Một nhà 6 người chịu 5 tai nạn giao thông
Chín năm ròng rã ông ngồi vật vã bên bàn thờ hai con thơ chết thảm do xe tải đâm. Chín năm ông cam chịu tiểu tiện bằng ống dẫn nhân tạo và đôi chân tật nguyền đớn đau sau cú va chạm ngã xe trên đường. Chín năm đứa con vỡ xương đùi lầm lũi lo cho cha và đi vá xe đạp thuê kiếm sống.
Vợ ông đi bán vé số ở TP.Hồ Chí Minh cũng lâm nạn gãy chân, phải chống nạng gỗ bước thấp bước cao, lóng ngóng trong bốn bức tường. Nhà có 6 người, thì 5 người bị tai nạn giao thông, 2 người đã mất. Đó là gia cảnh của nông dân Nguyễn Văn Ngọc ở thôn Phước Thịnh, xã Hoà Bình 2, huyện Tây Hoà (Phú Yên).
Bước chân lên bậc thềm gian nhà nhỏ cũ kỹ của ông Nguyễn Văn Ngọc ở gần hốc núi Hương, tôi đứng khựng hồi lâu, cay cay sống mũi khi đập vào mắt là bàn thờ với di ảnh của hai đứa trẻ mắt sáng long lanh, cổ đeo khăn quàng đỏ. Phía trước là người đàn ông tiều tụy, ngồi ghế thấp đeo lủng lẳng bịch nước tiểu, và một người đàn bà chống nạng gỗ đứng cạnh. Bên kia bức tường, người mẹ già lững thững bước ra bậc cửa mời khách vào nhà.
Bà Nhiên xót thương hai đứa con thơ chết thảm vì TNGT
Bà gần như thều thào: “Vợ chồng thằng Ngọc, con trai tui đấy. Tội nghiệp chúng nó sống dở chết dở vì tai hoạ liên tục bủa vây gia đình. Hai vợ chồng đều bị tật không tự đi đứng được do tai nạn, không lao động được, không tiền mua thuốc men chữa trị nên ngồi... rên suốt ngày vì xương cốt đau nhức”.
Hoạ vô đơn chí
Cũng như bao nhà nông sinh sống ở nông thôn khác, vợ chồng ông Ngọc quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tần tảo sớm hôm cày sâu cuốc bẫm, chắt chiu lo cho bốn đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Dẫu nghèo, nhưng cuộc sống gia đình ông Ngọc hạnh phúc, mọi việc đều hành thông, trong ấm ngoài êm, con cái ngoan hiền, học giỏi. Nhưng bỗng nhiên tai hoạ đổ ập xuống. Cả 3 đứa con trai ông Ngọc đang đi đến nhà cô ruột để nhận quà thưởng học sinh giỏi thì bị xe tải chở lúa gây tai nạn.
Ông Ngọc nhìn lên bàn thờ hai con, rớm nước mắt: “Đó là đầu tháng 8/2003. Khi tôi tất tả chạy đến nơi, thì hỡi ôi hai thằng Nghĩa (đang học lớp 9) và Đức (đang học lớp 6) đã tắt thở trên vũng máu. Chỉ thằng đầu tên Thạch tuy may mắn sống sót, nhưng bị thương nặng, gãy đùi trái”. Nuốt vào trong nỗi đau xé lòng, vợ chồng ông Ngọc vừa lo hậu sự cho Nghĩa và Đức, vừa đưa Thạch vào TP.Hồ Chí Minh để phẫu thuật vết thương. Ông nhớ lại: “Ngoài sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, bà con, tôi phải bán sạch 6 sào ruộng cũng không đủ thuốc thang chữa trị cho con. Ngày ấy, chi phí hết 26 triệu đồng, vẫn còn thiếu hơn 400.000 đồng viện phí, tôi không biết xoay xở thế nào, đành bỏ Thạch một mình ở bệnh viện, đón xe từ TP.Hồ Chí Minh về nhà để vay tiền”.
Tháng 10/2004, sau bốn ngày cùng người em rể đi phụ hồ tại một công trình xây dựng ở TP.Tuy Hoà, chiều tối trên đường chạy xe máy về nhà, ông Ngọc bị chiếc xe tải chạy nhanh chiếu đèn, loá mắt, nên mất tay lái, té vào lề đường. Ông Ngọc được cứu sống sau đó nhưng lại bị liệt hai chân, vỡ bàng quang phải dẫn ống nước tiểu ra ngoài. Bác sĩ phát hiện thêm ba đốt sống cổ của ông bị thoái hoá phải phẫu thuật thay đốt nhân tạo. Và từ đó, ông Ngọc trở thành người tàn phế. Để rồi mọi lo toan cơm, áo, thuốc men... đều oằn lên vai người vợ là bà Đặng Thị Nhiên (57 tuổi). Không còn ruộng nương, bà Nhiên ở nhà vừa chăm sóc chồng bệnh, vừa chăn nuôi heo, gà nhưng không mấy hiệu quả do dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Kinh tế gia đình khánh kiệt, dồn vào ngõ cụt. Bà đành giao cho con gái út vừa đi học, vừa lo cơm nước cho cha, rồi đi tha phương cầu thực, lang thang bán vé số ở TP.Hồ Chí Minh.
