Một ngày “căng như dây đàn” ở Ban Tiếp công dân T.Ư

Sự kiện: Thời sự

Có lẽ hiếm có nơi nào, môi trường làm việc lại áp lực và căng thẳng như Ban Tiếp công dân T.Ư (Thanh tra Chính phủ) ở số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông (Hà Nội).

Một ngày “căng như dây đàn” ở Ban Tiếp công dân T.Ư - 1

Trưởng Ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp trong một buổi đối thoại với người dân - Ảnh: Ngọc Dương

Chia sẻ với Báo Giao thông, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp nhận định, vấn đề mấu chốt và trách nhiệm chính nằm ở cấp chính quyền địa phương. Nếu địa phương làm tốt, người dân sẽ không kéo lên T.Ư khiếu kiện. Nhiều lãnh đạo địa phương không chịu đối thoại với dân, hoặc chỉ đối thoại hình thức, không có cách giải quyết, công tác tuyên truyền vận động kém.

Trong khi cán bộ chia nhau tiếp dân trong các phòng, ở ngoài vẫn không ngừng vang lên những lời ai oán, hò hét, thậm chí chửi bới của người đi khiếu kiện.

Bên ngoài ai oán

Trong túp lều dựng tạm trên vỉa hè ngay sát trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư, có đôi vợ chồng gày gò với ánh mắt buồn đang ngồi sắp lại chồng đơn thư. Đó là vợ chồng ông Vũ Văn Hiến (SN 1963) và bà Lê Thị Hường (SN 1960) ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông bà tới đây để khiếu nại, tố cáo về việc tổ chức thi hành sai án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Nghệ An khiến ông bà mất toàn bộ đất đai, nhà cửa.

Có người hỏi chuyện, như được trút mọi nỗi lòng cùng sự oan ức lâu nay, bà Hường bật khóc. Bà kể, vợ chồng bà đều là công chức Nhà nước, khi về hưu mở cơ sở kinh doanh nhôm kính. Gia đình cũng có điều kiện, có nhà lầu, xe hơi. Thế như ng, từ một vụ việc dân sự, do sai phạm của cơ quan thi hành án dân sự đã cưỡng chế, kê biên toàn bộ tài sản, nhà cửa, đất đai của gia đình bà, biến gia đình bà trở thành tay trắng, sống tha phương cầu thực hàng chục năm nay.

Vừa lấy tay gạt nước mắt, vừa giơ cho PV xem hàng chục bài báo cùng tập văn bản là ý kiến chỉ đạo của các cơ quan chức năng, bà Hường nói, vợ chồng bà đã được tiếp nhiều lần, các cơ quan chức năng cũng đã có ý kiến nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Theo đó, các cơ quan cũng nhận định đây là vụ việc oan sai.Thế nhưng, sau hơn 10 năm, vì sự vòng vo và các cơ quan đổ lỗi cho nhau nên gia đình bà chưa được giải quyết quyền lợi và khắc phục thiệt hại.

Ông Hiến, chồng bà, chỉ vào xấp đơn cay đắng nói: “Tài sản duy nhất của vợ chồng tôi đấy. Khoảng 2 tạ đơn kêu cứu, đơn khiếu kiện, đơn tố cáo…”.

Từ chỗ sống sung túc, hơn 10 năm nay, vợ chồng bà Hường lang thang khắp Hà Nội, sống ở ga tàu, bến xe, vỉa hè, vì không có một xu để thuê nhà trọ. Ba người con của ông bà phải bỏ dở học hành, phiêu bạt khắp nơi kiếm sống. Quần áo cũng không có, vợ chồng bà được người dân thương tình đem cho. Thấy vợ chồng bà khổ quá, nhiều người thương tình cho cơm ăn qua ngày. Lúc khoẻ mạnh, bà Hường phải đi rửa bát thuê, nhặt ve chai kiếm sống. Bà vừa kể, nước mắt vừa chảy giàn giụa vì những nỗi oan “không ai thấu”.

“Có lần khổ quá, vợ chồng tôi đến cổng Bộ Công an xin được ở tù, để có cơm tù ăn. Mọi người chỉ biết nhìn vợ chồng tôi rồi chảy nước mắt, động viên chúng tôi cố gắng giữ sức khoẻ và vượt qua mọi chuyện”, bà Hường nức nở.

Bên cạnh túp lều của bà Hường là bà Nguyễn Thị Hiệu (60 tuổi, quê Tuyên Quang). Bà Hiệu nguyên là cán bộ của trung tâm y tế tỉnh. Thế nhưng, trong nhiều năm, bà Hiệu liên tiếp tố cáo 3 vụ tham nhũng trong nội bộ cơ quan nên đã bị trù dập, đuổi việc. Các cơ quan sau đó vào cuộc và yêu cầu phục hồi lại công việc và quyền lợi cho bà Hiệu. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, việc này không được thực hiện. “3 lần tôi tố cáo tham nhũng là 3 lần tôi bị kỷ luật. Không chỉ trù dập tôi, họ còn không cấp sổ đỏ cho bố mẹ tôi chỉ vì có con tố cáo tham nhũng. Bố mẹ tôi chết cũng không có nhà ở”, bà Hiệu kể, nước mắt không ngừng rơi.

Bà Hiệu cho biết, bà ở Hà Nội đi khiếu kiện từ năm 2009 đến nay. Tết bà cũng không về nhà vì không có nhà để ở. Dù đã được Ban Tiếp công dân T.Ư tiếp, có văn bản gửi Bí thư, Chủ tịch tỉnh, nhưng bà Hiệu cho rằng, địa phương “không đoái hoài gì” nên bà phải tiếp tục kêu cứu, bởi có trở về bà cũng chẳng còn gì. Vì vậy, hàng ngày bà bắt xe buýt đi khắp các cơ quan chức năng kêu cứu, gửi đơn, mệt quá lại về túp lều bên vỉa hè nằm.

Những người khiếu kiện kéo dài hàng chục năm trời như vợ chồng ông Hiến, bà Hường, bà Hiệu ở đây không ít. Họ vẫn quyết khiếu kiện đến cùng, bởi “không còn gì để mất”.

Một ngày “căng như dây đàn” ở Ban Tiếp công dân T.Ư - 2

Băng rôn được người đi khiếu kiện căng đầy trước cổng trụ sở Ban Tiếp công dân T.Ư

Bên trong căng thẳng

Nếu như 2 năm trước đến Ban Tiếp công dân T.Ư sẽ thấy cảnh người dân đi khiếu kiện tập trung rất đông trong sân trụ sở, kèm theo băng rôn, khẩu hiệu và không ngừng hò hét, thì nay, an ninh ở đây đã ổn định hơn. Từ sau sự việc Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp bị những người quá khích đẩy ngã vào năm 2016 và sau nhiều vụ cán bộ tiếp dân bị tấn công, đến nay, trụ sở luôn đóng cửa. Chỉ những người dân mang theo đơn và xuất trình giấy tờ tuỳ thân được vào đăng ký, với những đoàn đông người thì 5 người đại diện sẽ được vào.

Ông Vũ Xuân Trong, Đội trưởng Đội Bảo vệ qua nhiều năm làm việc ở đây nhận định, những đoàn khiếu kiện đông người vẫn kéo đến đây, thậm chí có những người 5 năm ông vẫn thấy xuất hiện ở đây. Đang kể chuyện, ông hướng mắt ra ngoài cổng, chỉ tay vào chiếc xe 29 chỗ vừa dừng lại rồi nói: “Đấy, xe lại chở đoàn dân khiếu kiện về đấy. Họ kéo nhau lên trụ sở các cơ quan T.Ư, rồi lại về đây. Có khi họ bức xúc quá, gây rối, làm ầm ĩ, thậm chí đánh cả bảo vệ nhưng chúng tôi vẫn không dám động tay động chân gì”, ông Trong chia sẻ.

Những người trong đội bảo vệ quen mặt người dân đi khiếu kiện đến nỗi họ có thể chỉ tay, đọc tên và nhớ hoàn cảnh từng người. “Công việc ở đây rất áp lực, mệt mỏi. Có những đoàn hàng trăm người kéo đến khiếu kiện. Như khoảng 5 tháng trước, một đoàn hơn trăm người ở TP HCM vừa được tiếp xong nhưng do không hài lòng, họ trèo qua cả cơ quan rồi tràn vào trong la hét, chửi bới, đánh lộn”, ông Trong kể.

Chất chứa nỗi niềm

Chia sẻ với Báo Giao thông, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư Nguyễn Hồng Điệp nhận định, vấn đề mấu chốt và trách nhiệm chính nằm ở cấp chính quyền địa phương. Bởi, nếu địa phương làm tốt, người dân sẽ không kéo lên T.Ư khiếu kiện. “Nhiều lãnh đạo địa phương không chịu đối thoại với dân, hay chỉ đối thoại hình thức, tiếp dân xong không có hình thức giải quyết, công tác tuyên truyền vận động kém. Thậm chí, một số địa phương có thái độ không đúng mực với dân, không phải người phục vụ mà như người “cai trị”, ông Điệp chia sẻ.

Bên cạnh đó, cũng không phủ nhận có người dân quá khích, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để vi phạm pháp luật, có khi đúng rồi nhưng vẫn đòi “yêu sách”.

Hiện nay, Ban Tiếp công dân T.Ư có khoảng 10 cán bộ làm công tác tiếp dân, còn lại làm việc khác và xử lý đơn thư.

