Méo miệng đọc tên cơ quan nhà nước

“Tôi không hiểu số phận thế nào, những cơ quan tôi công tác đều có cái tên rất dài. Nhiều khi tên dài quá cũng khó giao dịch” - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Cái tên giải quyết khâu “oai”?

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ: “Tôi không hiểu số phận thế nào, những cơ quan tôi công tác đều có cái tên rất dài. Trước đây tôi công tác ở trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Đây là tên quá dài, nhiều khi cái tên dài quá cũng khó giao dịch”.

GS Nguyễn Minh Thuyết lý giải, sau khi hợp nhất với một số trường ĐH thành ĐHQGHN, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội tách ra thành Trường ĐHKH Xã hội và Nhân văn và Trường ĐHKH Tự nhiên. Tên cả hai trường đều quá dài. ĐHKH Xã hội và Nhân văn được đặt tên theo xu hướng mới lúc đó phân biệt khoa học xã hội với khoa học nhân văn.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết dùng chữ “trường” để chỉ ĐH Quốc gia Hà Nội là sai; chữ ấy chỉ được dùng để chỉ các trường thành viên của ĐHQG hoặc các cơ sở giáo dục ĐH “một cấp” như Trường ĐH KH Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Bách khoa.

Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nếu chỉ gọi ĐH, không có chữ “trường” là sai ngữ pháp. Trong tiếng Việt, “đại học” là danh từ, nhưng chỉ làm định ngữ, không đứng độc lập. Ví dụ như giáo trình đại học...

Hơn nữa, việc gọi tên “ĐH” trong giao dịch cũng rất khó. Ví dụ, khi làm việc với các viện nghiên cứu hay các cơ sở giáo dục ĐH, người ta gọi là “quý viện”, “quý trường”... không ai gọi “quý ĐH”. Bây giờ, do có sự phân biệt “ĐH” với “trường ĐH”, nhiều cơ sở ĐH ghi biển tên cũng lược chữ “trường” tạo nên sự mập mờ cho giống với cơ sở giáo dục ĐH “hai cấp” như các ĐH quốc gia, ĐH vùng... Có thể việc lược đi như vậy chỉ giải quyết khâu oai, nhưng cách gọi ấy tạo sự mập mờ.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cũng đồng tình quan điểm dùng chữ ĐH một cách chung chung. Bởi chữ ĐH là từ định tính, để phân biệt với trung học, tiểu học.

Ngoài ra, hiện nay đang có hiện trạng dịch tên trường ĐH sang tiếng Anh khá lộn xộn. Ở nước ngoài, các trường thành viên của ĐH “hai cấp” dùng chữ College, còn bản thân ĐH “hai cấp” là university.

Nhưng ở nước ta, các trường thành viên không muốn dùng chữ college vì sợ gọi thế mình sẽ thấp hơn các trường ĐH khác (các trường ĐH khác nhỏ hơn, thành tích, bề dày kém hơn, trường ĐH tư thục mới mở... đều là university cả). Bởi vậy, để cho oai, nhiều trường thành viên cũng dùng tên tiếng Anh là university. Như vậy, có university trong university, “Tây” chịu không hiểu được.

Méo miệng đọc tên cơ quan nhà nước - 1

Chỉ có mình nhớ nổi tên cơ quan mình

GS. Nguyễn Minh Thuyết dẫn chứng thêm cơ quan thứ hai ông làm việc là Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Theo ông Thuyết: “Nó dài đến mức nhiều người, nhiều cơ quan gọi sai hoặc hiểu không đầy đủ. Theo tên gọi, nhiều người nghĩ cơ quan này phụ trách mảng văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Nhưng thực ra, Ủy ban còn giúp Quốc hội giám sát, theo dõi các mảng văn hoá thông tin, thể thao”.

“Chỉ có mình làm việc ở đây nên mới nhớ tên cơ quan mình, chứ người khác rất khó nhớ. Trong quá trình làm việc trước đây, các bộ khi làm việc cũng gọi tên ủy ban này sai lung tung cả lên. Khi thì gọi thiếu, khi gọi lộn ngược”.

Ông Thuyết nhớ lại, ủy ban này được tách ra từ Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, sau đó nhập thêm mảng thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nên thành ra có cái tên ghép dài như vậy. Theo GS Thuyết, có thể do những người trong các ủy ban sáp nhập quan niệm, thiếu đi một vế nào đó trong tên gọi ủy ban mới sẽ không phản ánh hết cơ cấu. Cũng như việc nhiều bộ ngành, địa phương của nước ta khi sáp nhập cũng giữ “khư khư” tên cũ.

Ông Thuyết lấy ví dụ: Bộ Công nghiệp và Thương mại sáp nhập với nhau thành “Bộ Công Thương”. Nhiều tờ báo quy định viết hoa cả chữ Công và Thương (Bộ Công Thương) vì cho rằng đây là hai mảng khác nhau nhập lại. Tuy nhiên, theo GS. Thuyết, đó là viết sai chính tả, nếu đúng phải viết “Công thương”. Cái tên này đã có ít nhất từ năm 1945, chứ không phải bây giờ nhập 2 bộ vào mới có.

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cũng cho rằng, tên các cơ quan như Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội “có phần dài dòng”. “Có lẽ để đạt được độ chính xác về mặt định danh, nên một số cơ quan đã “hy sinh” chuẩn ngôn ngữ”.

Ông Cổn lấy một ví dụ khác là tên UB Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Theo ông Cổn, cái tên này cũng dài dòng và thừa chữ. Nếu bỏ chữ “về” ý nghĩa của tên cơ quan cũng không thay đổi. GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng đồng tình, tên riêng của cơ quan nhà nước mà có hư từ “về” rất hiếm gặp.

Tên cơ quan nhà nước cần ngắn gọn, dễ hiểu

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, đặt tên cho một cơ quan nhà nước cần hai yếu tố, trước hết định danh được chính xác chức năng, nhiệm vụ cơ quan đó. Thứ hai, tên phải ngắn gọn, không được quá dài dòng và phải mang tính đại chúng. Bên cạnh đó, ngôn ngữ sử dụng không mơ hồ, khó hiểu để tạo thuận lợi cho người dân giao dịch và cũng thuận lợi cho cơ quan nhà nước khi làm việc.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, tên gọi dù sao cũng chỉ có ý nghĩa tượng trưng, bao quát, không thể phản ánh tất cả nội dung bên trong. Thứ hai, tên bảo đảm được yếu tố truyền thống. Ví dụ, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ hiện nay không chỉ là thư viện, mà còn là nơi cung cấp thông tin cho các đại biểu, làm công việc lưu trữ quốc gia và phụ trách lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ... nhưng đến nay nó vẫn giữ tên cũ là Thư viện Quốc hội Hoa kỳ.

GS. Thuyết cũng chỉ ra tên một số bộ, ngành không nhất thiết phải “quá cẩn thận” đến mức thừa chữ. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể gọi là Bộ Giáo dục vì trong giáo dục có đào tạo. Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ cần gọi là Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục là đủ. Bởi trong giáo dục có thanh niên, thiếu niên và nhi đồng...

_______________

Bên cạnh những cái tên cơ quan quá dài và phức tạp, những cách phiên âm tên nước ngoài sang tiếng Việt cũng gây ra những tình huống dở khóc dở cười.
Mời độc giả đón đọc bài Đỏ mặt đọc phiên âm tiếng Việt vào 10h ngày 25/12!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN