Nếu 3 nhà máy điện hạt nhân TQ xảy ra sự cố, VN có bị ảnh hưởng?

Sự kiện: Thời sự

Nếu xảy ra sự cố, 3 nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc xây ở gần biên giới với Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế, xã hội của miền Bắc nước ta.

Nếu 3 nhà máy điện hạt nhân TQ xảy ra sự cố, VN có bị ảnh hưởng? - 1

Kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc. Nhà máy đang hoạt động (màu xanh lá cây), đang xây dựng (xanh lam) và trong kế hoạch (đỏ). Nguồn: world-nuclear.org

Mới đây, thông tin từ Bộ khoa học và Công nghệ cho biết, Trung Quốc vừa mới đưa vào vận hành thương mại 7/18 tổ máy của ba nhà máy điện hạt nhân gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW và Sương Giang (đảo Hải Nam) 650 MW.

Các nhà máy điện hạt nhân này đều nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam, gần nhất là Phòng Thành cách Móng Cái(Quảng Ninh) 50 km; nhà máy Sương Giang cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100 km và nhà máy Trường Giang cách biên giới Việt Nam hơn 200 km.

Nhiều người tỏ ra lo ngại bởi, dù hiện nay công nghệ điện hạt nhân có nhiều cải tiến, an toàn hơn nhưng khi có sự cố xảy ra, hậu quả không chỉ Trung Quốc phải hứng chịu mà sẽ vượt ra ngoài biên giới ảnh hưởng đến Việt Nam.

Trong lịch sử ngành năng lượng hạt nhân cũng đã có không ít sự cố xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng. Thảm họa nguyên tử Chernobyl (1986, Ukraina) hay thảm họa Fukushima (Nhật Bản, 2011) đều được coi là thảm họa nguyên tử trầm trọng nhất trong lịch sử ảnh hưởng đến người dân, sự phát triển kinh tế, xã hội.

Chiều 11/10, trao đổi với PV, ông Trần Kim Tuấn – Viện trưởng Viện Kỹ thuật hạt nhân và Vật lý môi trường (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, trường hợp khi có sự cố xảy ra, miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể thành một vùng đất trắng.

“Khi sự cố xảy ra trùng với các đợt gió mùa đông bắc hay những cơn bão ngoài Biển Đông, chất phóng xạ sẽ đổ bộ sang Việt Nam và ảnh hưởng đến toàn bộ miền Bắc gây ra những hậu quả tương tự như Chernobyl hay Fukushima”, ông Tuấn nhận định.

Theo ông Tuấn, việc cần làm ngay của cơ quan chức năng Việt Nam là sớm hoàn thiện các hệ thống quan trắc, cảnh báo phóng xạ để đề phòng; thiết lập cơ chế thường xuyên trao đổi với các nước láng giềng về an toàn hạt nhân; phổ biến các kiến thức cần thiết về sự cố hạt nhân cho người dân; khi phát hiện sự cố, cơ quan chức năng cần thông báo kịp thời tới cộng đồng…

Ông Tuấn cho biết thêm, thường các nhà máy điện hạt nhân được xây dựng ở gần các sông, biển để tận dụng tài nguyên nước và thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển nguyên vật liệu. Vì vậy, Trung Quốc xây 3 nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Việt Nam ở các vị trí gần đảo Hải Nam, ven Biển Đông hay vịnh Bắc Bộ không có gì lạ.

Hơn nữa, không chỉ có 3 nhà máy Phòng Thành, Sương Giang, Trường Giang mà Trung Quốc hiện cũng đang chủ trương xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân khác để phục vụ nhu cầu tất yếu của người dân.

“Điện hạt nhân đang được nhiều nước trên thế giới khai thác và sử dụng. Với một đất nước phát triển như Trung Quốc thì đó là điều hết sức bình thường. Khi có sự cố, đất nước và con người nước họ sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên nên tôi nghĩ họ sẽ đảm bảo an toàn ở mức tối đa”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN