Mùa săn "ngưu chiến"

Sự kiện: Lễ hội

Có một vùng đất nằm ven trời Tây Bắc vào những dịp giáp Tết này lại rầm rập những bước chân của cánh săn “ngưu chiến” (trâu chọi) tìm đến lùng mua về cho các sới chọi dưới xuôi.

Trâu vùng cao trong đó có trâu Sốp Cộp không những cung cấp sức kéo mà còn cung cấp “trâu hay” cho các sới đấu

Trâu vùng cao trong đó có trâu Sốp Cộp không những cung cấp sức kéo mà còn cung cấp “trâu hay” cho các sới đấu

Trước đây, để có một con trâu chọi tốt nhất, các lão niên của nghề săn trâu chọi đã khăn gói quả mướp tới nhiều nơi, trong đó điểm chú ý nhất là các vùng núi phía Đông – Tây Bắc. Săn được một con trâu quý, đủ tiêu chuẩn, chưa qua “hồ”, gặp khách “kết” người ta dễ dàng bán được tới 50 - 60 triệu đồng và có thể hơn nữa so với giá chỉ khoảng 7 - 10 triệu đồng mua ở gốc. Săn trâu chọi từ lâu đã là nghề kinh doanh của nhiều người. Các năm trước, các thợ trâu truyền thống thường tìm đến ba nơi là Quỳ Hợp (Nghệ An), Yên Bái và Hủa Phăn của nước bạn Lào.

Thế nhưng trong những năm gần đây, cánh săn trâu chọi lại “đổ quân” đến một nơi hết sức xa lạ đó là huyện Sốp Cộp của tỉnh Sơn La. Các xã có tên như Mường Lèo, Mường Lạn, Sam Quảng… vào mùa này lại rậm rịch những bước chân săn lùng trâu chọi của người các miền tìm lên, nhất là “thợ” ở Hải Lựu (Vĩnh Phúc) và Đồ Sơn (Hải Phòng). Bất kỳ một nhà dân nào đó có trâu là có người tìm đến. Nâng lên đặt xuống rồi định giá mua. Nhiều nhà có trâu đẹp thì cả ngày có khách, nhiều lúc “khách săn” đổ đến cả chục người, lật móng, lật tai, xem khoang, xem khoáy…

Mùa săn "ngưu chiến" - 2

Theo giới thợ gạo cội của làng chọi trâu cổ Hải Lựu, xưa lắm người Hải Lựu đã biết tìm đến nhiều vùng để săn trâu chọi cho lễ hội của mình. Và cũng từ lâu trâu Sốp Cộp đã thể hiện những “công năng” và “tài ứng phó” trong khi lâm trận cùng những ngón đòn khá hiểm với bạn đấu. Ông Phạm Văn Thức, phường Vạn Sơn, thị xã Đồ Sơn, người từng có trâu đoạt giải vô địch qua 15 “kháp” đấu để rinh thưởng thì con trâu của ông cũng có nguồn gốc từ Sốp Cộp. Còn ông Đinh Đình Long có con trâu chọi số 09 phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn được giải 2 cho biết lâu nay giới trâu chọi Đồ Sơn đã biết trâu Sốp Cộp và cũng hay lên đây kiếm tìm.

Trong giới săn trâu chọi, ông Trần Văn Tài ở Hải Lựu (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang được cho là người nổi trội nhất trong việc săn tìm trâu chọi ở Sốp Cộp. Ông bắt đầu nổi danh từ lần lên Sốp Cộp thăm đứa em trai đang làm bộ đội biên phòng. Lúc đó huyện còn chưa tách khỏi Sông Mã, đường ô tô cũng chưa đi được. Vốn là một lái trâu lại là người mê trâu chọi nên khi nhìn thấy “tướng” và “dáng” trâu của Sốp Cộp ông đã mê ngay. Kết quả, tiền không đủ, ông nhờ đứa em “huy động” tài chính của rất nhiều lính biên phòng để mua được 2 con trâu ở Sam Quảng. Theo tướng nhìn trâu ông chắc chắn hai con ấy “sẽ làm nên chuyện”.

Hiện tại huyện Sốp Cộp đang đứng đầu tỉnh Sơn La về số lượng trâu. Huyện bé mà tổng đàn trâu đã lên đến trên 130.000 con. Nhờ số lượng trâu chăn nuôi và bán đổi cho thương gia vùng dưới nên dù là huyện xa xôi và khó khăn nhưng số hộ nghèo của huyện chỉ còn 20%.

Không có tiền thuê xe nên ông dắt bộ hai con trâu ấy về nhà. Một mình với hai con trâu, ngày nghỉ đêm đi, ông đưa hai con trâu theo đường tắt qua Mai Sơn, Cò Nòi, Đèo Chẹn, Song Pẹ rồi Phù Yên, Thanh Sơn mất 1 tuần trời với chặng đường trên 300km. Đem trâu về đến nhà, tiếng đã lan khắp nơi, nhất là với giới săn trâu chọi. Ông bán ngay một con với giá 60 triệu. Con còn lại, ông “hồ” (luyện) và đem đi chọi hai mùa giải ở Hội chọi trâu Hải Lựu đều đem lại vinh quang cả.

Sau do vợ ngã bệnh, nhà hết tiền ông đã phải dứt ruột bán con trâu đó cho một tay chọi dưới Đồ Sơn để lấy tiền thuốc thang cho vợ. Nghe đâu con trâu ấy về phố biển Đồ Sơn cũng giành một mùa giải. Từ hai con trâu trên, “lai lịch” của một giống trâu lạ trong giới nhanh chóng được tìm hiểu, loan truyền rộng khắp. Và chẳng bao lâu mảnh đất Sốp Cộp chật cứng những người lên đây săn trâu chọi.

Theo ông Cầm Văn Quang, một cán bộ nông nghiệp huyện Sốp Cộp: Trong các cuộc giao lưu hội thảo, thăm thú nhiều vùng miền có trâu và giống trâu quý trên toàn quốc ông thấy trâu Sốp Cộp có những ưu điểm rất quý. Ngoài to con, khỏe và dai sức thì trâu Sốp Cộp có một đặc điểm là rất “hứng chiến”, phù hợp với việc dùng để chọi.

Trâu Sốp Cộp lỳ và rất thiện chiến khi lâm trận. Ông từng chứng kiến nhiều trâu đực ở đây “gây sự” với nhau có “can” cũng không được. Nhiều con húc nhau bất phân thắng bại đến cả ngày. Để cứu trâu người dân ở đây phải dùng giẻ tẩm dầu quấn vào đầu cây tre rồi đốt chúng mới chịu rời nhau. Nhiều con trâu đánh nhau nhưng còn nhớ thù kinh khủng. Hễ gặp nhau chỗ nào là lại giương sừng đánh nhau. Có con đang kéo xe đến cả tấn hàng nhưng gặp địch thủ vẫn không nề hà lao vào húc nhau.

Với độ dài và rộng đến khó ngờ, sừng trâu Sốp Cộp còn là bảo vật của nhiều gia đình người dân tộc thiểu số nơi đây

Với độ dài và rộng đến khó ngờ, sừng trâu Sốp Cộp còn là bảo vật của nhiều gia đình người dân tộc thiểu số nơi đây

Về giống trâu đang được coi là đặc biệt này, ông Giàng Chứ Măng ở Mường Lèo cho biết, ông vốn là người Mông, do tập quán du canh du cư lên ông đưa gia đình đi kiếm sống ở nhiều nơi. Từ Mù Cang Chải (Yên Bái), Tân Kỳ (Nghệ An) rồi cả Pơ Xi Luông, Nong Phăn, Hủa Phăn của Lào nữa. Thế nhưng chưa ở đâu ông thấy có giống trâu dễ nuôi, to con và đánh nhau ác như ở Mường Lèo và Mường Lạn này. Ngay cả Hủa Phăn bên Lào là nơi các tay săn trâu để chọi ở Hải Phòng hay tìm đến giống trâu cũng kém hẳn trâu Sốp Cộp. Nhà ông Giàng Chứ Măng lúc nào cũng duy trì đàn trâu lên đến 60 con. Mỗi năm ngoài bán thịt ông cũng bán được 2 đến 3 con trâu cho người ta mua về chọi. Riêng năm ngoái, ông bán được một con cho một người săn trâu chọi với giá 30 triệu đồng.

Sở dĩ Sốp Cộp có giống trâu tốt, nhất là trâu chọi vì trâu ở đây còn giữ được nguồn gen, chưa bị pha tạp. Riêng xã Mường Lèo, “cái nôi” để sản sinh ra trâu chọi có 500 hộ gia đình nhưng có 3.000 trâu được chăn thả. Nhiều hộ dân ở xã, trong những năm gần đây đã giàu lên vì việc bán trâu cho dân chọi miền xuôi.

Mùa săn trâu chọi ở Sốp Cộp đang vào kỳ cao điểm. Các gia đình ở đây đang tổ chức cúng cơm để cho “mùa gọi trâu” về nhà của mình. Đây là một lễ hội rất đặc biệt ở nhiều thôn bản của Sốp Cộp. Trâu bò ở đây sau khi hết mùa lại được thả tự do vào rừng. Lúc nào cần sức cày, cần bán thì người dân lại vào rừng “gọi trâu” về mà không sợ bị mất hay bị nhà khác giết thịt.

Bất kỳ một nhà dân nào đó có trâu là có người tìm đến. Nâng lên đặt xuống rồi định giá mua. Nhiều nhà có trâu đẹp thì cả ngày có khách, nhiều lúc “khách săn” đổ đến cả chục người, lật móng, lật tai, xem khoang, xem khoáy…

Nguồn: [Link nguồn]

Chuyện ít ai biết về lễ hội chọi trâu cổ xưa nhất Việt Nam

Theo những người dân thuộc xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, lễ hội chọi trâu tại đây đã có truyền thống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ðơn Thương ([Tên nguồn])
Lễ hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN