NASA công bố ảnh mới nhất trên sao Hỏa
Hãng hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố loạt ảnh mới nhất trên sao Hỏa. Qua đó, các nhà khoa học cho rằng nước có thể từng tồn tại trên bề mặt hành tinh đỏ.
Loạt ảnh quang cảnh trên sao Hỏa này là loạt ảnh mới nhất được chụp bởi robot “Tò mò” kể từ loạt ảnh tháng 8/2012.
Khu vực “Tò mò” thực hiện mũi khoan đầu tiên trên hành tinh đỏ - Ảnh: Daily Mail
Trong đó, một số hình ảnh chỉ ra các tĩnh mạch nằm trong đá - đầu mối lịch sử của việc nước từng tồn tại trên bề mặt sao Hỏa. Hiện nay, các nhà khoa học tập trung vào khu vực chọn lọc để “Tò mò” bắt đầu quá trình khoan, đó là một tảng đá có bề mặt khá bằng phẳng.
Bề mặt tảng đá bằng phẳng có những vết mờ tĩnh mạch, dấu hiệu cho rằng nơi này từng có sự tồn tại của nước - Ảnh: Daily Mail
Nhanh hơn một chút so với dự kiến, "Tò mò" được mang đến khu vực khoan trong vài ngày tới. Ông Richard Cook - quản lý dự án thuộc phòng phản lực NASA - cho biết sau khi kiểm tra tình hình xung quanh, robot “Tò mò” sẽ được kiểm tra công cụ khoan để thực hiện mũi khoan đầu tiên vào hai tuần tới.
Hình ảnh thể hiện rõ những khoáng chất màu trắng ở những tĩnh mạch của tảng đá, được cho là calcium sulfate - loại khoáng chất màu trắng phổ biến trên Trái đất - Ảnh: Daily Mail
"Tò mò" có khả năng sẽ khoan xuống vài centimet và thu thập mẫu đất bên trong tảng đá. Các chuyên gia cho rằng khoan vào đá và thu thập vật liệu nghiên cứu là nhiệm vụ khó khăn nhất trong sứ mệnh tìm kiếm sự sống trên hành tinh đỏ.
Bức ảnh gây sốt cộng đồng mạng cho rằng đó là “hoa sao Hỏa” nhỏ, nhưng thực chất đó chỉ là một mảnh nhỏ trầm tích hoặc một viên sỏi - Ảnh: Daily Mail
Nơi “Tò mò” đặt mũi khoan đầu tiên được các chuyên gia đặt tên là đá “John Klein", tên của phó giám đốc dự án phòng thí nghiệm khoa học sao Hỏa đã qua đời năm 2012.