Nếu có thảm họa, sẽ tổ chức Quốc tang

Chiều qua, UBTVQH cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định tổ chức Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân.

Tại tờ trình Chính phủ, Bộ trưởng VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, tổ chức Lễ quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân trước tổn thất lớn, đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng của nhân dân.

Từ khi thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, chúng ta chưa tổ chức hình thức Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân và chưa có văn bản quy định về vấn đề này.

Trên thực tế, Quốc tang đã được quy định tại Nghị định 62/2001/NĐ-CP ngày 12/9/2001 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ điều chỉnh đối tượng là những cán bộ giữ chức vụ cao nhất của Đảng, Nhà nước, chưa quy định Quốc tang trong trường hợp thiên tai thảm họa đặc biệt nghiệm trọng, gây thiệt hại lớn tính mạng của nhân dân.

“Lễ Quốc tang trong trường hợp thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng của nhân dân nên tổ chức dưới hình thức lễ tưởng niệm, đảm bảo tính trang trọng, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phân biệt với hình thức tổ chức quốc tang đối với cá nhân là lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Cách thức tổ chức lễ tưởng niệm nên đơn giản, phù hợp với chủ trương đảm bảo an toàn, trang trọng, tiết kiệm, hiệu quả, tránh phô trương lãng phí” - Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ, ông Đào Trọng Thi nêu quan điểm của Thường trực ủy ban.

Làm rõ tiêu chí

Theo dự thảo, thẩm quyền quyết định Lễ Quốc tang do Bộ Chính trị quy định, căn cứ tình hình sự kiện xảy ra về thiên tai, thảm họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng của nhân dân có số lượng người chết và người bị thương lớn, gây đau thương, tác động lớn đến tinh thần, tình cảm của đông đảo nhân dân (Điều 3).

Các ý kiến phát biểu cho rằng, địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm có thể tại địa phương, nơi xảy ra thảm họa hoặc tại Hà Nội, tùy theo tính chất của từng sự kiện. Việc tổ chức quốc tang trong những trường hợp thiên tai, thảm họa gây thiệt hại lớn về người là cần thiết.

Tuy nhiên, cần xác định rõ tiêu chí về thiệt hại, trình tự thủ tục tuyên bố quốc tang, tránh tùy tiện hoặc lúng túng trong thực hiện. Chủ nhiệm UB Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị cần có tiêu chí cụ thể về quốc tang, tức là quy định rõ mức độ thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra như thế nào thì mới quyết định quốc tang.

“Phải có tiêu chí định lượng nếu không sẽ rất khó thực hiện. Đồng thời, cần có một nghi lễ quốc tang phù hợp” - Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lưu ý.

UBTVQH thống nhất giao Bộ VHTT&DL tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định về vấn đề này, trình Chính phủ ban hành theo hướng chuẩn bị kỹ hơn, nêu bật được ý nghĩa tưởng niệm đối với các nạn nhân, nhắc nhở việc phòng tránh thiên tai, thảm họa.

Tổ chức kỷ niệm ngày lễ lớn: Cần tránh lãng phí, hình thức

Cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về việc xây dựng Nghị định Quy định về tổ chức các ngày kỷ niệm, nghi thức trao tặng, đón nhận danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; nghi lễ đối ngoại và đón tiếp khách nước ngoài.

Nhiều ý kiến tại UBTVQH cho rằng, hiện nay chúng ta tổ chức quá nhiều ngày kỷ niệm, nhưng thiếu quy định thống nhất, gây lãng phí, tốn kém và còn hình thức.

Có trường hợp, ý nghĩa ngày kỷ niệm không lớn nhưng vì có tài trợ lại làm lớn, có ngày kỷ niệm ý nghĩa lớn lại tổ chức không tương xứng, thiếu đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự… Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể việc tuyên truyền về sự kiện này, không phải sự kiện nào cũng lên truyền hình!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Tuấn (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN