Ngày cuối năm nơi cửa chùa của người già neo đơn

Tết đến làm rõ hơn những khoảng trống trong lòng những con người không nơi nương tựa, nhiều người cảm thấy trống vắng khi phải sống xa nhà, khi phải sống không người thân. Nhưng chùa Lâm Quang trong những ngày này luôn đầy tình yêu thương, sự chia sẻ giữa người và người. Ở đây các cụ già neo đơn luôn được “sưởi ấm” bằng tình yêu thương. Họ cảm thấy ấm lòng những ngày cuối năm.

Nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ ở số 301 đường Bến Bình Đông (phường 14, quận 8, TP.HCM), chùa Lâm Quang là nơi che chở, nượng tựa và là nơi trú ngụ của những cụ già neo đơn, cô độc.

Tại chùa Lâm Quang có gần 140 cụ già neo đơn. Mỗi cụ đều có riêng một hoàn cảnh đau buồn nhưng đều có chung là tuổi cao, sức yếu không thể tự chăm sóc bản thân mình được, cần sự cảm thông chia sẻ trong khi đó lại không có người thân để nương tựa, hoặc bị con cháu bỏ rơi.

Năm 1995, khi sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến, hiện đang là Trụ trì chùa Lâm Quang, nhận tiếp quản ngôi chùa này đã thấy có 4 cụ bà đi xin ăn ban ngày, còn ban đêm xin vào chùa tá túc. Xúc động trước hình ảnh đó, sư cô Huệ Tuyến đã đưa các cụ vào chùa chăm sóc, dần dần nhiều người biết đến và tới xin tá túc ở chùa ngày một nhiều.

Suốt 19 năm qua, chùa Lâm Quang đã nhận chăm sóc gần 200 cụ bà. Hiện có gần 140 cụ, chủ yếu là các cụ bà từ 65 đến 90 tuổi đang được chăm sóc tại đây. Nguồn tài chính chủ yếu là do các phật tử, các nhà hảo tâm, những chị bán hàng giúp đỡ.

Nơi ở của các cụ có hai tầng, tầng trệt dành riêng cho những cụ già không thể tự chăm sóc mình được, tầng trên là những cụ có thể tự làm vệ sinh cá nhân và đi lên xuống cầu thang. Mọi việc chăm sóc các cụ ở đây đều do các sư cô ở chùa lo liệu  từ việc cho ăn, cho uống thuốc đến việc vệ sinh.

Khi thấy chúng tôi đến, các cụ nhìn và cười một cách hiền từ hỏi: “Con đến tìm ai, sao không đến sớm mà đến buổi chiều cuối năm thế này hả con”. Ngồi trò chuyện với các cụ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng khi mỗi cụ kể về mình, nỗi khổ riêng của từng người mà nếu ai đó đã từng đặt chân đến đây đều không khỏi nghẹn ngào xúc động. Nhưng ở đây, các cụ được yêu thương, được chăm sóc nên luôn cảm thấy ấm lòng”.

Cụ N.T.T hơn 80 tuổi nói trong nghẹn ngào: “Trước đây, tôi cũng có một gia đình êm ấm nhưng chồng mất, sau đó con trai cũng mất, nhà cửa bán hết để lo tiền thuốc thang cho chồng và con, tôi không nơi ở nên lang thang nay đây mai đó xin ăn qua ngày rồi tình cơ được dân dẫn tới xin chùa cho tôi tá túc. Đến nay tôi ở cũng đã hơn 5 năm rồi. Tết đến, tôi và các cụ già ở đây luôn được ấm lòng. Được nhiều người quan tâm chăm sóc”.

Mười 19 năm trôi qua, kể từ khi đến trụ trì chùa, sư cô Huệ Tuyến đã dang rộng vòng tay yêu thương của mình cưu mang những mảnh đời bất hạnh. Đã  không ít người đến nhưng cũng có không ít người ra đi. Chỗ cũ chưa nguội hơi người đã có người mới lấp vào. Cứ thế, những mảnh đời neo đơn đến nương nhờ mái ấm ngày càng nhiều.

Ngày cuối năm nơi cửa chùa của người già neo đơn - 1

Ngày cuối năm nơi cửa chùa của người già neo đơn - 2

Chùa Lâm Quang là nơi cưu mạng những cụ già không người thân

Ngày cuối năm nơi cửa chùa của người già neo đơn - 3

 Lưng còng cả đời gánh nặng vì con cháu

Ngày cuối năm nơi cửa chùa của người già neo đơn - 4

Niềm vui lúc tuổi về già ngồi trò chuyện với nhau

Ngày cuối năm nơi cửa chùa của người già neo đơn - 5

Nhiều phật tử thường xuyên đến hỏi thăm động viên cho các cụ vui

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN