Mua chức mua quyền... không lỗ đâu
“Bỏ ra 100 triệu đồng để chạy một suất giáo viên mầm non, lương 1,2 - 1,3 triệu nhưng không lỗ đâu, chỉ một vài năm là hoàn vốn ngay. Những người đó khi rút ví là đã tính đến việc thu lại”, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT nói.
Coi thường tại chức là suy nghĩ ấu trĩ
Trao đổi với PV, ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD - ĐT cho rằng, câu chuyện “tẩy chay” tại chức không còn mới nhưng nó ngày càng lan rộng đến các địa phương. Những người có suy nghĩ coi thường bằng tại chức là đi ngược lại sự phát triển của xu hướng thời đại, làm nhụt chí những người có ý chí phấn đấu. Chúng ta đang xây dựng một xã hội học tập suốt đời, muốn thế phải khuyến khích những người học tại chức chứ không phải hắt hủi họ như thế. Những người đánh đồng, coi thường bằng tại chức là “ấu trĩ”.
“Tôi rất buồn mỗi khi nghe các địa phương tuyên bố tẩy chay tại chức. Hệ học này tạo điều kiện cho những người không có điều kiện vào ĐH chính quy tiếp tục sự nghiệp học tập của mình, đa số họ đi làm và muốn bổ sung kiến thức để đảm bảo công việc. Họ là những người có ý chí, ý thức làm tốt bản thân, mong muốn cống hiến được nhiều hơn cho xã hội. Rất người tốt nghiệp tại chức ra làm việc rất tốt, giữ vị trí cốt cán trong xã hội. Người phát ngôn tẩy chay tại chức là không hiểu về vấn đề giáo dục, tuyển chọn con người, nặng bằng cấp”, ông Nhĩ nói.
Cũng theo ông Nhĩ, những người học tại chức không có lỗi, lỗi là ở người dậy, thái độ “nhất bên trọng nhất bên khinh.
“Thay vì hắt hủi, hãy cho họ điều kiện, cơ hội để phát triển, cho họ miếng đất để dụng võ như những người khác. Việc coi trọng đối tượng này, nhẹ người kia thể hiện sự lạm quyền, sự suy thoái xã hội”, ông Nhĩ gay gắt.
“Bỏ tiền chạy việc người ta đã tính toán thu lại rồi”
Nhắc đến phát ngôn gây sốc “dưới 100 triệu không có chuyện vào được công chức”, ông Trần Xuân Nhĩ không tỏ ra bất ngời và cho rằng, thực tế nhiều trường hợp còn hơn thế nhiều.
“Đây chính là hành vi tham nhũng của những người có chức có quyền. Tôi không chấp nhận được chuyện chạy việc, chạy chức, chạy quyền nhưng không biết làm thế nào để ngăn chặn. Những hành động chống đối của cá nhân chỉ là “ném đá ao bèo” mà thôi. Thực tế, nhiều người đứng lên tố cáo đã chuốc phải phiền phức, thiệt hại cho chính bản thân”, ông Nhĩ chán nản.
Ông Nhĩ cũng cho biết, hiện tượng mua quan bán tước ở thời đại nào cũng có. Tuy nhiên, nếu như trước kia, người ta “mua” một cách lén lút và tự cảm thấy xấu hổ thì ngày nay, họ xem đó như chuyện bình thường. Họ thản nhiên kể chuyện mất tiền để chạy việc, thậm chí còn coi đó như một chiến thắng “đáng khoe” và tự hào vì có tiền để chạy việc. Thậm chí, người ta còn ra giá, mặc cả như mua bán một món hàng bằng con đường trực tiếp người tuyển – người tìm hoặc thông qua cò mồi rồi chia chác với nhau. Đây là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức.
Khi được hỏi “theo ông ở Hà Nội, cụ thể trong ngạch giáo dục có hiện tượng chạy việc không?”, ông Nhĩ khẳng định: “Chắc chắn là nhiều”. Có trường hợp ông tận tai nghe kể chứ không phải nghe lại dư luận.
Ông Nhĩ cũng không hề ngạc nhiên trước việc bỏ ra hàng trăm triệu để nhận mức lương hơn triệu/tháng vì những người đó đã tính chuyện thu về ngay từ khi “rút ví”.
“Bỏ ra 100 triệu đồng để chạy một suất giáo viên mầm non, lương 1,2 – 1,3 triệu nhưng không lỗ đâu, chỉ một vài năm là hoàn vốn ngay. Hệ thống trường công lập của mình giờ còn tiêu cực nhiều, bản nhận xét gia đình cũng phải kèm theo tiền. Phụ huynh nào muốn cho con vào trường công lập tốt cũng phải chi vài ba trăm triệu, phần nhiều qua giáo viên môi giới”, ông Nhĩ nói.
Ông Nhĩ thẳng thắn chia sẻ, khi còn đương chức, nhiều người đến “nhờ vả” nhưng ông đều từ chối nếu dính líu đến tiền.
“Tôi kịch liệt phản đối chuyện dùng tiền mua việc nên nếu người nào tìm đến tôi với ý đồ đó tôi sẽ khuyên họ từ bỏ. Cái tôi có thể giúp họ là dùng tình cảm để nhờ mọi người hộ, ai giúp được thì giúp, còn cái gì cần thi cử vẫn phải nghiêm túc theo đúng quy định”, ông Nhĩ tiết lộ.
Nói tới biện pháp để ngăn chặn, hạn chế tình trạng “chạy việc” như một dịch bệnh ngày càng lan rộng trong xã hội, ông Nhĩ cho rằng, chỉ có cách là đạo đức của con người, nhất là những người có chức, quyền phải tốt lên, sống lương tâm, thật thà, công minh.