Ngày Tết, lì xì thế nào để có nhiều lộc nhất?
Trong ngày Tết, nhiều người rất coi trọng mệnh giá tiền trong phong bao lì xì.
Phong tục lì xì cho trẻ để lấy may đã trở thành nét truyền thống văn hóa trong dịp Tết.
Nhiều người mong đợi ngày Tết để được lì xì, chúc năm mới may mắn, khỏe mạnh và hạnh phúc cho người nhận phong bao lì xì. Tuy nhiên, theo các chuyên gia văn hóa, tục lì xì ngày Tết hiện nay đang bị biến tướng.
Tục lì xì đang bị biến tướng
Trao đổi với PV, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, lì xì ngày nay ít mang lại ý nghĩa vốn có.
“Trước kia lì xì có ý nghĩa thêm tuổi mới may mắn khỏe mạnh nhưng ngày nay tục lì xì đã bị biến đổi. Nhiều người lợi dụng để đút lót vì cho rằng cả năm mới có một dịp nên phải tranh thủ “nịnh” sếp. Nhân viên đến nhà lì xì cho con của sếp với mong muốn sẽ được hưởng lộc từ sếp. Đó là một suy nghĩ biến tướng rất tệ hại”, TS.Trần Hữu Sơn nói.
Theo Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam về nguyên tắc lì xì là có từng nào mừng tuổi từng đó, cha mẹ mừng tuổi con cái, cháu chắt. Con cái trưởng thành mới được mừng tuổi bố mẹ; người chưa làm ra tiền không được mừng tuổi người khác.
GS Ngô Đức Thịnh, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa cũng cho rằng, lì xì mang ý nghĩa tượng trưng là để mừng cho nhau thêm tuổi mới mạnh khỏe. Đây là một phong tục truyền thống đẹp nhưng ngày nay không còn giữ nét đẹp đó nữa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà người Việt bỏ đi phong tục này.
Trái với quan điểm của TS. Trần Hữu Sơn, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, không phải lì xì sinh ra tham nhũng, hối lộ. Bởi vì người ta có nhiều cách tham nhũng chứ không phải bằng hình thức lì xì ngày Tết. Thay vì lì xì thì người ta gửi tiền vào tài khoản, mua nhà, biếu quà.
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, tục lì xì ngày Tết hiện nay đang bị biến tướng.
“Khi lì xì chỉ nên cho vào phong bao một số tiền rất nhỏ. Số tiền trong phong bao càng nhiều thì giá trị càng ít. Đáng ngại nhất, nhiều người rất coi trọng mệnh giá tiền trong phong bao lì xì. Đôi khi, lì xì nhiều – ít, dày – mỏng được mang ra làm thước đo tình cảm, không còn ý nghĩa tôn vinh nhau nữa”, GS Ngô Đức Thịnh chia sẻ.
Ý nghĩa không nằm ở số lượng tiền?
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Đức Hiển cho rằng, lì xì (mừng tuổi) ngày đầu năm vốn được coi là nét văn hóa đặc sắc, dù ngày nay, việc đón Tết đã có ít nhiều thay đổi, nhưng nét đẹp ngày xuân này vẫn luôn được gìn giữ và trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của người Việt Nam.
Do đó, khi lì xì, dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm mới, có ý nghĩa biểu trưng cho một năm mới tốt đẹp và sung túc.
“Ý nghĩa của một chiếc bao lì xì không nằm ở số lượng tiền là bao nhiêu mà chính là ở những thông điệp mà nó muốn gửi gắm tới người được nhận”, ông Nguyễn Đức Hiển nói.
Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, trong ngày Tết theo phong tục, người lớn phát vốn hay lì xì cho trẻ nhỏ, con cái mừng tuổi cho bố mẹ, ông bà.
Lì xì là người trên giúp người dưới có cơ may, tạo cho người dưới có vốn ăn. “Vốn” ở đây mang tính tượng trưng nên không quan trọng mệnh giá tiền trong phong bao lì xì. Điểm đáng chú ý, tiền lì xì thường là số lẻ để biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở.
GS Trần Ngọc Thêm cũng lưu ý, người già phải đạt đến “mức tuổi thọ nhất định”. Bởi truyền thống xưa trọng người có tuổi, thêm tuổi tức là thọ. Mừng tuổi chúc ông bà thọ lâu đồng thời cũng có ý nghĩa để ông bà có “đồng ra đồng vào”.
“Đối với trẻ em, tiền lì xì cho trẻ em không cần để ý nhiều ít, nhưng mừng tuổi ông bà thì càng nhiều càng tốt, tùy vào khả năng của con cháu”, GS Trần Ngọc Thêm nói.
Ngày nay, từ tác động của kinh tế thị trường, khó tránh khỏi chuyện trẻ coi trọng số tiền lì xì.