Mốt mặc “áo giáp” đi trên đường: Dễ gây tai nạn liên hoàn

Cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP.Hà Nội) cho biết, người điều khiển phương tiện mặc “áo giáp” đi trên đường vào ngày trời lạnh dễ gây tai nạn cho chính bản thân họ và các phương tiện khác…

Ngày 26.11, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tại thủ đô Hà Nội, nhiệt độ phổ biến từ 14 đến 20 độ C; vùng núi nhiệt độ phổ biến 10 - 13 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 10 độ C, trời rét đậm.

Để chống lại cái rét, nhiều người đã chuẩn bị cho mình một chiếc áo khoác to, dày giống như một chiếc chăn bông hay chiếc "áo giáp". Mốt áo khoác lạ mắt này đã bắt đầu xuất hiện tại một số shop ở Việt Nam, tuy nhiên chưa được nhiều người dân biết đến.

Mốt mặc “áo giáp” đi trên đường: Dễ gây tai nạn liên hoàn - 1

Mốt mặc “áo giáp” đi trên đường: Dễ gây tai nạn liên hoàn - 2

Loại áo khoác to dày, giống chiếc “áo giáp” đang được quảng cáo trên mạng xã hội.

Trao đổi với phóng viên ngày 27.11, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP.Hà Nội) cho biết, Luật Giao thông đường bộ không cấm chủ phương tiện mặc áo khoác chống rét giống “áo giáp” khi lưu thông trên đường. Do vậy, hiện nay chưa có chế tài xử phạt đối với người dân mặc loại áo này.

Thượng tá Quỹ cho biết, tuy luật không cấm, nhưng người điều khiển phương tiện mặc “áo giáp” (loại áo khoác to giống chiếc chăn bông) khi lưu thông trên đường hoàn toàn không phù hợp.

“Vào giờ cao điểm, nếu người điều khiển phương tiện mặc chiếc áo to, dày khi lưu thông trên đường rất dễ bị người khác đi cùng chiều va quệt vào, hoặc vật dụng nào đó của phương tiện đi cùng chiều móc phải. Như vậy, vô tình người mặc áo khoác đó đã gây tai nạn cho chính bản thân mình, thậm chí có thể gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc”, thượng tá Quỹ nói.

Theo thượng tá Quỹ, đối với người điều khiển phương tiện mặc “áo giáp” đi trên đường, khi gặp phải sự cố, họ sẽ không kịp xử lý tình huống, dễ ngã ra đường. Thêm nữa, việc người dân mặc áo chống rét giống “áo giáp” cũng gây chú ý cho người dân xung quanh. Như vậy, tai nạn giao thông rất dễ xảy ra, gây thiệt hại cho bản thân họ, gia đình, xã hội.

“Trước đây cũng đã có một số vụ tai nạn giao thông liên quan đến việc người điều khiển phương tiện mặc khoác áo to, dày khi lưu thông trên đường. Do vậy, người dân không nên vì trang bị cho bản thân chiếc áo chống rét quá to, dày mà gây nguy hiểm cho bản thân mình, người xung quanh”, thượng tá Quỹ nói thêm.

Thượng tá Quỹ cho hay, các nước Châu Âu, nhiệt độ xuống đến dưới 0 độ C, người dân vẫn mặc áo khoác dày, gọn gàng. Còn ở Việt Nam, nhiệt độ 14 độ C cũng chưa phải là quá lạnh. Vì vậy, cán bộ cảnh sát giao thông này khuyến cáo người dân khi ra đường nên mặc đủ ấm, làm sao để thuận lợi nhất khi điều khiển xe máy.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 27.11, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, không thấy người dân mặc “áo giáp” chống rét lưu thông trên đường. Nhiều chủ cửa hàng bán quần áo ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho hay, do thời tiết chưa lạnh sâu nên các cửa hàng chưa bán loại áo chăn chống rét này.

Chỉ có một số ít trang mạng xã hội rao bán loại áo này. Theo thông tin quảng cáo, chiếc áo này tựa như một chiếc chăn được may thêm phần tay nối để cầm lái. Ở phía sau chiếc áo có may thêm phần đai ngang vòng qua lưng để cố định. Chiếc áo chăn không thấm nước, có thể sử dụng cả lúc đi mưa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN