Mỹ: Bị đinh bắn vào tim vẫn sống
Một thợ mộc ở Mỹ đã thoát chết kỳ diệu sau khi bị chiếc đinh 9 phân găm thẳng vào tim.
Một thợ mộc ở Minnesota, Mỹ đã được gọi là người sống sót may mắn nhất thế giới vì đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau khi sơ suất tự ghim một chiếc đinh vào tim mình bằng súng bắn đinh trong lúc sửa nhà.
Ông Eugene Rakow, 58 tuổi ở St. Bonifacius đã vô tình bắn một chiếc đinh 9 phân thẳng vào tim, và các bác sĩ nói rằng nếu chiếc đinh này chỉ đi sâu thêm 2 millimet thì ông không thể nào qua khỏi.
Người đàn ông may mắn Eugene Rakow
Thật kỳ diệu là sau khi bị đinh găm vào ngực, ông Rakow vẫn có khả năng đứng lên và gọi người giúp đỡ. Sau khi ông được đưa vào bệnh viện, các bác sĩ đã phẫu thuật rút chiếc đinh ra, và ông được xuất viện 5 ngày sau đó với chỉ 2 vết khâu ở tim.
Ông Rakow kể: “Bác sĩ phẫu thuật bảo rằng tôi nên mua vé số vì tôi là người sống sót may mắn nhất mà ông ấy từng gặp. Bác sĩ nói rằng phần lớn những người bị như tôi sẽ chết ngay lập tức.”
Tai nạn xảy ra khi người thợ mộc này sửa chiếc bàn cho một người hàng xóm. Ông kể: “Tôi đang giơ chiếc súng bắn đinh lên để bắn đinh vào bàn. Đột nhiên chiếc súng bắn đinh nẩy ra, hướng về phía ngực tôi và một chiếc đinh cắm phập vào đó.”
Chiếc đinh cắm thẳng vào tim của ông Rakow
Ông cho biết cảm giác sau khi bị trúng đinh vào tim không đến nỗi đau lắm, chỉ là những tiếng ùng ục và răng rắc, tuy nhiên ông biết rằng có gì đó không ổn với cơ thể mình.
Ông chạy ngay đến chiếc xe tải của mình và gọi điện cho bà vợ Carmen. Bà Carmen lái xe đưa ông tới bệnh viện Waconia gần đó, sau đó ông được chuyển tới Viện Tim Minneapolis để phẫu thuật.
Tại đây, các bác sĩ cho biết chiếc đinh đã xé rách thành tim của ông, tuy nhiên nó không gây tổn thương đến các bộ phận trọng yếu của tim, trong đó động mạch vành chỉ cách chiếc đinh có 2 mm.
Chiếc đinh chỉ cách động mạch vành có 2 mm
Sau khi được xuất viện, ông Rakow trở về nhà và hồi phục nhanh chóng. Ông hy vọng sẽ có thể làm việc trở lại càng sớm càng tốt, tuy nhiên ông vẫn sẽ phải mặc một chiếc áo đặc biệt để bảo vệ lồng ngực khi quay trở lại làm việc.