Mưu sinh giữa lưng chừng trời ngày cuối năm

Không chỉ đòi hỏi sự cần cù, chịu khó và áp lực làm việc, những người thợ ấy phải có một… thần kinh thép, một cái đầu lạnh và một trái tim nóng để có thể duy trì được công việc của mình: lơ lửng giữa bầu trời thành phố.

Họ, những người mà thi thoảng ta vẫn bắt gặp đang bám sát những tòa nhà cao chọc trời hay chót vót trên ngọn cây chính là những “người nhện” nơi phố phường. Nhìn những con người nhỏ bé cứ thoăn thoắt giữa bầu trời cao vời vợi mà chúng tôi không khỏi chạnh lòng bởi những nguy hiểm chực chờ, nhất là những ngày cuối năm ai cũng mong muốn được yên bình bên người thân

Cả đời sống ở trên…dây

Có mặt ở đường Ngô Gia Tự (quận 10, TP.HCM) lúc giữa trưa, lẫn trong không khí nhộn nhịp buổi cuối năm, chúng tôi thấy anh Nguyễn Văn Lợi đang ăn vội hộp cơm giữa giờ nghỉ giải lao, anh là công nhân thời vụ của Công ty Môi trường đô thị cây xanh TP. Công việc của anh và bốn người khác trong tổ là cắt tỉa cành cây bởi hiện nay thành phố đang gấp rút những công đoạn chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc.

Hầu hết những cành cây nào có nguy cơ bị gãy, rơi đều phải được loại bỏ, mang đến sự an toàn tốt nhất cho người dân. Anh bảo, nói thì dễ nhưng đây là một nghề khá nguy hiểm. Bình thường, khi làm việc mấy anh em đều có dây bảo hiểm nhưng thực sự, ở trên ngọn cây cao cả mấy chục mét như thế này, chuyện gì cũng có thể xảy ra, con người không thể nào dự tính hết được ngay cả khi đã có dụng cụ bảo hộ. Những tai nạn nhẹ gặp phải như cành cây va vào người, đập vào mặt, vào đầu dẫn tới chảy máu, trầy xước thì thường xuyên như… cơm bữa. Riêng những tai nạn như ngã gãy chân, gãy tay hay chấn thương một phần trong cơ thể thi thoảng vẫn xảy ra dù mọi người đều có thiết bị an toàn.

Mưu sinh giữa lưng chừng trời ngày cuối năm - 1

Mưu sinh giữa bầu trời

Thấy tôi ngơ ngác, anh Lợi giải thích tường tận hơn, có khi mình buộc thiết bị an toàn vào một cành cây nào đó làm điểm tựa để làm việc nhưng sau đó, có thể do gió hay nguyên nhân nào đó mà chính cành cây ấy cũng bị… gãy khiến bản thân mình chẳng biết bấu víu vào đâu. Như chuyện hồi cuối năm ngoái, một anh công nhân tên Thành ở tổ khác, đang treo mình lơ lửng giữa tán lá để cắt cành thì bỗng dưng bị tuột dây, tuy không ngã xuống đất nhưng theo quán tính cơ thể đập mạnh vào thân cây khiến cậu ấy bị gãy 2 cái xương sườn. Sau tai nạn hy hữu đó, cậu ấy không dám lên trời mưu sinh nữa mà chuyển nghề xuống dưới đất cho chắc ăn.

Hỏi về cảm giác lần đầu lơ lửng giữa bầu trời để làm việc như thế nào, anh Lợi vừa nhìn lên những vòm cây, vừa cười. Thú thực là rất sợ hãi. Một cảm giác lạnh cả sống lưng khi mình bất giác nhìn xuống đất và xung quanh nhưng lại nghĩ đến các con, nghĩ đến gia đình nên phải cắn răng mà làm việc thôi. Vậy nhưng lâu dần cũng quen, giờ leo tít lên ngọn cây cao cả hai chục mét cũng chẳng thấy sợ nữa.

Mặc dù công việc của những công nhân cây xanh khá nguy hiểm nhưng nếu so với những người làm nghề treo mình lơ lửng ở những tòa nhà cao mấy chục tầng giữa trung tâm thành phố thì treo mình trên cây chỉ là chuyện vặt, bởi ở đây những công nhân đó có khi phải làm việc ở độ cao lên đến hàng trăm mét; chỉ một chút xíu rủi ro, sẽ khó bảo toàn tính mạng. Một lần đi trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM) tôi bất ngờ khi nhìn thấy những công nhân treo mình lơ lửng giữa bầu trời để bóc lớp giấy màu dán trên những tấm kính, chuẩn bị khai trương tòa cao ốc chọc trời nơi đây. Đang ngẩng đầu nhìn những “người nhện” này làm việc, một kỹ sư - tên Huân - tiến lại cho tôi biết anh là kỹ sư giám sát công trình ở đội này. Họ là những công nhân chuyên làm việc ở những độ cao rất lớn so với mặt đất. Trên đó, công ty đã có những thiết bị an toàn lao động được nhập về từ Hàn Quốc để đảm bảo an toàn cho công nhân làm việc.

Thông thường, sáng khoảng 8g, một tốp 5 thợ sẽ buộc dây an toàn và đu mình trên dây thả nhẹ nhàng từ sân thượng của cao ốc xuống. Công việc cũng đơn giản nhưng lại đòi hỏi những người có sức khỏe tốt, thần kinh vững vàng và chịu được độ cao cực lớn. Nhóm công nhân làm trên đó liên tục khoảng 6 - 8 giờ vì buổi sáng, khi buộc dây họ đã chuẩn bị sẵn nước uống, thức ăn để có thể lao động suốt ca của mình. Mỗi ca trung bình tiền công khoảng từ 200 - 350 ngàn đồng/người, cao gần gấp đôi lao động dưới mặt đất. Hiện nay do đang là dịp cuối năm nên để đảm bảo kịp tiến độ có khi những “người nhện” này sẽ phải làm việc từ 8 đến 10 tiếng đồng hồ. Bù lại, thù lao sẽ được tăng hơn để đảm bảo phù hợp với công sức lao động mà họ bỏ ra.

Nỗi niềm “người nhện”Không nói thì ai cũng biết mức độ nguy hiểm khôn lường của những lao động trên dây suốt ngày lơ lửng giữa bầu trời như thế nào, bởi ở những độ cao khủng khiếp như vậy, chỉ một làn gió cũng có thể gây ra những tai nạn kinh hoàng. Và để tìm hiểu rõ hơn về công việc đòi hỏi sự dũng cảm này, chúng tôi đã kiên trì đợi cho tới lúc nhóm thợ trên tòa nhà cao tầng kia hết ca lao động của mình. Vừa đáp xuống đất, vẻ mặt mệt nhọc hiện rõ nét trên nét mặt anh Bùi Băn Ba ở Định Quán (Đồng Nai) một “người nhện” có thâm niên gần chục năm làm việc nơi thành phố phồn hoa này. Chia sẻ cùng chúng tôi, anh Ba bảo, nhóm mình đang phụ trách lau lại kính (chứ không phải bóc kính màu như lúc đầu tôi nhìn thấy) lần cuối trước khi khai trương tòa nhà này. Hôm nay làm việc ở tầng thứ 16 và 17 nên chỉ còn 4 người tham gia vì 2 người kia xin… rút lui. Thường, những người không có sức khỏe tốt chỉ có thể làm việc ở những tầng thứ 15 (tương đương gần 100 mét) trở xuống bởi lên cao cần những thợ chịu được áp lực lớn hơn rất nhiều.

Mưu sinh giữa lưng chừng trời ngày cuối năm - 2

Mùa này, mặc dù là giáp tết nhưng trên đó gió rất lớn. Nếu ngồi dưới đất thấy gió nhẹ cấp 2, cấp 3 thì trên đó phải tương đương cấp 5 cấp 6 bởi không có điểm tựa nên sự rung lắc rất mạnh. Mỗi lần mình vươn người để lau thì nước và sức nặng cơ thể có thể biến bản thân mình thành… con lắc điều hòa. Mặc dù đã có thâm niên trong nghề nhưng mỗi lần như thế, thứ duy nhất mà các anh có thể bám víu vào để cho cơ thể trở lại trạng thái cân bằng chính là… niềm tin. Anh bảo, mình chỉ buộc một sợi dây chuyên dụng rồi gắn toàn thân vào một chiếc ròng rọc có túi đựng sẵn công cụ lao động, đồ dùng rồi thả người xuống từ tầng thượng nên nếu có gì bất trắc, bản thân người thợ không có được bất cứ hành động nào để tự cứu mình cả. Vì thế, những ngày đầu và giữa tháng, anh chỉ biết cùng vợ đi chùa cầu phúc và sức khỏe để có thể tiếp tục lao động nuôi 2 đứa con ăn học mà thôi. Tuy nhiên, anh Ba cũng chia sẻ thêm, mặc dù rất mệt mỏi và căng thẳng nhưng anh cùng mấy người bạn của mình cũng vẫn cố gắng làm tăng ca để có tiền về quê sắm tết cho vợ con.

Tuy nhiên, đó lại chưa phải là những gì nguy hiểm và cơ cực nhất của những người thợ làm việc lơ lửng giữa bầu trời bởi khó khăn nhất chính là lúc họ…ăn cơm. Anh Trần Văn Thuận ở Châu Thành (Tây Ninh) - một người đồng nghiệp của anh Ba - chia sẻ: Không gì cơ cực bằng ăn cơm ở giữa lưng chừng trời như thế. Những ngày nắng thì còn đỡ chứ mưa gió, khổ cực lắm nhưng nếu không ăn, bị đói sẽ rất dễ mất sức mà tụt huyết áp gây nguy hiểm tới tính mạng. Đấy còn chưa kể, khi ăn phải cúi xuống chứ ít nhìn ngang như khi làm nên dễ bị chóng mặt. Nhiều thợ mới làm ở độ cao lớn không quen, vừa ăn xong nhìn xuống dưới chân lập tực ruột gan nhộn nhạo, ói hết sạch những gì mới ăn khiến họ phải làm tín hiệu đưa gấp xuống đất hồi phục thể lực. Thường, những người đã từng trải qua những cảm giác ấy ít khi có đủ can đảm để lên lại lưng chừng trời làm việc nữa, dù tiền thù lao có cao cỡ nào.

Mặc dù cả anh Ba và anh Thuận đều khẳng định, trong suốt quá trình làm việc của mình các anh chưa từng gặp ai bị tai nạn khi làm việc treo mình trên cao như vậy nhưng hai anh cũng chia sẻ thật lòng, không bao giờ chúng tôi có thể an tâm khi còn treo mình giữa trời như thế. Trong từng giây, từng phút vừa phải làm việc, vừa phải cảnh giác tất cả các tình huống có thể xảy ra. Và, chỉ đến khi chân chạm đất sau một ngày làm việc mới biết chắc mình… còn sống, còn có thể nghĩ đến ngày mai và mùa xuân cho gia đình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Giang (Dân Việt/Dòng Đời)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN