“Nên xác định tuổi thành niên là 16”

Đó là đề nghị của thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội.

Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ cho rằng “đã đến lúc xã hội phải thay đổi quan niệm về tuổi vị thành niên”. Trao đổi với PV về vấn đề này, thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ nói:

- Như tôi phát biểu trước Quốc hội, sau vụ Lê Văn Luyện, tôi cảm thấy lương tri và trách nhiệm của chúng ta bị thử thách. Vì chúng ta đã có cảm giác bất lực trước hành vi tàn bạo. Nhiều người rất xót xa trước cảnh những tội phạm vị thành niên khi cho tay vào còng số tám vẫn nhếch mép cười, giễu cợt, bởi biết mình sẽ không bị xử ở khung hình phạt cao nhất.

Chúng ta càng đau xót khi lên mạng Internet chứng kiến cảnh không ít trẻ em đã tô vẽ hình ảnh Lê Văn Luyện, đặt nhạc đặt vè về Lê Văn Luyện và thậm chí coi như một hình tượng có sức thu hút.

“Nên xác định tuổi thành niên là 16” - 1

Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ - Ảnh: V.Dũng

* Báo cáo của Chính phủ cho thấy tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên tăng đột biến. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?

- Mọi người đều có chung đánh giá tình hình đang hết sức nghiêm trọng. Trong năm năm gần đây, có hơn 49.000 vụ phạm pháp hình sự với hơn 76.000 người chưa thành niên phạm tội thực hiện. Xét về mặt cơ cấu, tội phạm do nhóm này thực hiện có đủ mọi loại, từ trộm cắp, cướp giật, xâm phạm sở hữu đến cướp, giết người, đến các tội về kinh tế, kể cả tham nhũng cũng tham gia (mặc dù chưa phải là chủ thể nhưng có vai trò phối hợp cung cấp thông tin), đặc biệt là trong tội phạm công nghệ cao, tội phạm về môi trường và các tội xâm phạm an toàn công cộng. Gần đây, tội phạm trong thanh thiếu niên có tính chất tổ chức lại gia tăng, việc sử dụng hung khí, vũ khí nóng trở nên phổ biến.

“Nên xác định tuổi thành niên là 16” - 2

Sau vụ án Lê Văn Luyện, nhiều người cho rằng cần phải hạ tuổi thành niên

* Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiêm trọng này?

- Khi nghiên cứu tôi thấy có sáu nguyên nhân chính: Thứ nhất, xã hội chưa đánh giá đúng năng lực hành vi và năng lực pháp luật của nhóm tuổi đang được coi là vị thành niên. Chúng ta vẫn coi các em độ tuổi này là non nớt, ít hiểu biết, thiếu kinh nghiệm sống... Thái độ bao cấp về pháp lý, về nhận thức của gia đình, nhà trường, xã hội với các em là nguyên nhân rất quan trọng. Nhiều bậc cha mẹ, thầy cô dường như không công nhận sự trưởng thành về cả thể chất, ý thức, nhận thức của các em, vẫn đánh giá các em ở độ tuổi này như ở thời điểm nửa thế kỷ về trước. Trong khi đó, các em đang sống trong thế giới có sự hòa nhập rất nhanh, cập nhật thông tin đa chiều hằng ngày và ý thức rõ về mình. Nhiều vụ phạm pháp được các em thực hiện vì biết rằng tuổi của mình chỉ bị xử lý ở khung rất nhẹ.

"Tôi cho rằng xã hội đến lúc phải thay đổi quan niệm, để các em từ 16-18 tuổi được đứng ra giải quyết những vấn đề của mình và tham gia giải quyết những vấn đề xã hội một cách bình đẳng như người lớn. Tại sao ở nước ngoài có những nhà lãnh đạo rất trẻ, những doanh nhân thành đạt khi còn rất trẻ? Đó là kết quả của việc đánh giá, nhìn nhận đúng sự trưởng thành của lớp trẻ".

Thiếu tướng Hồ Trọng Ngũ

Thứ hai, chính khoảng trống của pháp luật khiến các đối tượng vị thành niên và những đối tượng người lớn có ý định phạm tội lôi kéo các em thực hiện hành vi phạm tội, dùng các em làm bia đỡ đạn.

Thứ ba, đang có sự xung đột giá trị. Kinh tế thị trường phát triển, các em tham gia thị trường lao động rất sớm, pháp luật cũng quy định đủ 15 tuổi có quyền ký kết hợp đồng lao động. Như vậy có sự xung đột giữa động cơ, mục đích làm giàu, muốn khẳng định giá trị của mình với nhận thức của xã hội chỉ coi các em là những đứa trẻ. Điều này đã làm các em phải tìm mọi cách để bứt phá, trong đó có những động cơ bất hợp pháp như cướp, trộm, buôn bán ma túy...

Thứ tư,
trẻ em ngày nay có xu hướng tự đề cao mình. Các em tự cho rằng mình có kiến thức hơn, giỏi hơn người lớn, đặc biệt trong xã hội kỹ trị ngày nay. Sự xung đột này vừa làm giới trẻ ức chế, vừa làm trẻ em coi thường người lớn.

Thứ năm, do trưởng thành sớm, tiếp nhận khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm nên các em dễ dàng thực hiện nhiều hành vi phạm tội. Nhiều tội do các em 15-18 tuổi gây ra rất tinh vi, xảo quyệt, khó phát hiện.

Thứ sáu,
lớp trẻ bây giờ nhiều thông tin hơn lớp già, với khả năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ, các em tiếp cận và cập nhật thường xuyên thông tin trong nước, quốc tế. Thậm chí, nhiều em biết bẻ khóa để tiếp cận thông tin mã hóa, thông tin bí mật mà người lớn không dễ thực hiện.

* Thưa ông, pháp luật các nước quy định độ tuổi thành niên và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như thế nào?

- Tôi nghiên cứu và thấy rằng nhiều nước trên thế giới quy định người từ 16 tuổi là thành niên. Tôi có hỏi các bạn Cuba là tại sao quy định tuổi thành niên là 16 thì nhận được câu trả lời rằng “công dân của chúng tôi lứa tuổi ấy là người ta đã thực hiện được toàn bộ nghĩa vụ của người trưởng thành”. Đối với người VN, tôi lại càng tin điều đó, vì lớp trẻ của chúng ta đã tiến bộ rất nhanh, hòa nhập với thế giới rất tốt.

Hiện nay, pháp luật hình sự của chúng ta quy định người từ 14-16 tuổi chịu trách nhiệm hình sự hạn chế, tức chỉ chịu trách nhiệm trước những tội rất nghiêm trọng do cố ý; 16-18 tuổi mới chịu trách nhiệm hình sự, nhưng với mức hình phạt thấp và quá trình tố tụng đòi hỏi trải qua rất nhiều quy định riêng mà chính các đối tượng phạm tội sẽ lợi dụng điều này.

Chúng ta phải tính toán lại chính sách. Khi chúng ta xác định lại độ tuổi thành niên thì không chỉ xử lý được vấn đề về chính sách hình sự, mà còn xử lý được nhiều vấn đề khác. Lúc đó, chúng ta trao quyền cho lớp trẻ và đồng thời buộc họ phải chịu trách nhiệm, nghĩa vụ đầy đủ và tương xứng với các quyền đó.

Luật sư Trịnh Thanh (trưởng văn phòng luật sư Người Nghèo):

Không nên hạ tuổi thành niên

Việc xác định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, tuổi thành niên quy định tại Bộ luật hình sự hiện nay phù hợp với nhiều đạo luật khác như quy định về độ tuổi kết hôn, bầu cử, tham gia một số giao dịch dân sự, lao động... Việc có cần hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay không phải được nghiên cứu, khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học từ nhiều cơ quan chức năng và phải đảm bảo thống nhất với các đạo luật khác.

Trên thế giới có nhiều nước quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thấp hơn chúng ta nhưng xét về các điều kiện phát triển thể chất, tâm sinh lý của thanh thiếu niên nước ngoài thì rất khác so với thanh thiếu niên VN. Về thể chất, dù hiện nay điều kiện nuôi dưỡng có tốt hơn nhưng thể chất của thiếu niên VN chưa thể bằng thiếu niên nước ngoài. Thực tế có nhiều trẻ phạm tội (nhất là trẻ ở vùng nông thôn) ra tòa vẫn còn mếu máo khóc gọi mẹ đúng với bản chất của một đứa trẻ.

Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng có nhiều trẻ em phạm tội, nhiều vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do người chưa thành niên gây ra mà hạ thấp độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì xem ra không ổn. Để ngăn chặn tình trạng tội phạm trẻ cần có nhiều biện pháp như tăng cường vai trò giáo dục, quản lý trẻ của nhà trường, gia đình, xã hội và cần áp dụng chính sách hình sự để xử lý nghiêm khắc hơn nữa đối với những đối tượng lôi kéo, dụ dỗ trẻ vào con đường phạm tội.

C.Mai ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Kiên (Tuổi Trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN