Mỹ "nhụt chí" khi cùng Nhật đối đầu với TQ?

Nhật Bản cho rằng Mỹ đang "nhụt chí" khi bảo vệ Nhật trong tranh chấp với Trung Quốc.

Trong tuần này giới quân sự Mỹ-Nhật sẽ gặp nhau tại Hawaii để tổng kết quá trình hợp tác song phương lần dầu tiên trong 17 năm qua. Tokyo hi vọng cuộc gặp này sẽ tập trung vào những mối đe dọa cụ thể, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông, trong khi Washington lại chỉ muốn bàn những việc “chung chung”.

Trên thực tế, Washington không có vai trò gì về vấn đề chủ quyền trên nhóm đảo Senkaku mà Nhật đang tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ công nhận Nhật có quyền quản lý quần đảo này, đồng thời cam kết Mỹ sẽ bảo vệ Nhật trong trường hợp Nhật bị tấn công.

Mặc dù vậy, nếu những căng thẳng trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương tiếp tục leo thang chưa chắc Mỹ đã nhảy vào vì đã trót tuyên bố không muốn can thiệp vào những tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới.

Mỹ "nhụt chí" khi cùng Nhật đối đầu với TQ? - 1

Nhóm đảo Senkaku, tâm điểm tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc

Narushige Michishita, nguyên cố vấn an ninh quốc gia dưới thời thủ tướng Junichiro Koizumi nhận định: “Chắc chắn Hoa Kỳ muốn tỏ thái độ nước đôi vì họ nghĩ biết đâu sẽ phải đối đầu, thậm chí là xung đột với Trung Quốc”.

Nhận định này được đưa ra sau khi một quan chức quốc phòng Mỹ tuyên bố: “Dường như họ muốn mọi chuyện chỉ xoay quanh quần đảo Senkaku. Chúng ta không nên đi sâu vào một vấn đề nào quá cụ thể. Nhiệm vụ của chúng ta là xây dựng liên minh Mỹ - Nhật trở nên linh hoạt hơn và nhạy bén hơn với tình hình an ninh, chứ đừng cố làm rõ trắng đen như thời năm 1997. Bàn mỗi chuyện Trung Quốc không thôi thì quá nhỏ nhặt.”

Mối quan ngại của Tokyo ở đây là đến một ngày Washington không thể thậm chí không muốn giúp bảo vệ Nhật Bản cho dù “trục” chiến lược của Tổng thống Barack Obama vẫn hướng về khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Chính mối quan ngại này là động lực để ông Abe tăng cường lực lượng quân đội đồng thời nới lỏng thể chế đối với các hành động quân sự nước ngoài.

“Nếu Washington không cùng tham gia giải quyết những đe dọa từ phía Trung Quốc một cách cụ thể, không những uy tín của liên minh sẽ bị ảnh hưởng, mà rất có thể càng làm cho Trung Quốc được đà hơn”, Giáo sư Michishita thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia tại Tokyo bình luận.

“Các nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ sẽ phải cụ thể hơn nữa, đồng thời phải cố gắng tạo sự cân bằng giữa việc bảo vệ uy tin và thoái thác cũng như tránh tham gia quá sâu vào vấn đề.”

Vùng xám

Chủ đề “nóng” nhất trong chương trình nghị sự tại Hawaii chính là những sự kiện liên quan đến “vùng xám”. Các quan chức phía Nhật Bản đưa giả thuyết về “vùng xám” này khi có tin cho rằng lực lượng đặc nhiệm của Trung Quốc đã cải trang thành ngư dân để xâm nhập vào vùng quần đảo tranh chấp.

Mỹ "nhụt chí" khi cùng Nhật đối đầu với TQ? - 2

Máy bay trinh sát Nhật Bản tuần tra trên nhóm đảo Senkaku

Nhật Bản hiện đang đau đầu về vấn đề “vùng xám”. Các quan chức chính phủ và rất nhiều chuyên gia an ninh cho rằng chính quyền phải tìm cách khắc phục các kẽ hở trong các tình huống chỉ có Cảnh sát biển được phép hành động và những thời điểm được huy động quân đội.

Phát biểu gần đây trước Quốc hội, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng các tình huống ấy bao gồm việc tàu ngầm nước ngoài cố tình luồn sâu trong các vùng biển cho dù đã được yêu cầu nổi lên mặt nước, nêu danh tính hay rời đi nơi khác hay các hành động chiếm đóng các quần đảo xa, nơi lực lượng cảnh sát và Phòng vệ Bờ biển không thể phản ứng kịp thời.

Cũng theo ông Abe “Kẽ hở pháp lý như vậy giữa lúc tình hình an ninh xung quanh chúng ta đang ngày một bất ổn là điều không đáng có và hết sức bất thường, thậm chí có thể đặt người dân vào tình thế nguy hiểm”. Giới chuyên gia an ninh Nhật mong muốn đề xuất sửa đổi luật để lấp đầy kẽ hở này.

Các chiến lược gia Nhật Bản ngày càng trở nên quan ngại về các sự kiện vùng xám do vấn đề căng thẳng Trung-Nhật về quần đảo nhỏ bé không người ở Senkaku bắt đầu nổ ra năm 2012. Bấy lâu nay hải quân và không quân của hai nước vẫn chơi trò “mèo vờn chuột” trên các khu vực trang chấp. Phía Nhật Bản đã dùng cả chiến đấu cơ sẵn sàng chống lại những hành động họ cho là xâm phạm vùng trời và vùng biển của mình.

Hôm thứ Bảy vừa qua Bộ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố “không thể nhượng bộ” với Nhật về những khúc mắc lịch sử cũng như phần lãnh thổ tranh chấp. Trung Quốc sẽ giành giật “từng cm” lãnh thổ với Nhật Bản.

Sự nhụt chí bất thường

Các nguyên tắc nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ liên minh quốc phòng Mỹ-Nhật được hai bên nhất trí hồi tháng Mười vừa qua cùng thời điểm với quyết định của ông Abe nhằm tăng cường quân đội đồng thời nới lỏng một số hạn chế đối với lực lượng vũ trang của Nhật thời hậu chiến, bao gồm cả kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm đưa quân đi hỗ trợ đồng minh bị tấn công do tự mình đặt ra.

Lần cập nhật này, vốn được hai nước nhất trí thực hiện vào cuối năm, là bước tiếp theo sau nhiều năm Washington hối thúc Nhật phải có vai trò lớn  hơn trong liên minh, cốt lõi của chính sách an ninh thời hậu chiến của Nhật.

Tuy nhiên, cử tri Mỹ đã quá mệt mỏi với việc đưa quân ra nước ngoài, đặc biệt là sau các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, đồng thời họ cũng sợ sẽ phải vướng vào những xung đột mới, các chuyên gia nhận xét.

“Công chúng Mỹ đã trở nên ác cảm với việc cam thiệp vào các cuộc chiến ở nước ngoài, thậm chí còn gay gắt hơn trong thời kỳ tham chiến tại Việt Nam”, nhận định của cựu quan chức ngoại giao cao cấp của Nhật Bản, Yoshiji Nogami, hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế của Nhật Bản. “Nếu liên minh thực sự khăng khít, thì khả năng thoái lui (của Mỹ) càng ít đi. Nhưng điều tưởng như đơn giản ấy mà người Mỹ cũng chả hiểu cho thấu đáo.”

Theo một quan chức Mỹ thì sự tham gia của nước này vào những sự kiện vùng xám có thể bao gồm các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát. Việc đánh giá lại các nguyên tắc chỉ nên tập trung vào nâng cao sự hợp tác trên các lĩnh vực này cũng như việc nhận thức về lĩnh vực hàng hải, có thể là trong tình huống tương tự như vùng xám.

“Điều này có vẻ dễ xảy ra hơn là những hành động quân sự trực tiếp của Mỹ”, ông Nogami nói. Giữa lúc những căng thẳng về vùng xám ngày một leo thang, hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát phối hợp chung là vô cùng quan trọng. Lý do là để tránh cho “vùng xám” trở thành “vùng đen”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Minh (Theo Reuters) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN