13.000 người diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

TP HCM - Lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước với sự tham gia của 13.000 người, cùng dàn tiêm kích, trực thăng, và lần đầu tiên có quân đội Trung Quốc, Lào , Campuchia tham dự.

Trực tiếp diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước

- Buổi diễu binh, diễu hành sau 4 lần hợp luyện ở TP HCM

- 13.000 người thuộc 48 khối quân đội, công an, địa phương tham gia

- 10 trực thăng, 6 Yak-130 và 7 Su-30MK2 kéo cờ, thả bẫy nhiệt

- Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào tham dự

- Lãnh đạo các nước dự đại lễ như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen, Phó chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Salvador Valdés Mesa, Bộ trưởng Bộ các vấn đề quân nhân xuất ngũ Trung Quốc Bùi Kim Giai...

- Cấm người và xe ở hơn 20 đường ở quận 1 từ 3h đến 12h ngày 30/4

Diễn biến
9h15
Lực lượng diễu binh giao lưu với người dân, du khách

Lực lượng diễu binh đi qua trùng điệp người dân chờ ở vị trí tập kết tại bến Bạch Đằng. Ảnh: Thành Nguyễn

Lực lượng diễu binh đi qua trùng điệp người dân chờ ở vị trí tập kết tại bến Bạch Đằng. Ảnh: Thành Nguyễn

Rất đông người dân chờ lực lượng diễu binh ở đường Tôn Đức Thắng. Ảnh: Thành Nguyễn

Rất đông người dân chờ lực lượng diễu binh ở đường Tôn Đức Thắng. Ảnh: Thành Nguyễn

9h00
Đoàn diễu binh qua trụ sở UBND TP HCM

Sau khi hoàn thành diễu binh trên đường Lê Duẩn, xe chỉ huy dẫn các khối di chuyển trên đường Nguyễn Huệ để tới vị trí tập kết ở bến Bạch Đằng. Ảnh: Phùng Tiên

Sau khi hoàn thành diễu binh trên đường Lê Duẩn, xe chỉ huy dẫn các khối di chuyển trên đường Nguyễn Huệ để tới vị trí tập kết ở bến Bạch Đằng. Ảnh: Phùng Tiên

Khối 5 cánh quân đi qua khu vực trụ sở UBND TP HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Phùng Tiên

Khối 5 cánh quân đi qua khu vực trụ sở UBND TP HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Phùng Tiên

Nhiều người tranh thủ ghi lại khoảnh khắc các khối quân đội đi qua. Ảnh: Phùng Tiên

Nhiều người tranh thủ ghi lại khoảnh khắc các khối quân đội đi qua. Ảnh: Phùng Tiên

Các khối diễu binh qua phố đi bộ Nguyễn Huệ. Video: Hoàng Việt

8h40
Người dân reo hò khi đoàn diễu binh đi qua

Sau khi hoàn thành diễu binh ở lễ đài trên đường Lê Duẩn, các khối sẽ chia làm 4 nhánh để về vị trí tập kết. Điều này hạn chế ùn tắc khi các khối dồn về một hướng và tạo cơ hội cho người dân giao lưu nhiều hơn với các chiến sĩ.

Khối cảnh sát biển là đoàn đầu tiên diễu binh qua trước chợ Bến Thành. Khi thấy bóng dáng khối quân đội từ xa, hàng ngàn người dân đã ùa lên, reo hò phấn khích.

Khối cảnh sát biển đi qua chợ Bến Thành. Ảnh: Đình Văn

Khối cảnh sát biển đi qua chợ Bến Thành. Ảnh: Đình Văn

13.000 người diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - 1

8h39
Khối nam Chiến sĩ Cảnh sát cơ động vào lễ đài

Ra đời khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở giai đoạn quyết liệt, Cảnh sát cơ động đã trải qua hơn 50 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển.

Khối nam Chiến sĩ Cảnh sát cơ động. Ảnh: Thanh Tùng

Khối nam Chiến sĩ Cảnh sát cơ động. Ảnh: Thanh Tùng

Là lực lượng chiến đấu tập trung, Cảnh sát cơ động luôn có mặt ở các điểm phức tạp về an ninh, trật tự; phối hợp với các lực lượng, kịp thời giải quyết các tình huống; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội quan trọng; xứng đáng là "quả đấm thép" của lực lượng Công an nhân dân; vinh dự hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

8h37
Khối Cảnh sát cơ động kỵ binh vào lễ đài

Tuy mới thành lập 5 năm nhưng lực lượng Cảnh sát cơ động kỵ binh đã nhanh chóng trưởng thành. Cảnh sát cơ động kỵ binh đã tham gia và hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ tuần tra, diễu hành tại các thành phố, điểm du lịch, các sự kiện quan trọng của đất nước và các sự kiện mang tầm quốc tế.

Khối cảnh sát cơ động kị binh. Ảnh: Thanh Tùng

Khối cảnh sát cơ động kị binh. Ảnh: Thanh Tùng

Sự xuất hiện của Cảnh sát cơ động kỵ binh Việt Nam đã tạo cảm giác thân thiện, thanh bình, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế.

8h35
Quân đội Hoàng gia Campuchia vào lễ đài

Quân đội Hoàng gia Campuchia được thành lập ngày 09/11/1953. Gồm các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Không quân, Hiến binh và nhiều lực lượng chuyên ngành, có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình tại Campuchia.

Các chiến sĩ của quân đội Campuchia. Ảnh: Thanh Tùng

Các chiến sĩ của quân đội Campuchia. Ảnh: Thanh Tùng

Với quan hệ truyền thống hữu nghị, đoàn kết lâu đời giữa hai nước, Quân đội Hoàng gia Campuchia và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn sát cánh bên nhau, giúp đỡ lẫn nhau, cùng chiến đấu chống lại kẻ thù chung, giành được thắng lợi, mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho mỗi nước.

8h33
Khối Quân đội nhân dân Lào vào lễ đài

Quân đội nhân dân Lào được thành lập ngày 20/01/1949. Là lực lượng vũ trang chủ lực, mũi nhọn của cách mạng dân tộc Lào. Trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của hai nước, Quân đội nhân dân Lào luôn kề vai sát cánh, gắn bó mật thiết với Quân đội nhân dân Việt Nam xây dựng liên minh chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập dân tộc của mỗi nước.

Quân đội Lào tiến vào lễ đài. Ảnh: Thanh Tùng

Quân đội Lào tiến vào lễ đài. Ảnh: Thanh Tùng

Mối quan hệ hai đảng, hai nước, hai quân đội Việt Nam - Lào ngày càng được củng cố, tăng cường, cùng nhau bảo vệ thành quả cách mạng, an toàn khu vực biên giới và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

8h31
Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc vào lễ đài

Đoàn Nghi lễ Danh dự Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc được thành lập vào năm 1952, có nhiệm vụ chính là phục vụ nghi lễ cho Đảng, Nhà nước và Quân đội. Trải qua 73 năm xây dựng và trưởng thành, Đoàn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ nghi lễ hơn 13.000 lần, thể hiện hình ảnh tốt đẹp của nhà nước và quân đội Trung Quốc với tinh thần hăng hái và đội ngũ đều, đẹp, thống nhất, hùng mạnh của mình.

Lực lượng diễu binh Trung Quốc. Ảnh: Thanh Tùng

Lực lượng diễu binh Trung Quốc. Ảnh: Thanh Tùng

Đoàn Quân đội Trung Quốc sang TP HCM dự diễu binh lễ 30/4 theo lời mời của Bộ Quốc phòng Việt Nam để thể hiện tình hữu nghị giữa các quốc gia.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ to lớn, hiệu quả của Trung Quốc, Lào, Campuchia và Liên Xô (cũ).

8h20
Khối Sĩ quan Hải quân nhân dân Việt Nam tiến vào lễ đài

Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Hải quân nhân dân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, lập nhiều chiến công xuất sắc và làm nên huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển; đóng góp to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; xây đắp nên truyền thống "Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng". Hiện, Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ trên tuyến đầu.