Báo cáo của Ban Tiếp công dân T.Ư cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, tình hình khiếu kiện của công dân có nhiều diễn biến phức tạp. Số lượng công dân tập trung tại khu vực trung tâm thành phố, nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, trụ sở các cơ quan T.Ư gia tăng và có nhiều hành vi manh động như đe doạ tự thiêu, tấn công lực lượng công an làm nhiệm vụ. Thậm chí, một số công dân khiếu kiện đã gọi điện, nhắn tin đe doạ đến lãnh đạo, công chức của Ban gây ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ.

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Tiếp công dân T.Ư đã tiếp 8.333 lượt công dân đến trình bày 2.407 vụ việc. Số đoàn đông người tập trung khiếu kiện tại trụ sở Tiếp công dân T.Ư là 236, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình trạng nhiều đoàn khiếu kiện đông người và kéo dài, ông Điệp cho rằng, phải xem xét trách nhiệm chính quyền. “Để người dân khổ hàng chục năm trời mà chính quyền vô can là sao? Chỉ đến khi báo chí nêu chính quyền mới biết dân khổ, càng như thế dân càng mất lòng tin”, ông Điệp nói.

Nhắc đến những ngày nắng nóng vừa qua, hay những đợt mưa rét mùa đông, ông Điệp nói: “Nếu nhìn cảnh ấy, sẽ không ai có thể cầm được nước mắt. Bởi dân đi khiếu kiện rất khổ, không có tiền, không có nhà ở, họ phải ở vỉa hè, nhìn xót xa lắm”. Ông Điệp cũng nhớ từng trường hợp, như trường hợp ông Ngọc ở Kim Sơn, Ninh Bình hơn 50 tuổi đi khiếu kiện đất đai còn dẫn theo 2 cháu ngoại “bé lít nhít”, lang thang, vạ vật ở vỉa hè vì không có tiền thuê trọ, rất xót xa. Rồi trường hợp bà Vân hơn 80 tuổi ở Hải Dương khiếu kiện bao năm nay, chỉ ao ước thiết tha được đối thoại với Chủ tịch tỉnh một lần, nhưng ba lần Ban Tiếp công dân T.Ư có văn bản, một lần VPCP có văn bản, đến giờ Chủ tịch tỉnh vẫn không tiếp.

Theo ông Điệp, ai trực tiếp tiếp dân, đi theo họ mới thấy có những vụ việc rất bức xúc, bà con rất thiệt thòi. Họ bị oan, vì chính quyền không chịu đối thoại nên họ mới lên đây.

Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo, để dân lên T.Ư khiếu kiện thì Chủ tịch, Bí thư phải lên đưa dân về đối thoại, nhưng ông Điệp cho rằng, bên trên chỉ đạo mạnh mẽ, nhưng bên dưới “không hề chuyển động”. “Không chỉ dân bức xúc đâu, chúng tôi cũng bức xúc, có khi chúng tôi đề nghị nhiều lần địa phương lên đưa dân về nhưng họ không phối hợp. Nhưng chúng tôi lại chưa có chế tài xử lý họ”, ông Điệp nói và tự ví, “thấy người dân chết đuối, mình muốn cứu nhưng lại không biết bơi, chỉ biết kêu và la lối vậy thôi”. Từ đó, ông đề xuất “bêu tên” những địa phương có các đoàn khiếu kiện đông người nhưng để kéo dài, mãi không giải quyết.

Theo ông Điệp, Ban Tiếp công dân T.Ư theo thẩm quyền hướng dẫn người dân các thủ tục cần thiết, xem xét thẩm quyền giải quyết vụ việc của dân ở đâu thì sẽ có văn bản gửi đến đó đề nghị giải quyết. Với những vụ phức tạp ban sẽ báo cáo Tổng thanh tra cho kiểm tra, thanh tra. Nhưng thẩm quyền chỉ đến như vậy, cũng không có chế tài xử lý nếu các cơ quan khác không phối hợp thực hiện. Vì vậy, nhiều người dân dù được tiếp vẫn chưa thể thoả mãn.

“Bản thân tôi cũng rất nhiều lần bị người dân khiếu kiện gọi điện, nhắn tin đe doạ giết cả nhà. Rồi thời gian gần đây, có khi họ kéo đến trước cửa nhà riêng để doạ nạt, chửi bới, nhưng tôi không thể làm gì được”, ông Điệp kể và không quên nhắc đến tâm tư của các cán bộ tiếp dân khi liên tiếp làm việc trong môi trường áp lực, căng thẳng bởi nhiều người gây rối. Hay như vừa qua có người bức xúc quá, tự thiêu trước trụ sở cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý anh em. Ban Tiếp công dân T.Ư cũng kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, quyết định việc đưa trụ sở Tiếp công dân T.Ư vào mục tiêu bảo vệ của lực lượng cảnh sát nhân dân.

Khắp nơi tắc việc cấp căn cước công dân

Lãnh đạo C72 cho biết từ ngày 5-10 sẽ giải quyết đồng loạt cho người dân, đồng thời khẳng định “sẽ không bao giờ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN