và 7 người khác trong gia đình (trong đó có 4 phụ nữ, 1 người đã mang thai 7 tháng) mang máy bơm và dụng cụ đào vàng xuống Piêng Mai khai thác thì xảy ra vụ tai nạn.
Khi khối đất đổ xuống, cả 10 người đã bị vùi lấp.
Tình trạng đào đãi vàng luôn diễn biến phức tạp tại các huyện miền Tây Nghệ An (Ảnh: Cao Nam)
Nhận được tin báo, người dân địa phương cùng chính quyền cơ sở đã tham gia cứu hộ và đưa 10 nạn nhân ra khỏi miệng hầm. Tuy nhiên có 3 người đã bị chết ngạt ngay lúc đó. 7 người bị thương được đưa đi cấp cứu.
Nguyên nhân ban đầu được xác định là do điểm khai thác vàng nằm ven khe nước, trong khi đó người dân lại đào khoét theo kiểu hàm ếch nên dẫn đến việc đất bị sụp xuống.
Nhức nhối vàng tặc và những cái chết oan nghiệt
“Cung đường vàng tặc” bắt đầu từ khu vực “4 Yên” (gồm Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Yên Thắng) của huyện Tương Dương, kéo dài theo tuyến đường liên bản đến tận cầu Xiềng Líp nối QL 48C (Quế Phong) từ nhiều năm qua luôn là điểm nóng của nạn đào đãi vàng trái phép.
Vào năm 2009, “sự kiện” anh Lô Văn Ối tại bản Hào, xã Yên Hòa nhặt được cục vàng khối nặng hơn 2kg càng làm tình trạng khai thác vàng thêm ồ ạt, bất chấp cơ quan chức năng từ huyện đến thôn ra sức vận động, truy quét.
Đào đãi vàng tại các huyện miền Tây Nghệ An (Ảnh: Cao Nam)
Các vụ tai nạn do sập hầm vàng xảy ra, nhiều người đã phải bỏ mạng dưới lớp đất đá. Chính quyền chức năng đã truy quét quyết liệt nhưng vẫn chưa thể đẩy lùi nạn khai thác vàng.
Vào năm 2011, tại xã Tam Đình, huyện Tương Dương cũng đã xảy ra vụ sập hầm vàng làm 5 người chết gồm: Lương Văn Bích (30 tuổi), Lương Văn Sơn (35 tuổi), Mạc Văn Ánh (27 tuổi), Mạc Văn Thọ (25 tuổi) và Vang Văn Hiền (21 tuổi) cùng trú tại bản Đình Hương, xã Tam Đình, huyện Tương Dương.
Trước đó, ngày 2/4/2011 gần địa điểm khai thác vàng trên cũng đã xảy ra một vụ tai nạn sập hầm vàng khiến em La Thị Thu Trang (11 tuổi, học sinh trường tiểu học Yên Tĩnh 2, xã Yên Tĩnh, huyện Tương Dương) tử vong.
Ngày 15/7, hai cháu bé Hà Văn An (5 tuổi) và Lương Văn Anh (6 tuổi) cùng rủ nhau ra đoạn sông Giăng chảy qua bản Cao Vều 3, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) để tắm thì không may bị sảy chân xuống hố đào vàng còn sót lại và bị chết đuối.
Trước tình trạng khai thác vàng đang diễn biến ngày càng phức tạp, ông Vi Tân Hợi, Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, sắp tới huyện sẽ thành lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra, rà soát, xử lý khai thác vàng trái phép trên địa bàn, báo cáo kết quả về UBND huyện trước 30/7.
Theo ông Hợi, việc truy quét vàng tặc luôn gặp khó khăn vì các đối tượng “sẵn sàng chống đối, thậm chí thách thức lực lượng chức năng”.
“Tất cả những phương tiện khai thác trái phép sẽ bị tịch thu” - ông Hợi khẳng định.
Theo thông tin mới nhất, 7 nạn nhân bị thương trong vụ sập hầm vàng đã trở về nhà sau khi được cấp cứu.
Danh tính 7 người bị thương gồm: 1. Lo Thị Nhàn (SN 1986, bản Văng Môn, Nga My) Danh tính của 3 người chết: 1. Lo Văn Hòa - SN 1972, bản Văng Mon, Nga My; |