Khối sĩ quan hải quân. Ảnh: Thanh Tùng

Khối sĩ quan hải quân. Ảnh: Thanh Tùng

8h17
Khối 5 cánh quân tiến vào lễ đài

Cách đây 50 năm, 5 cánh quân cùng với các lực lượng vũ trang, lực lượng chính trị quần chúng đồng loạt tiến vào Sài Gòn: Hướng Bắc là Quân đoàn 1, hướng Đông Nam là Quân đoàn 2; hướng Tây Bắc là Quân đoàn 3, hướng Đông là Quân đoàn 4; hướng Tây Nam là Đoàn 232. Thực hiện mệnh lệnh: "thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút; xốc tới mặt trận; giải phóng miền Nam, Quyết chiến và toàn thắng".

Khối 5 cánh quân tiến vào lễ đài. Ảnh: Thanh Tùng

Khối 5 cánh quân tiến vào lễ đài. Ảnh: Thanh Tùng

Một trong các xe chỉ huy (VinFast VF 9) dẫn các khối diễu hành qua lễ đài. Ảnh: Thanh Tùng

Một trong các xe chỉ huy (VinFast VF 9) dẫn các khối diễu hành qua lễ đài. Ảnh: Thanh Tùng

8h05
Chương trình diễu binh, diễu hành bắt đầu

Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam điều hành chương trình diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Ngoài phần diễu binh, màn trình diễn được chờ đợi nhất là 7 Su-30MK2 từ Biên Hòa bay lên TP HCM. Sau khi lượn qua khu vực trung tâm thành phố, nơi diễu binh trên đường Lê Duẩn, Dinh Thống Nhất, dàn tiêm kích vòng ra dọc sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm. Khi đến tòa nhà Bitexco 68 tầng cao thứ 2 thành phố (sau tòa Landmark 81), 3 chiếc tách nhóm chao lượn tung bẫy nhiệt. Việc thả bẫy nhiệt ở vị trí này đã được Quân chủng Phòng không - Không quân tính toán kỹ vì nơi đây cách Dinh Độc Lập chừng một km, gần sông đảm bảo an toàn và nhiều người có thể chiêm ngưỡng.

Tiêm kích thả bẫy nhiệt trên bầu trời TP HCM. Ảnh: Hoàng Việt

Tiêm kích thả bẫy nhiệt trên bầu trời TP HCM. Ảnh: Hoàng Việt

Mồi bẫy nhiệt là phần hệ thống phòng thủ chủ động được thiết kế để bảo vệ máy bay trước các loại tên lửa phòng không sử dụng đầu dẫn hồng ngoại. Thiết kế này gắn ở đuôi tiêm kích Su-30MK2.

Tiêm kích thả bẫy nhiệt

Trước đó 10 Trực thăng đi theo đội hình 3-4-3 kéo cờ xuất phát từ sân bay Biên Hòa lên địa phận TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Trước đó 10 Trực thăng đi theo đội hình 3-4-3 kéo cờ xuất phát từ sân bay Biên Hòa lên địa phận TP HCM. Ảnh: Thành Nguyễn

Người dân trên phố đi bộ Nguyễn Huệ hò reo khi thấy trực thăng kéo cờ Tổ quốc bay qua. Ảnh: Phùng Tiên

Người dân trên phố đi bộ Nguyễn Huệ hò reo khi thấy trực thăng kéo cờ Tổ quốc bay qua. Ảnh: Phùng Tiên

7h55
TP HCM đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động

Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân TP HCM nhận danh hiệu Anh hùng lao động. Quyết định được Tổng bí thư trao tặng danh hiệu cho đại diện Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân TP HCM.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân TP HCM

Tổng Bí thư Tô Lâm trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Đảng bộ, Chính quyền, Nhân dân TP HCM

7h40
Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mãi mãi trường tồn

Đại diện thế hệ trẻ phát biểu chị Huỳnh Mạnh Phương, Bí thư đoàn trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM), tin rằng tinh thần đại thắng mùa Xuân, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mãi mãi trường tồn. Thế hệ sẽ trẻ nêu cao tinh thần, nỗ lực để cùng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Chị Huỳnh Mạnh Phương thay mặt giới trẻ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Đồng

Chị Huỳnh Mạnh Phương thay mặt giới trẻ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Đồng

7h35
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Xin nhớ đến những đồng đội đã hy sinh

Đại diện cựu chiến binh, đại diện lực lượng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm, thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, nguyên tham mưu trưởng Quân khu 7 xin nhớ đến những đồng đội đã hy sinh, mãi mãi nằm lại. Ông cũng cám ơn nhân dân đã bảo bọc quân đội.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Đồng

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Đức Đồng

7h30
Trực thăng, Su-30MK2 từ sân bay Biên Hòa lên TP HCM

Su-30MK2 chuẩn bị bay lên vùng trời TP HCM. Ảnh: Phước Tuấn

Su-30MK2 chuẩn bị bay lên vùng trời TP HCM. Ảnh: Phước Tuấn

Trực thăng xuất phát từ sân bay Biên Hòa. Ảnh: Phước Tuấn

Trực thăng xuất phát từ sân bay Biên Hòa. Ảnh: Phước Tuấn

Loạt máy bay rời sân bay Biên Hòa lên TP HCM. Video: Phước Tuấn

7h15
Tổng Bí thư: Khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai

Mở đầu bài diễn văn Kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", Tổng bí thư Tô Lâm bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, thống nhất đất nước và bạn bè quốc tế ủng hộ đất nước, nhân dân Việt Nam.

Theo Tổng Bí thư, sự kiện này đánh dấu sự kết thúc oanh liệt của cuộc chiến đấu kiên cường 30 năm giành độc lập tự do thống nhất tổ quốc, chấm dứt ách thống trị hơn một nửa thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Quan trọng hơn, đã đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Ảnh: Đức Đồng

Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn tại Lễ kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Ảnh: Đức Đồng

Thắng lợi này được xem là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Việt Nam, của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông với chân lý "nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Sự kiện này đã hiện thực hóa mong muốn và lời căn dặn thiết tha nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, để "Nam Bắc sum họp một nhà".

Sau 50 năm, Việt Nam đạt được những kết quả nổi bật trong kinh tế, từ một nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập tiệm cận trung bình cao, cải thiện đời sống nhân dân, hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ vững độc lập, chủ quyền, quốc phòng an ninh được giữ vững. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước triển khai mạnh mẽ chính sách hòa hợp hòa giải dân tộc với tinh thần tất cả người Việt Nam đều là con dân nước Việt, có quyền và trách nhiệm đóng góp xây dựng Tổ quốc, với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai.

Theo Tổng Bí thư, đất nước đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa . Mục tiêu là xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Quỳnh Trần

Tổng Bí thư Tô Lâm tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Quỳnh Trần

7h02
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du Lịch giới thiệu đại biểu

Sau nghi thức chào cờ và tuyên bố lý do, trong phần giới thiệu, Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng, cho biết đến tham dự đại lễ kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" có các lãnh đạo: Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, các nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Kim Ngân.

Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên và nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh và người thân các liệt sĩ.

Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Đức Đồng

Bộ trưởng Văn hoá Thể thao và Du Lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Đức Đồng

Lễ kỷ niệm có sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước, các chính đảng và khách quốc tế, gồm: Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Hun Sen, Phó Chủ tịch nước Cuba Salvador Valdes Mesa.

Đại diện cho các chính đảng các nước, trưởng đoàn Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Cộng hòa Dominica, Pháp, Nga, Malaysia, Mỹ, Venezuela, Mexico,...

Các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện, các tổ chức quốc tế, tùy viên quốc phòng của các nước tại Việt Nam. Nhiều khách mời là những người đã từng ủng hộ cách mạng, nhân dân Việt cũng như quá trình xây dựng đất nước và các hãng thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

7h01
Bắn 21 loạt đại bác mừng đại lễ

Tại Bến Bạch Đằng, 21 loạt đại bác được bắn để chào mừng lễ kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".

Người dân hò reo khi bắn đại bác ở Bến Bạch Đằng. Video: Hoàng Thanh

6h25
Chương trình văn nghệ trước giờ khai mạc

6h25, chương trình văn nghệ bắt đầu bằng màn trống hội Bản hùng ca toàn thắng do Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an biểu diễn. Sau đó là tiết mục xếp hình nghệ thuật Đất nước trọn niềm vui, bài hát Viết tiếp câu chuyện hoà bình...