Vợ chồng ông Ngọc bị tật nguyền, ngồi tại chỗ nên khó có thể cưu mang
mẹ già và các con
Nhưng “ông trời” vẫn chưa chịu buông tha cho gia đình ông Ngọc. Vào ngày 5/9/2011, trong lúc đi lấy vé số để bán, một người lái xe môtô phóng nhanh đâm sầm vào bà Nhiên cùng một người bán vé số khác. Bà Nhiên nằm lăn quay với cẳng chân trái gãy nát, còn người gây ra tai nạn thì cao chạy xa bay. Bà Nhiên kể trong nước mắt: “Lúc đó tui chỉ có được một triệu đồng, không đủ đóng viện phí để phẫu thuật lắp ghép lại xương. Cũng may chủ đại lý và những người bán vé số tốt bụng quyên góp tiền lo cho tôi. Nằm điều trị một thời gian ngắn thì hết tiền. Dù vết thương nẹp inox còn rướm máu, tôi đành xuất viện về nhà và làm bạn với cái nạng gỗ này đây!”.
Họ cần sự tiếp sức…
Không có nỗi đau nào đau hơn khi gia đình gánh chịu đến ba lần tai nạn, cùng lúc cướp đi mạng sống của hai đứa trẻ, và cả vợ chồng cùng đứa con trai còn sống phải gánh chịu tật nguyền, mất khả năng lao động. Gia cảnh lâm cảnh kiệt quệ, bế tắc. Bà Đặng Thị Nhiên liên tục day day xương ống chân trái, bảo: “Bây giờ cái chân bị gãy đã lành hẳn rồi, nhưng inox nẹp bên trong đang “ăn” lồi da và đau nhức dữ dội. Ai cũng khuyên tui đi mổ lấy đinh inox ra, nhưng tui làm chi có tiền mà mổ?”.
Nghe vợ nói, ông Ngọc ngồi bên nước mắt ngắn dài, nhưng hoàn cảnh của ông còn thảm thiết hơn. Chín năm trôi qua, ông ngồi vật vã, đớn đau bên bàn thờ con thơ. Bác sĩ dặn ông mỗi tháng phải thay ống dẫn nước tiểu 2 lần (mỗi lần tốn hơn 20.000 đồng) và uống thuốc hằng ngày để chống viêm nhiễm đường tiết niệu. Nhưng vì không có tiền, ông cứ khử trùng ống nhựa cũ bằng nước đun sôi rồi dùng lại! Do ăn uống thiếu thốn, không tiền thuốc men chữa bệnh tật... nên sức khoẻ của ông Ngọc ngày càng yếu đi, chỉ ngồi tại chỗ. Ông Nguyễn Ngọc Thư - em ruột ông Ngọc - thương anh quá đã từng bán cả lô đất ở xã Bình Ngọc (TP.Tuy Hoà) để đưa anh vào TPHCM chữa trị ở nhiều bệnh viện khác nhau, nhưng vẫn không có kết quả.
Buổi trưa ngồi trong gian nhà nhỏ không có quạt máy, nóng hầm hập, anh Nguyễn Toán Huy – hàng xóm đến thăm ông Ngọc - chia sẻ: “Mấy năm nay tôi luôn ám ảnh trước cái chết của hai đứa con ông Ngọc. Tai nạn tai ác đã đẩy gia đình ông tan nát, lâm cảnh nợ nần, mất sức lao động và sống lay lắt vì chẳng có nguồn thu nhập. Bà con ở đây thương cảm thường động viên tinh thần, giúp đỡ bát gạo, con cá, mớ rau...”.
Nghe vậy, ông Ngọc tủi thân khóc thành tiếng: “Nhiều khi tui muốn chết đi cho khoẻ nhưng không chết được. Tôi nợ ân tình, tiền bạc... của bà con, xóm giềng nhiều đến mức không dám nghĩ tới. Suốt 9 năm kể từ ngày tai nạn ập đến, gia đình tui phải vay mượn nhiều người để lo chữa trị cho con, cho tui, cho vợ tui nhưng chưa trả được. Đã rứa cả nhà tui còn phải sống nhờ vào sự cưu mang, đùm bọc, yêu thương của anh em, bà con xóm làng và bạn bè không biết đến bao giờ...”.
Dứt khóc, ông Ngọc lại than ngắn thở dài. Ông bảo điều đau đớn nhất, hành hạ ông khổ sở nhất bây giờ không phải là vết thương do tai nạn, mà là tương lai của đứa con gái út duy nhất.
Nguyễn Thị Kim Quý - tên con gái ông Ngọc - vừa lo nội trợ, vừa học thi ở hai trường Đại học Thuỷ sản Nha Trang và Công nghệ thực phẩm TPHCM và có thể đậu nguyện vọng vào hệ cao đẳng. Nhưng gia đình còn ăn bữa đói bữa no, mỗi ngày chi tiêu chỉ 5.000 đến 10.000 đồng tiền chợ, thì lấy đâu ra ngân khoản cho con tiếp tục học lên cao đẳng, đại học! Thêm đó là nỗi lo đau đáu cho đứa con trai cả bị tai nạn tật nguyền, ốm yếu phải tự đi kiếm sống bằng nghề vá lốp xe đạp thuê ở TP.Tuy Hoà...
Suốt mấy chục năm làm báo, tôi chưa bao giờ nghe, chứng kiến một câu chuyện nào đớn đau khủng khiếp đến như vậy. Trong hàng trăm “cảnh đời” mà tôi đã đi qua, cũng chưa có cảnh đời nào “bi thảm, bế tắc, không tương lai, không lối thoát..” như nhận xét của ông Võ Thành An - Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Bình 2. Họ đang cần lắm sự trợ giúp, chia sẻ của cộng đồng xã hội về tinh thần, vật chất để chữa bệnh tật và trên hết là được tiếp tục được sống theo nghĩa cụ thể nhất.