13.000 người diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - 10

Ca sĩ Võ Hạ Trâm và Đông Hùng thể hiện bài hát Viết tiếp câu chuyện hoà bình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: Quỳnh Trần

Ca sĩ Võ Hạ Trâm và Đông Hùng thể hiện bài hát Viết tiếp câu chuyện hoà bình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: Quỳnh Trần

6h00
Nhiều phóng viên nước ngoài tham dự

Anh Bill Birtles - phóng viên đài truyền hình ABC của Australia cùng đồng nghiệp ghi hình công tác chuẩn bị trước giờ diễu binh. Anh Bill cho biết đã tới TP HCM từ văn phòng đại diện ở Jakarta, Indonesia từ 4 ngày trước để chuẩn bị tác nghiệp buổi diễu binh. Do ở Indonesia cũng có thời tiết giống TP HCM nên anh không gặp khó khăn để thích nghi. " Tôi thấy bầu không khí thật tuyệt vời, rất đông người dân để đến từ sớm", anh Bill nói.

Ê kíp đài truyền hình ABC. Ảnh: Đình Văn

Ê kíp đài truyền hình ABC. Ảnh: Đình Văn

Trong dịp này có 169 phóng viên quốc tế của 39 hãng thông tấn báo chí và 17 quốc gia; trên 630 phóng viên của 81 cơ quan báo chí trong nước đăng ký tác nghiệp.

5h55
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đến lễ đài

Hàng đầu từ trái qua: Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith tiến vào lễ đài. Ảnh: Thanh Tùng

Hàng đầu từ trái qua: Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith tiến vào lễ đài. Ảnh: Thanh Tùng

Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ảnh: Thanh Tùng

Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ảnh: Thanh Tùng

Từ trái qua, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đến dự đại lễ.

Từ trái qua, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng; Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Duy Ngọc; Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đến dự đại lễ.

Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự đại lễ.

Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự đại lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú cùng nhiều lãnh đạo đến dự đại lễ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bộ trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang; Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú cùng nhiều lãnh đạo đến dự đại lễ.

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Đức Đồng

Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Văn Nên tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Đức Đồng

5h50
Người dân chờ đợi xem diễu binh tại các tuyến đường

Video: Tuấn Việt - Hoàng Thanh - Hoàng Nam

5h40
Tiêm kích Su-30MK2 bay khí tượng xuất phát tại sân bay Biên Hòa

Trong thời gian tiêm kích, máy bay chiến đấu, trực thăng bay từ sân bay Biên Hòa lên thành phố, vùng trời TP HCM được thiết lập vùng cấm bay đối với tất cả phương tiện bay khác.

Su-30MK2 cất cánh. Ảnh: Phước Tuấn

Su-30MK2 cất cánh. Ảnh: Phước Tuấn

Thông tin từ Quân chủng Phòng không - Không quân, chuyến bay khí tượng gần như bắt buộc, yêu cầu phải xác định như lượng mây, độ cao đáy, đỉnh mây, các loại mây, tầm nhìn, xu thế phát triển của các hiện tượng thời tiết, hướng và tốc độ gió... Có nhiệm vụ kiểm tra các phượng tiện bảo đảm của các đài, trạm thông tin, ra đa mặt đất, chuyến bay trinh sát khí tượng được thực hiện và phải kết thúc trước ban bay ít nhất 30 phút. Kết quả chuyến bay sẽ giúp chỉ huy bay có hạ lệnh thực hiện ban bay chính thức hay không, và xác định kế hoạch bay, phương án bay nào...

Tiêm kích Su-30MK2 bay lên địa phận TP HCM. Ảnh: Hoàng Việt

Tiêm kích Su-30MK2 bay lên địa phận TP HCM. Ảnh: Hoàng Việt

Hai phi công trò chuyện với nhau ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) sau khi thực hiện chuyến bay trinh sát khí tượng. Sân bay Biên Hòa cũng là nơi xuất kích dàn tiêm kích, trực thăng kéo cờ, thả bẫy nhiệt ở lễ 30/4. Ảnh: Phước Tuấn

Hai phi công trò chuyện với nhau ở sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) sau khi thực hiện chuyến bay trinh sát khí tượng. Sân bay Biên Hòa cũng là nơi xuất kích dàn tiêm kích, trực thăng kéo cờ, thả bẫy nhiệt ở lễ 30/4. Ảnh: Phước Tuấn

5h40
Bến Bạch Đằng đông nghịt người

Đến sáng nay, Bến Bạch Đằng vẫn đông nghịt người dân, xe chở các đoàn diễu binh phải nhích từng chút một để vào khu vực lễ đài trên đường Lê Duẩn. Khu vực này là một trong những điểm tập trung người dân đông nhất trong dịp lễ 30/4 do có nhiều hoạt động nghệ thuật, giải trí ở hai bên bờ sông Sài Gòn.

Ôtô chở các đoàn diễu binh phải nhích từng chút một để vào đường Lê Duẩn, nơi tổ chức lễ. Ảnh: Thành Nguyễn

Ôtô chở các đoàn diễu binh phải nhích từng chút một để vào đường Lê Duẩn, nơi tổ chức lễ. Ảnh: Thành Nguyễn

Hàng nghìn người tập trung ở Bến Bạch Đằng - phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Thành Nguyễn

Hàng nghìn người tập trung ở Bến Bạch Đằng - phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Thành Nguyễn

5h15
300 khách mời cựu chiến binh tham dự lễ

Hơn 300 khách mời là cựu chiến binh ở các tỉnh thành trên cả nước di chuyển từ khách sạn New World đến điểm tập kết ở sân vận động Hoa Lư xem diễu binh.

Các cựu chiến binh di chuyển vào khu vực sân khấu trên đường Lê Duẩn. Video: Minh Trịnh

5h00
Các khối diễu binh tập kết vào sân khấu

Các khối diễu binh bắt đầu tập kết trước lễ đài, trên đường Lê Duẩn. Video: Công Khang

4h40
Lực lượng vũ trang tiến vào vị trí tập kết

13.000 người diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - 11

13.000 người diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - 11

13.000 người diễu binh kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - 11

Ảnh: Thanh Tùng

Ảnh: Thanh Tùng

4h00
Nhiều người tràn xuống lòng đường

Trên đường Nguyễn Đình Chiểu, trước gần 2 giờ buổi lễ chính thức diễn ra, các đoàn xe công vụ, ôtô chở khách mời liên tục di chuyển hướng vào khán đài. Đây là một trong 4 hướng đoàn diễu binh đi qua, nên từ đêm qua hàng nghìn người có mặt, mang theo bạt, đồ ăn, nước uống.

Nhiều người ngồi dưới lòng đường Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Giang Anh

Nhiều người ngồi dưới lòng đường Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: Giang Anh

Vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu hầu như không còn chỗ trống. Ảnh: Giang Anh

Vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu hầu như không còn chỗ trống. Ảnh: Giang Anh

Đến rạng sáng, hai bên vỉa hè chật kín người, nhiều người tràn xuống lòng đường chờ đợi khiến lực lượng chức năng liên tục phát loa hướng dẫn, giải tỏa để đảm bảo trật tự. "Tuy mệt nhưng tôi rất vui, háo hức vì đây là sự kiện ý nghĩa, lần đầu tổ chức với quy mô lớn như vậy", chị Diệu Thanh, 37 tuổi, nói.

Lực lượng an ninh nhắc nhở mọi người ổn định chỗ ngồi ở khu vực chợ Bến Thành. Video: Tuấn Việt

3h30
Dòng người chắn cửa bệnh viện Đa khoa Sài Gòn

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn bàn bạc cách xử lý các trường hợp người dân cần cấp cứu cùng lực lượng chức năng. Do tuyến đường dẫn đến cửa bệnh viện đông nghịt người, công an rất vất vả để đưa người bị nạn đến bệnh viện.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn bàn bạc cách xử lý các trường hợp người dân cần cấp cứu. Ảnh: Quang Huy

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn bàn bạc cách xử lý các trường hợp người dân cần cấp cứu. Ảnh: Quang Huy

2h30
Kiểm tra an ninh gắt gao

Công tác kiểm tra an ninh trên đường Phạm Ngọc Thạch rất gắt gao do đây là tuyến đường kết nối trực tiếp vào khu vực khán đài trên đường Lê Duẩn. Khoảng 200 m trên tuyến này có từ bốn đến năm chốt an ninh trong đó người tham gia sự kiện phải soi chiếu an ninh hai lần, kiểm tra thông tin cá nhân kỹ càng trước khi vào lễ đài.

Kiểm tra an ninh vòng ngoài ở đường Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Quỳnh Trần

Kiểm tra an ninh vòng ngoài ở đường Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Quỳnh Trần

Kiểm tra soi chiếu bằng máy ở chốt đường Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Quỳnh Trần

Kiểm tra soi chiếu bằng máy ở chốt đường Phạm Ngọc Thạch. Ảnh: Quỳnh Trần

Bên trong khán đài lực lượng an ninh túc trực kiểm tra các lối ra vào, dọc hành lang khán đài. Ảnh: Thanh Tùng

Bên trong khán đài lực lượng an ninh túc trực kiểm tra các lối ra vào, dọc hành lang khán đài. Ảnh: Thanh Tùng

1h30
Dòng người đổ về trung tâm thành phố

Người dân người tiếp tục đổ về Bến Bạch Đằng từ phía cầu Khánh Hội. Hai bên thành cầu, nhiều tiểu thương chiếm chỗ để bán các loại nước, đồ ăn vặt, khiến khu vực này trở thành một tuyến phố ẩm thực. Dưới cầu yên tĩnh hơn nên được nhiều người dân chọn làm chỗ chợp mắt.

Dòng người ở gần khu vực cầu Khánh Hội nối quận 1 và quận 4. Ảnh: Quang Huy

Dòng người ở gần khu vực cầu Khánh Hội nối quận 1 và quận 4. Ảnh: Quang Huy

Đến 1h35, lực lượng chức năng bắt đầu yêu cầu người dân rời khỏi khu vực gần đường Lê Duẩn ra các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Huệ.

Người dân được yêu cầu ra khỏi đường Lê Duẩn. Ảnh: Đình Văn

Người dân được yêu cầu ra khỏi đường Lê Duẩn. Ảnh: Đình Văn

Tại giao lộ Đồng Khởi - Lý Tự Trọng, quận 1, lực lượng chức năng bắt đầu cấm đường để các nhường lối cho các xe chở đoàn đến diễu binh. Một số người nước ngoài do không biết thông tin này nên khó trở về khách sạn. Nhiều cảnh sát thông thạo tiếng Anh, Trung túc trực để hướng dẫn, hỗ trợ họ trở về nơi ở.

Cảnh sát sử dụng tiếng Anh hướng dẫn du khách nước ngoài. Ảnh: Đình Văn

Cảnh sát sử dụng tiếng Anh hướng dẫn du khách nước ngoài. Ảnh: Đình Văn

00h00

Tối 29/4, biển người đổ về các tuyến phố trung tâm thành phố chờ xem diễu binh, diễu hành. Các đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng... chật kín người. Công tác an ninh ở khu vực diễu binh được siết chặt ở mức cao nhất. Khách mời, người ra vào khu vực này phải trình thẻ căn cước, kiểm tra qua máy dò. Hơn 20 tuyến đường trung tâm thành phố cấm xe, hạn chế đường ra vào từ 3h đến 12h ngày 27/4.

Nhiều nhóm cùng hát hò, tạo nên không khí náo nhiệt trên đường Lê Lợi, tối 29/4. Ảnh: Đức Đồng

Nhiều nhóm cùng hát hò, tạo nên không khí náo nhiệt trên đường Lê Lợi, tối 29/4. Ảnh: Đức Đồng

Cuộc diễu binh, diễu hành 50 năm thống nhất đất nước với sự tham gia của 13.000 người thuộc 48 khối diễn ra lúc 7h trên đường Lê Duẩn. Trước đó các lực lượng đã có 4 lần hợp luyện ở TP HCM sau khi trải qua hơn 2 tháng tập luyện ở nhiều tỉnh thành. Buổi diễu binh có sự tham gia của nhiều tiêm kích, trực thăng treo cờ, thả bẫy nhiệt.

Lịch trình diễu binh, diễu hành ngày 30/4 ở TP HCM. Đồ họa: Khánh Hoàng - Đình Văn

Lịch trình diễu binh, diễu hành ngày 30/4 ở TP HCM. Đồ họa: Khánh Hoàng - Đình Văn

10 trực thăng, 6 Yak-130 và 7 Su-30MK2 trình diễn màn kéo cờ, thả bẫy nhiệt trên bầu trời, tại lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhóm phóng viên ([Tên nguồn])
50 năm thống nhất đất nước Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN